Đại gia Diệu Hiền hồi phục
> Đại gia thủy sản Phương Nam hồi sinh
> Đại gia Diệu Hiền chỉ mong hai chữ bình yên
Sức khỏe đại gia Diệu Hiền đang hồi phục sau thời gian dài trị bệnh. Ăn uống nhiều hơn trước, bà đã tăng từ 39 lên 51 kg và rất minh mẫn.
Bà Diệu Hiền chụp ảnh cùng cháu nội tháng 9/2012. Ảnh: Sáu Nghệ. |
Hơn một năm sau nhiều biến cố ảnh hưởng lớn đến gia đình bà Phạm Thị Diệu Hiền, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco), giờ đây cuộc sống của mọi người trong nhà khá yên bình.
Hằng ngày, người dân Sóc Trăng đều thấy nữ doanh nhân Diệu Hiền đi mua giống cây ăn quả về trồng trong khu du lịch Bình An - nơi bà đặt dấu ấn đầu tiên cho mô hình du lịch sinh thái ở Sóc Trăng. Những nơi đất trống được bà Hiền cho người cuốc xới để trồng rau sạch. "Bác sĩ dặn tôi không được ăn rau quả mua ở chợ vì sợ có hóa chất. Rau và cây trái trong vườn nhà là thực phẩm an toàn nhất cho người dưỡng bệnh như tôi", nữ doanh nhân chia sẻ.
Hiện sức khỏe bà Diệu Hiền đang dần hồi phục sau một thời gian dài xạ trị ở nước ngoài. Ăn uống nhiều hơn trước, bà đã tăng từ 39 lên 51 kg và rất minh mẫn.
Chồng bà, ông Trần Văn Trí cũng đang rất vui vì hơn nửa năm giải cứu thành công Công ty Thủy sản Bình An, lại tiếp tục thu xếp xong khoản nợ 1.600 tỷ đồng tại Công ty CP Chế biến Thực phẩm Phương Nam sau nhiều tháng làm Giám đốc. Sau khi sửa xong căn nhà trong khu du lịch Bình An ở Sóc Trăng, ông Trí vừa tất bật hành trình Nam - Bắc tìm hướng tái cơ cấu Thủy sản Phương Nam, vừa cho nhân công trang trí lại nội thất trong nhà để đón vợ về xứ sở chùa Dơi nghỉ dưỡng, sống an nhàn cùng con cháu. Ông cũng vui hơn khi cháu nội Gia Phúc kháu khỉnh sắp đến ngày thôi nôi, thường xuyên được vợ chồng con trai và con dâu Quỳnh Chi đưa về Sóc Trăng thăm ông bà nội.
Cậu con trai Trần Văn Chương những ngày này cũng vất vả nhưng thanh thản hơn xưa. Văn Chương ngoài giúp cha tái cơ cấu nợ nần của các doanh nghiệp gặp khó và chăm sóc sức khỏe của mẹ, còn tranh thủ chăm sóc đàn chim yến đang ngày kéo về ngày càng nhiều ở những nơi vừa đầu tư. Trở lại quê hương gắn bó với thời trung học phổ thông, Văn Chương thích cùng người thân ăn sáng với cơm cari gà hoặc cơm sườn chiên bình dân ở góc đường gần Bưu điện tỉnh Sóc Trăng.
Sau nửa năm điều hành Thủy sản Phương Nam, ông Trí đã giải cứu thành công doanh nghiệp nợ 1.600 tỷ đồng. Ảnh: Thiên Phước. |
Những hình ảnh bình dị ấy cứ trôi qua từng ngày trong gia đình nữ đại gia Diệu Hiền tại Sóc Trăng. Dự định cửa hàng vật tư nông nghiệp, trạm dừng chân hay cửa hàng bách hóa tự chọn... trước khu du lịch Bình An đang được người thân của bà Diệu Hiền bàn thảo. Ông Trí cũng vừa thương lượng xong với một hộ dân trước khu du lịch Bình An để mua lại thửa đất, mở rộng mặt tiền...
Từng là viên chức Nhà nước, một năm trước ông Trí xin nghỉ làm Hiệu trưởng Trường Nghiệp vụ giao thông vận tải khu vực đồng bằng sông Cửu Long để về nhà giúp vợ cán đán mọi việc tại Thủy sản Bình An khi bà Diệu Hiền đổ bệnh, phải qua Mỹ điều trị. Giải cứu xong Bianfishco, ông Trí tiếp nhận "ghế nóng" tại Thủy sản Phương Nam đầu tháng 11/2012 với vai trò điều hành. Khi đó, công ty này bên bờ vực phá sản với số nợ 1.600 tỷ đồng.
Trao đổi với Ngoisao.net, ông Trí cho rằng miền Tây là vựa tôm, cá lớn của cả nước, cần được quan tâm đầu tư, khai thác hiệu quả. Đây là lý do ông cùng lúc giải cứu Thủy sản Phương Nam, tham gia tái cấu trúc Công ty Thủy sản Ngư Long ở Đồng Tháp (nợ hơn 200 tỷ đồng), Công ty Thủy sản Minh Trí (Vĩnh Long, nợ hơn 100 tỷ), Công ty Thiên Mã (Cần Thơ, nợ khoảng 700 tỷ đồng)… nhằm vực dậy ngành thủy sản, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.
"Sau khi vượt qua khó khăn, Công ty Bình An đã hoạt động tốt, chuẩn bị đại hội cổ đông lần 2 và tới đây là Thủy sản Phương Nam. Khi các công ty cùng ngành được tái cấu trúc, kinh doanh hiệu quả trở lại thì nông dân miền Tây có đầu ra ổn định cho tôm cá, xuất khẩu cũng tăng trở lại", ông Trí nói thêm.
Theo Lin Ca
Ngôi Sao