Ngân hàng lo... tụt huyết áp
> Dự án treo 'neo' hàng ngàn sổ đỏ
> 'Sắp chết', Cty địa ốc vẫn trả lương ngàn đô
Thông qua gói tín dụng nhà ở 30.000 tỷ đồng, chính thức thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC), đề nghị hoãn thực hiện Thông tư 02 quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, những yếu tố này cùng lúc có vẻ như sẽ tạo thành lực đẩy tăng trưởng tín dụng. Nhưng có vẻ như câu chuyện không đơn giản như thế!
Ảnh: minh họa - Internet |
Tăng liều thuốc cho tín dụng
Như DOANH NHÂN đã đề cập ở số báo 131 (ra ngày 14/5/2013), tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế tiếp tục ở mức “ì ạch”. Đến hết tháng 4/2013, tín dụng chỉ tăng 2,14%. Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đây là tín hiệu khá tích cực, bởi so với năm 2012 thì phải đến tháng 6 tín dụng mới “ngoi lên mặt đất”. Sự “cộng dồn” của tăng trưởng tín dụng thấp từ năm ngoái đến nay đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Đây cũng là nguyên nhân gián tiếp khiến 15.300 doanh nghiệp phải đóng cửa chỉ trong quý 1/2013. “Không phải ngành ngân hàng không biết, nhưng họ đã và đang làm tất cả những gì có thể”, ông Mạnh nhấn mạnh. Việc VAMC được chính thức thành lập hứa hẹn dẹp được hòn đá tảng đang chặn dòng tín dụng.
Và nếu Ngân hàng Nhà nước quyết định tạm dừng thực hiện Thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro thì đó cũng là một cách hà hơi tiếp sức cho các ngân hàng trong hoạt động tín dụng. Vì thế, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu những tháng cuối năm tín dụng tăng tốc, để “bù” lại vận tốc “rùa” của những tháng đầu năm. Đơn cử, hôm 23/5, BIDV tuyên bố dành đến 10 ngàn tỷ đồng cho gói tín dụng hỗ trợ nhà ở.
5 ngân hàng thương mại nhà nước tham gia chương trình này, mà gói tín dụng chỉ có 30 ngàn tỷ đồng. “Chúng tôi khuyến khích các ngân hàng thương mại nếu có thể thu xếp thì tăng nguồn vốn cho chương trình này”, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết. BIDV tuyên bố họ đã và đang giải ngân cho chương trình. Dự kiến trong năm 2013, ngân hàng này sẽ giải ngân 2.700 tỷ đồng của chương trình này. Điểm đáng lưu ý ở đây là Ngân hàng Nhà nước không phân bổ chỉ tiêu, nên mạnh ai nấy làm.
Ngân hàng nào triển khai nhanh, nhiều thì cơ quan quản lý cứ căn vào đó mà hỗ trợ 1,5% lãi suất. Vô hình trung điều này sẽ tạo động lực để các ngân hàng thương mại này triển khai gói kích cầu nhà ở nhanh hơn. Một điểm khác sẽ kích tín dụng tăng là cùng với người mua nhà, doanh nghiệp xây nhà cũng sẽ được vay. Nghĩa là sẽ có tiền rót cho các công trình dang dở và “giải phóng” nguyên vật liệu xây dựng tồn kho... Điều này tạo thành lực cầu nhất định cho nhiều ngành nghề liên quan đến bất động sản và sẽ tác động ngược trở lại đến nhu cầu vay vốn, không chỉ của doanh nghiệp mà cả người dân.
Nợ xấu và căn bệnh 'tụt huyết áp'
Từ những thông tin trên có thể thấy ánh sáng cuối đường hầm cho các ngân hàng. Vậy họ phải mừng mới đúng. Nhưng không hẳn như vậy! Thứ nhất, cơ chế hoạt động của VAMC là tạm mua nợ của tổ chức tín dụng trong 5 năm. Trong thời gian đó, họ phải tự trích lập dự phòng dưới 20% để có vốn “chuộc” lại khoản nợ xấu đã bán cho VAMC. Như vậy, chẳng qua cục nợ xấu mới chỉ được tạm treo để ngân hàng rảnh tay cho hoạt động tín dụng. Mối lo nợ xấu vẫn hiện hữu. Thứ hai, tín dụng tăng trưởng trở lại, hứa hẹn nguồn thu cho ngân hàng tăng, hòng đỡ sức ép về lợi nhuận cho các cổ đông. Doanh thu của ngân hàng có thể được cải thiện khi tín dụng tăng trưởng trở lại. Thnhưng, sẽ không đáng kể. Vì lợi nhuận biên (NIM) của ngân hàng đang ngày càng thu hẹp.
Đơn cử như gói hỗ trợ nhà ở. Lãi suất cho vay năm 2013 chỉ 6%/năm hoặc sau này khi lãi suất có thay đổi thì cũng chỉ bằng 50% lãi suất cho vay bình quâncủa các ngân hàng thương mại, nhưng phải dưới 6%/năm. Theo nguồn tin của chúng tôi, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước vừa khảo sát về chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra của 36 tổ chức tín dụng. Kết quả, chênh lệch đầu vào ra đã trừ chi phí trích lập dự phòng rủi ro đến cuối tháng 3/2013 chỉ còn 1,93%. Đây là con số thống kê từ tháng 3/2013, những tháng tới đây, khi tiếp tiếp tục thực hiện giảm lãi suất cho vay để kích cầu tín dụng, con số này sẽ giảm thêm. Nếu NIM tiếp tục sụt giảm, trong khi rủi ro tăng do phải nhanh chóng mở rộng tín dụng sẽ khiến ngân hàng rơi vào thế giảm lãi suất cho vay; mở rộng tín dụng; nợ xấu treo lơ lửng trên đầu... Như thế, ngân hàng không kiệt sức, “tụt huyết áp” mới lạ, nhất là những ngân hàng vốn có “thể lực” không tốt. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều ngân hàng không tuyển mới mà còn cho hàng loạt nhân viên nghỉ việc.
Những người còn lạcũng bị giảm lương, cắt thưởng. Gần đây cũng không còn thấy cảnh các ngân hàng nhộn nhịp mở chi nhánh. Trái lại, nhiều ngân hàng đã âm thầm đóng cửa bớt các phòng giao dịch để giảm chi phí. Thậm chí, trước đây ngân hàng thi nhau mở chi nhánh, phòng giao dịch tại những con phố lớn, để tạo nên những “phố” ngân hàng bề thế, thì nay, phòng giao dịch của ngân hàng “rút” về phố nhỏ hơn. Lãnh đạo một NHTM lớn phân trần: “Chúng tôi không cắt giảm không được, hoạt động kinh doanh của ngân hàng ngày càng khó khăn. Chúng tôi cũng không dám xin cơ chế mở hơn, vì càng mở rủi ro sẽ càng lớn”. Tổng cục thống kê vừa công bố, tháng 5 năm2013, chỉ số giá cả trong cả nước giảm 0,06% so với tháng 4 năm 2013 và chỉ tăng 2,35% so với tháng 12 năm 2012.
Đây là tháng thứ 3 liên tiếp chỉ số này giảm so với tháng trước. Với tình trạng thị trường tiền tệ trì trệ do tín dụng tăng trưởng thấp, lãi suất huy động giảm..., có thể thấy đã có 2/3 yếu tố thể hiện nền kinh tế sẽ rơi vào thiểu phát (yếu tố còn lại là tăng trưởng GDP âm). Đây sẽ là sức ép lớn đối với điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước do những công cụ có thể, từ tái cấp vốn, nới dự trữ bắt buộc, đến lãi suất tín dụng đã được sử dụng gần hết.
Theo bà Nguyễn Thị hồng, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2012 các tổ chức tín dụng đã xử lý khoảng 69.200 tỷ đồng nợ xấu. Và trong 3 tháng đầu năm tiếp tục xử lý gần 6.000 tỷ đồng nữa. Việc ban hành Thông tư số 11 cho vay hỗ trợ nhà ở và sự ra đời của VAMC sẽ thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu và khơi thông dòng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, không thể chỉ trông chờ vào chính sách tiền tệ. Cần có giải pháp hỗ trợ thị trường và tiêu thụ sản phẩm để có thể tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Thứ hai, thực hiện quyết liệt cơ chế bảo lãnh vay vốn cho các doanh nghiệp. Thứ ba, giải quyết dứt điểm nợ đọng của ngân sách, qua đó làm tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Theo Doanh Nhân