Thương lái mua rễ cây lạ

Thương lái mua rễ cây lạ
TP - Đầu năm 2013 đến nay, người dân xã Kon Pne, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai đổ xô đi đào rễ cây lạ bán cho thương lái. Không ai biết loại rễ gì, nghe nói dùng làm thuốc, làm nhang… Bình quân mỗi ngày, một người dân thu nhập vài ba trăm nghìn từ việc đào rễ cây trong rừng.

> Thương lái Trung Quốc ép giá dưa hấu miền Trung
> Hàng trăm xe nông sản ứ đọng ở cửa khẩu Tân Thanh

 “Hiện nay trên địa bàn xã quả thật có thương lái đến mua rễ cây lạ, nhưng thật sự tôi cũng không biết đó là loài cây gì, và công dụng của nó như thế nào”. 

Ông Đinh Liunh - Chủ tịch UBND xã Kon Pne

Việc thương lái thu mua rễ, gốc hồ tiêu ở các huyện Chư Sê, Chư Pưh chưa lắng xuống thì ở xã Kon Pne, huyện Kbang lại rộ lên việc thương lái tận thu rễ cây T’rưng. Đó là tên mà người dân địa phương tự đặt, còn là rễ cây gì thì đến nay vẫn chưa ai rõ, công dụng của nó người dân còn mơ màng hơn nữa.

Vừa mới đi rừng về, vác trên vai 1 gùi rễ cây lạ, ông H’Lúc tâm sự: “Ngày trước có người lạ đến làng đặt mua rễ cây T’rưng này. Nhưng mua để làm gì thì chúng tôi không rõ, chỉ nghe họ nói là để làm thuốc, làm nhang…

Đúng lúc đang thu sắn xong rảnh rỗi, đất đai lại ít, khô cằn, khó canh tác, nên dân làng lên rừng đào rễ cây T’rưng bán kiếm tiền mua gạo”. Theo lời ông kể, cây này giống cây leo, mọc ở khu ẩm ướt trong rừng sâu, lá bằng 3 ngón tay, có trái màu xanh ăn chua chua, khi chín trái màu đỏ và có vị ngọt.

Gần 4 tháng nay, hàng trăm người dân xã Kon Pne, huyện Kbang (Gia Lai) đổ xô đi tìm cây T’rưng về bán cho thương lái tại chỗ. Giá rễ cây T’rưng tươi bán 3.000 đồng/kg, phơi khô thì 10.000 đồng/kg, mỗi gia đình kiếm một ngày vài ba trăm nghìn đồng.

Đây là số tiền khá lớn đối với người dân nghèo nơi đây, vì thế nhà nhà người người, từ nhỏ tới lớn, rảnh rỗi là vào rừng kiếm rễ cây T’rưng về bán. Đang đứng chờ tới lượt bán số rễ vừa đào được trong rừng, em H’Dăm (14 tuổi) ở xã Kon Pne (huyện Kbang) cho biết: “tranh thủ những buổi không lên lớp, em đi vào rừng cùng với cha mẹ đào rễ T’rưng. Bán có tiền em vui lắm, mỗi ngày em kiếm cũng gần một trăm nghìn phụ mẹ mua sắm”.

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến điểm thu mua rễ T’rưng nằm gần trung tâm xã Kon Pne (Kbang). Đây là điểm thu mua chính, bình quân tại đại lý này, một ngày tư thương mua khoảng vài tạ rễ T’rưng tươi.

Theo lời ông Trương Thế Mỹ, chủ đại lý thu mua rễ T’rưng ở xã Kon Pne (Kbang): “Do số lượng rễ trong rừng có hạn, người dân chỉ đi đào rễ khi rảnh, nên số lượng thu mua không nhiều, nhưng những ngày gần đây số lượng người đi tìm rễ T’rưng có tăng lên nhưng không đáng kể”.

Khi được hỏi ông thu mua để làm gì thì được trả lời: “Nghe đâu người ta nói là chở xuống Bình Định bán để chế biến làm thuốc hay làm nhang còn sự thật như thế nào thì tôi cũng chịu”.

Theo quan sát của chúng tôi, thu mua tại chỗ chủ yếu là rễ T’rưng tươi, rễ dài ngắn đủ loại, mua xong chủ đại lý chặt thành khúc ngắn 5 đến 7 cm rồi phơi khô, đóng bao và chờ đầu mối tới chở hàng. Nghe đâu người thu gom rễ ở ngoài thị trấn Kbang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.

Chúng tôi đã liên hệ gặp và trao đổi với ông Đinh Liunh - Chủ tịch UBND xã Kon Pne, huyện Kbang (Gia Lai). Ông cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã quả thật có thương lái đến mua rễ cây lạ, nhưng thật sự tôi cũng không biết đó là loài cây gì, và công dụng của nó như thế nào.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính minh bạch trong thông thương hàng hóa, chúng tôi sẽ kiểm tra gắt gao hơn trong vấn đề này”. Để biết rõ hơn đây là rễ cây gì, công dụng nó như thế nào, cần lắm câu trả lời sớm từ các nhà khoa học.

Giá rễ cây T’rưng tươi bán 3.000 đồng/kg, phơi khô thì 10.000 đồng/kg, mỗi gia đình kiếm một ngày vài ba trăm nghìn đồng. Đây là số tiền khá lớn đối với người dân nghèo nơi đây.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Các nhà hoạt động biểu tình tại hội nghị khí hậu COP29 ở Azerbaijan ngày 23/11. (Ảnh: AP)
Nhiều nước bất bình với quỹ khí hậu 300 tỷ USD
TPO - Hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc vừa thông qua một thỏa thuận cung cấp ít nhất 300 tỷ USD hằng năm cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nhân loại và giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với sự tàn phá của thiên tai do nhiệt độ toàn cầu nóng lên.