Vượt khủng hoảng, ‘bắt bệnh’ doanh nghiệp Việt

Vượt khủng hoảng, ‘bắt bệnh’ doanh nghiệp Việt
TPO – Trong bức tranh ảm đạm của nền kinh tế Việt Nam, Phú Thái là một trong số ít những doanh nghiệp vẫn giữ được mức tăng trưởng mạnh mẽ. Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch tập đoàn, chia sẻ với PV Tiền Phong.

> Đột phá mới hy vọng vực dậy kinh tế

> Giải cứu nền kinh tế: Chấp nhận bội chi?

Ông Phạm Đình Đoàn và các doanh nhân trong lần gặp gỡ Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: N.Đ
Ông Phạm Đình Đoàn và các doanh nhân trong lần gặp gỡ Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: N.Đ.

Phá sản vì bệnh 'hoành tráng'

VCCI và một nhóm doanh nhân hàng đầu trong đó có ông từng muốn lập Nhóm G 100 (Nhóm 100 DN hang đầu Việt Nam), vậy kế hoạch đó hiện thế nào?

Khủng hoảng kinh tế cùng một số lý do khác khiến trong số 100 DN dự kiến tham gia G100 (nhóm 100 DN hàng đầu Việt Nam tư vấn chính sách cho nhà nước) bị ảnh hưởng, hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, thậm chí là lỗ nặng và bị bắt... Và trong lúc này cộng đồng doanh nghiệp Việt nên soi lại chính mình, rút ra những bài học sau thời gian gồng mình vượt qua khủng hoảng.

Theo ông đâu là lý do khiến hàng chục ngàn DN Việt phá sản trong thời gian qua?

Theo tôi có ba lý do cơ bản, bao gồm cả chủ quan và khách quan.

Thứ nhất, những DN Việt phá sản chủ yếu do phát triển không chuyên sâu vào thế mạnh của mình, thích “hoành tráng”, đầu tư vào quá nhiều lĩnh vực, vượt quá khả năng (cả về tài chính và khả năng quản trị) của mình do vậy khi hội nhập, bị cạnh tranh lớn nên dần dần khó trụ vững và mất khả năng kiểm soát hoạt động kinh doanh.

Thứ hai, do đầu tư dàn trải nên phải vay tiền ngân hàng nhiều, thậm chí lớn hơn cả vốn chủ sở hữu, với lãi suất quá cao cùng với việc khó tiếp cận với nguồn vốn nên dẫn đến mất cân đối dòng tiền và tất sẽ dẫn tới chỗ suy kiệt, đổ vỡ.

Thứ ba, cũng phải kể đến lý do khách quan do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những khó khăn trong nước khiến thị trường thu hẹp lại, cạnh tranh ngày càng gay gắt, cơ hội ít đi và do các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô không linh hoạt, sát với “nhịp đập” “hơi thở” của doanh nghiệp, việc cải cách, minh bạch hóa trong các thủ tục hành chính diễn ra chậm, tham nhũng ngày càng tinh vi và phức tạp,…nên các DN thường xuyên bị mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc cho những việc “không tên”...

Phạm Đình Đoàn tại lễ ra mắt chuỗi siêu thị tại Việt Nam
Phạm Đình Đoàn tại lễ ra mắt chuỗi siêu thị tại Việt Nam.

Các DN phá sản, đại gia ra tòa thường đổ lỗi cho khách quan, theo ông điều này có thỏa đáng không?

Đúng là mọi khó khăn đều có lý do khách quan và chủ quan. Điều quan trọng không phải là đổ lỗi cho khách quan hay chủ quan mà cần nhìn thẳng vào sự thật sau thời gian gồng mình vượt qua khủng hoảng.

Về khách quan, Việt Nam mở cửa kinh tế thị trường muộn hơn các nước xung quanh nên cơ hội ít hơn; kinh nghiệm điều hành nền kinh tế của cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp vì thế cũng chưa có nhiều nên dẫn tới những vấp váp trong quá trình hội nhập quốc tế và thua thiệt nhiều trong quá trình cạnh tranh.

Cũng phải nhìn thẳng vào chính sách vĩ mô (tiền tệ, thuế, ưu đãi...) chưa thực sự sáng suốt, chưa sâu sát và chưa theo kịp những thay đổi nhanh chóng của quá trình phát triển. Nhiều chính sách đề ra chậm và không hợp lý, thâm chí nhiều Doanh nghiệp tự đặt câu hỏi “chính sách này không hiểu người ta có lấy ý kiến tham khảo của cộng đồng doanh nghiệp hay không mà sao bất hợp lý thế?”

Chính sách vĩ mô cũng thiếu đi sự định hướng lớn về ngành nghề cho các doanh nghiệp nên phần lớn tự bơi dẫn tới không biết đâu là thế mạnh của Việt Nam. Mặt khác, nhà nước cũng chưa có chính sách chi tiết cho từng ngành nghề, từng lĩnh vực được cho là mũi nhọn... Nếu được định hướng, doanh nghiệp sẽ có lợi thế để đi tắt, đón đầu.

Bản thân các doanh nghiệp phải loay hoay lựa chọn giữa phát triển bền vững hay chộp lấy cơ hội, tận dụng kẽ hở trong cơ chế chính sách để kiếm tiền nhanh, bằng mọi giá và điều này khiến DN Việt Nam phát triển không “quốc tế hóa” và yếu đi rất nhanh khi gặp khó khăn.

Những lý do trên cộng với sự khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu khiến hàng loạt DN Việt rơi vào tình trạng khó khăn hoặc phá sản như hiện nay.

Phú Thái và đối tác Nhật Bản tại một lễ ký kết
Phú Thái và đối tác Nhật Bản tại một lễ ký kết.

Bất chấp những lý do trên, nhiều DN vẫn sống sót, trong khi hàng loạt phá sản do đâu thưa ông?

Chi phí nghiên cứu thị trường của DN Việt ở mức thấp nhất trong 60 nước, chỉ 0,12 USD/người nên hầu hết DN Việt thường nhìn bầu trời màu hồng. Kinh qua nhiều vị trí khác trong trong cộng đồng doanh nhân, tôi thấy DN Việt thường mắc bệnh hoành tráng, thích lợi dụng kẽ hở trong chính sách để kiếm tiền thật nhanh; hay phát triển theo phong trào, không dựa vào khả năng và năng lực thật của mình; ít chú trọng đến nghiên cứu thị trường; chưa coi trọng phát triển bền vững.

Những DN nào khắc phục được những nhược điểm cơ bản trên sẽ có cơ hội để sống sót, phát triển và hội nhập.

Được biết ngành phân phối Việt Nam gặp khó bởi những gã khổng lồ đến từ nước ngoài. Vậy đâu là bí quyết để DN của ông không chỉ sống sót mà đạt mức tăng trưởng trên 30%/năm trong thời kỳ khủng hoảng?

Để lý giải điều này cần nhìn cả một quá trình. DN chúng tôi ra đời năm 1993 khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hàng loạt cơ hội mở ra.

Trước khi là doanh nhân, tôi là một nhà khoa học, được đào tạo ở cả trong và ngoài nước nên hiểu rất rõ giá trị của tri thức trong kinh doanh. DN chúng tôi luôn kiên trì đi theo hướng phát triển bền vững, bằng thực lực, luôn hoạt động chuyên nghiệp và quốc tế hóa, liên kết liên doanh với các đối tác mạnh, chú trọng vào thế mạnh của mình để không đầu tư dàn trải. 20 năm qua Tập đoàn Phú Thái luôn xác định lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là “phân phối và bán lẻ”.

Mong Quốc hội tháo gỡ trước khi quá muộn

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội khi thực trạng DN đang ‘chết’ trở thành vấn đề cấp thiết, ông có tâm tư gì không?

Theo tôi, doanh nghiệp Việt Nam bây giờ đang gặp rất nhiều khó khăn (cả “vật chất lẫn tinh thần”) và nguy cơ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP của đất nước là không nhỏ, khó khăn thì “chồng chất và dồn dập”, nhưng một số chính sách thì “chưa hợp lý và đúng thời điểm” hoặc đôi khi hợp lý thì thực thi lại chậm và không hiệu quả. Về mặt logic: khi doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn thì chúng ta phải có nhiều “giải pháp” về thuế, tài chính tín dụng, nợ xấu, tăng xuất khẩu, hỗ trợ phát triển… Hy vọng Quốc hội sẽ tập trung nhiều thời gian vào bàn chuyện “tháo gỡ khó khăn kinh tế” hơn là các vấn đề khác.

Cộng đồng Doanh nghiệp Việt đang chờ đợi và hy vọng nhiều…Nếu để lâu quá tôi e là “quá muộn”.

Phạm Đình Đoàn nguyên là Phó Chủ tịch TW Hội doanh nhân trẻ VN, Top 50 người Tiên phong (do VnExpress bình chọn)...Tập đoàn Phú Thái hiện có hơn 200.000 đại lý phủ sóng khắp toàn quốc, là nhà phân phối độc quyền của hàng nhãn hàng lớn; nắm cổ phần chi phối trong hàng loạt các cửa hàng bán lẻ...Bất chấp khủng hoảng, Phú Thái vẫn đạt mức tăng trưởng 30%/năm trên các lĩnh vực.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.