SCIC không thể 'đắc lợi' lâu hơn nữa!?

SCIC không thể 'đắc lợi' lâu hơn nữa!?
Ý tưởng đề xuất thành lập công ty quản lý vốn nhà nước cạnh tranh với SCIC cho thấy, SCIC không thể “đắc lợi” được lâu hơn nữa!

SCIC không thể 'đắc lợi' lâu hơn nữa!?

Ý tưởng đề xuất thành lập công ty quản lý vốn nhà nước cạnh tranh với SCIC cho thấy, SCIC không thể “đắc lợi” được lâu hơn nữa!

SCIC không thể 'đắc lợi' lâu hơn nữa!? ảnh 1
 

Việc mới đây, lãnh đạo thành phố Hà Nội đề xuất các cơ quan quản lý cấp trên cho thành lập Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước trực thuộc UBND thành phố và những phân tích, mổ xẻ của giới truyền thông về đóng góp của Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại các doanh nghiệp mà họ đại diện quản lý phần vốn góp của nhà nước, khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về tính hiệu quả của tổ chức này trong nền kinh tế.

Một hay nhiều SCIC?

Tại một cuộc họp gần đây, lãnh đạo thành phố Hà Nội đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép thành lập Công ty Quản lý kinh doanh vốn Nhà nước do UBND Hà Nội quản lý. Lý do được lãnh đạo Hà Nội đưa ra là đơn vị này sẽ giúp thành phố đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn. Bên cạnh 30 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc diện cổ phần hóa và sắp xếp lại, Hà Nội hiện có hàng trăm doanh nghiệp có vốn nhà nước đã được cổ phần hóa.

Trước đó, TP.HCM cũng từng đề xuất cho thành lập Công ty Quản lý vốn Nhà nước, kế thừa trên sự hình thành và phát triển của Quỹ Đầu tư phát triển TP.HCM (HIFU). Hiện thành phố này có 25 doanh nghiệp nhà nước trong diện cổ phần hóa từ nay đến 2015 và rất nhiều doanh nghiệp đã được cổ phần hóa mà thành phố đang quản lý vốn nhà nước.

Bộ Tài chính - cơ quan đang trực tiếp quản lý SCIC- lại có ý tưởng khác. Trong dự thảo Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015, được Bộ Tài chính hoàn thành, có một nội dung liên quan. Đó là Việt Nam sẽ thành lập Tổng cục Quản lý, Giám sát tài chính doanh nghiệp tại Bộ Tài chính. Đây là cơ quan đầu mối theo dõi tình hình vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước. Bộ này đề xuất, các đơn vị (cục hoặc vụ) quản lý doanh nghiệp thực hiện chức năng chủ sở hữu ở các bộ, ngành có số lượng doanh nghiệp nhà nước lớn hoặc giao Vụ Kế hoạch - Tài chính quản lý vốn ở các bộ có ít doanh nghiệp nhà nước; các tỉnh thì giao Sở Tài chính quảnlý vốn nhà nước của các doanh nghiệp trong tỉnh.

Trong khi đó, SCIC được thành lập vào năm 2005, với chức năng rất rõ ràng là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp và quá trình chuyển giao vốn nhà nước về SCIC hiện vẫn đang diễn ra. Hiện đơn vị này đang quản lý vốn nhà nước tại khoảng 600 doanh nghiệp. Trước khi thành lập SCIC, Việt Nam đã nghiên cứu hai mô hình quản lý vốn nhà nước: Temasekcủa Singapore và Ủy ban Giám quản của Trung Quốc. Khi SCIC được thành lập, người ta nhắc đến mô hình Temasek của Singapore, bởi doanh nghiệp được chủ động quản lý một danh mục đầu tư vốn nhà nước, tạo dòng tiền, tìm ra các cơ hội đầu tư vào các ngành mũi nhọn và sinh lợi lớn từ khoản vốn đó.

Tìm đâu hình bóng của TEMASEK Việt Nam?

Trên thực tế, hoạt động chưa được như mong muốn của SCIC khiến cho mô hình tổ chức này hiện gây nhiều tranh cãi. Từ khi thành đến nay, thị trường thấy SCIC chủ yếu tập trung bán vốn nhà nước tại những doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ vốn. Việc tìm kiếm những địa chỉ đầu tư hiệu quả và có kết quả rõ ràng chưa thấy, những dự án lớn cần gọi vốn đầu tư trong và ngoài nước cũng không có SCIC tham gia. Vai trò nhà đầu tư của Chính phủ rất mờ nhạt.

Gần đây thị trường còn ồn ào chuyện danh mục đầu tư có giá thị trường 50.000 tỷ đồng và lợi nhuận của SCIC có sự gia tăng chủ yếu nhờ đóng góp của Vinamilk. Doanh nghiệp thì cho rằng, lợi nhuận họ làm ra chủ yếu là sự cố gắng của mình chứ SCIC hầu như chỉ ngồi đó đắc lợi. Tương tự là trường hợp các doanh nghiệp như FPT Telecom (hoạt động hiệu quả do thuận lợi ngành và đặc thù doanh nghiệp), Dược Hậu Giang (ngành ổn định và lợi thế dẫn đầu)…

Với đặc thù từng là các doanh nghiệp nhà nước, mối quan hệ của ban lãnh đạo doanh nghiệp rộng, nhiều người có năng lực và kinh nghiệm tốt, quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này sau cổ phần hóa không đơn giản. Nếu SCIC không có đội ngũ cán bộ giỏi, lại giữ thái độ cơ quan cấp trên, sự không hài lòng giữa doanh nghiệp và SCIC rất dễ nảy sinh. Tổng Giám đốc một công ty tại TP.HCM kể rằng, doanh nghiệp ông tổ chức một sự kiện lớn, quan trọng với doanh nghiệp, gửi giấy mời tới lãnh đạo SCIC. Các vị này không tham dự, song cũng không có một lời phúc đáp tới doanh nghiệp. Chỉ là một việc đơn giản, song qua đó doanh nghiệp cảm thấy mình không được tôn trọng. Mới đây là sự không hài lòng ra mặt của lãnh đạo Vinamilk và các cổ đông khác khi SCIC phủ quyết phương án phát hành cổ phiếu thưởng cho người lao động tại doanh nghiệp này trong 2 năm liên tiếp.

SCIC là một cổ đông lớn tham gia quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, song cổ đông này khá đặc biệt ở chỗ, đa số người đại diện cho SCIC tại doanh nghiệp cũng chính là lãnh đạo các doanh nghiệp. Họ ngại nhất thái độ cấp trên - cấp dưới, yêu cầu doanh nghiệp làm việc gì được coi lớn lớn một chút cũng phải có công văn xin ý kiến SCIC, rồi chờ đợi, giải trình…

Hoạt động ở một thị trường bậc cao là thị trường vốn đòi hỏi tính minh bạch rất cao; tính chuyên nghiệp; chủ động và ra quyết định nhanh trong quản lý và điều hành các hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, những điều này chưa thấy ở SCIC, phần lớn các quyết định đầu tư của SCIC đều theo sự chỉ định của Chính phủ.

Mờ nhạt, xuống dốc?

Một lãnh đạo đã nghỉ hưu của SCIC nói rằng, rất buồn khi hoạt động của SCIC có thể coi là xuống dốc, mà ở đây có thể hiểu là sự mờ nhạt về vai trò của tổng công ty trong nền kinh tế, với việc thiếu đi những đề xuất sắc sảo, táo bạo trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong các dự án đầu tư lớn… Đó có thể là một lý do khiếncho giới chuyên gia và cả cơ quan quản lý còn nhiều ý kiến về hoạt động của SCIC. Chuyên gia Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, tại một cuộc hội thảo của Bộ Tài chính cho rằng, Việt Nam cần dẹp toàn bộ các doanh nghiệp hay cơ quan quản lý vốn nhà nước để thống nhất một đầu mối. Ông Tuyển không quan tâm đến vai trò của SCIC, bởi trên thực tế chưa diễn ra việc tập trung cổ phần của nhà nước vào một cơ quan có khả năng và chuyên môn để quản lý hiệu quả.

Thị trường cũng cho rằng, vì có khá nhiều ý kiến xung quanh việc quản lý vốn nhà nước và hoạt động của các doanh nghiệp, cơ quan liên quan, nên bản dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC và Điều lệ mới của SCIC tuy đã được trình Chính phủ nhiều lần, nhưng vẫn phải chỉnh sửa thêm và chưa thể ban hành.

Cũng không thể đổ lỗi cho SCIC khi hoạt động của họ còn chưa đạt kỳ vọng như đề án thành lập, nhưng rõ ràng là chừng nào tổng công ty này còn thiếu chủ động và sáng tạo trong hoạt động, hiệu quả còn chưa thuyết phục thì những đề xuất, ý tưởng về việc thành lập, hình thành các doanh nghiệp, tổ chức cạnh tranh với SCIC còn xuất hiện, mặc dù việc để nhiều đầu mối quản lý vốn nhà nước không phải là không có bất cập

Theo Doanh Nhân

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG