> VCCI kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập
Ông Vũ Tiến Lộc. |
Ông Lộc trao đổi với báo giới nhận dịp kỷ niệm thành lập 50 năm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
- VCCI - với tư cách là người đứng đầu tổ chức về doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, mong muốn điều gì nhất ở thời điểm này?
- Hơn 2 năm qua, cộng đồng doanh nghiệp với sự lãnh đạo của các doanh nhân đầy hoài bão có lẽ đã trải qua những ngày "nhức óc" nhất trong sự nghiệp. Năm 2013, kinh tế chưa dễ dàng được phục hồi, khó khăn có lẽ còn kéo dài sang năm sau, chưa ai đoán trước được. Vì thế, bảo toàn lực lượng, củng cố nội lực để trụ vững trong bối cảnh hiện nay là một thành công lớn của doanh nghiệp. Tôi mong sự bền chí và vững tin của doanh nhân vào những lựa chọn của mình. Hãy đầu tư và làm những gì thực tế nhất, không phù phiếm, không chộp giật.
Mỗi một doanh nghiệp mất đi là điều không ai mong muốn. Là tổ chức hỗ trợ, VCCI có trách nhiệm rất lớn với những mất mát của doanh nghiệp thời gian qua. Trong điều kiện hiện tại, khả năng hỗ trợ cho doanh nghiệp của Chính phủ và của VCCI chắc chắn còn những hạn chế, nhưng không phải vì thế mà cơ hội cho doanh nghiệp mất đi. Cơ hội chắc chắn sẽ luôn còn rất nhiều.
- Bên cạnh những tác động chung từ nền kinh tế, ông đánh giá như thế nào về khó khăn nội tại của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?
- Cũng như các nước đang phát triển khác, doanh nghiệp chúng ta hiện nay mới tập trung vào các lĩnh vực tốn nhiều chi phí, lao động và chủ yếu là gia công. Trong một khoảng thời gian dài, số lượng doanh nghiệp gia tăng khá ấn tượng, nhưng về quy mô và thương hiệu chưa tạo dựng được.
Việt Nam thiếu những doanh nghiệp phát triển trong ngành công nghệ cao, nhiều chất xám. Thu hút đâu tư nước ngoài thì có, nhưng chưa có sức lan tỏa và thiếu chiều sâu. Chúng ta chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, mà chủ yếu là đơn vị cần nhiều lao động. Cải cách khu vực kinh tế nhà nước chậm, dẫn tới năng lực cạnh tranh của khu vực này yếu. Trong khi, khu vực tư nhân thì vốn mỏng, nhiều doanh nghiệp làm ăn manh mún. Nói chung, thực trạng doanh nghiệp còn nhiều điểm hạn chế.
- Doanh nghiệp Việt Nam đã hội nhập vào kinh tế thế giới khá lâu, nhưng thực tế, hiện chưa có tên tuổi nào mang tầm thương hiệu quốc tế, ông lý giải việc này như thế nào?
- Giai đoạn đầu tiên khi Việt Nam mới mở cửa, rào cản kinh doanh dần gỡ bỏ, các doanh nghiệp có điều kiện phát triển tương đối tốt. Doanh nghiệp dựa vào những sản phẩm kinh doanh sản xuất thiết thực và cốt lõi. Họ không đa ngành nghề và biết nhắm những mục tiêu cụ thể. Tất nhiên, hầu hết là kinh doanh với quy mô vừa và nhỏ.
Sau này, khi nền kinh tế bùng nổ, bắt đầu xuất hiện nhiều lợi điểm cho hoạt động đầu cơ. Đâu đâu doanh nghiệp cũng đầu tư từ bất động sản, chứng khoán, ngân hàng đến vàng... chất lượng sản phẩm do những thay đổi về công nghệ sản xuất không được tập trung phát huy, mà nhắm tới những mối làm ăn nhanh, dễ, dựa vào quan hệ nên không tránh khỏi tâm lý đầu cơ, chộp giật, lãi lớn nhất thời. Một thế hệ "đại gia" dựa trên bất động sản, chứng khoán, tài chính... xuất hiện.
Bong bóng bất động sản, vàng, chứng khoán, ngân hàng... đang dần tan nát. Nhiều doanh nghiệp lớn, các "đại gia" không biết bấu víu vào đâu, tài sản sụt giảm mạnh. Những vấn đề cốt lõi như quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, đầu tư vào công nghệ, vào sản phẩm thực tế, vào thương hiệu một thời gian dài bị bỏ bẵng giờ mới chứng tỏ giá trị của mình. Nhưng một bộ phận doanh nhân đã bị chệch hướng quá lâu, khiến năng lực cạnh tranh cùng tài sản của họ giảm xuống. Doanh nghiệp to vì thế bé đi, doanh nghiệp bé thì không lớn được. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nhìn lại mình, giúp những đơn vị tốt phát triển.
- Nhiều ý kiến cho rằng kinh tế khó khăn sẽ giúp sàng lọc những doanh nghiệp. Nhưng thực tế cho thấy thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tốt vẫn chết, trong khi một số doanh nghiệp Nhà nước yếu kém lại tồn tại do nhận được hỗ trợ. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Về mặt pháp lý, chúng ta đã quy định các doanh nghiệp đều bình đẳng, nhưng thực tế, vẫn có sự bất bình đẳng trong cộng đồng này. Nó được thể hiện rõ nhất ở khối các doanh nghiệp nhà nước và những doanh nghiệp tư nhân. Trong khi đại bộ phận tài sản tập trung trong tay các doanh nghiệp nhà nước, và những sự ưu ái từ các ngân hàng dành cho họ là không thể phủ nhận, thì doanh nghiệp tư nhân, chủ yếu là doanh nghiệp ít vốn lại không có được điều này.
Tất nhiên, nguyên nhân thất bại của doanh nghiệp đến từ phía chính bản thân họ, chứ không phải từ bất cứ ngoại cảnh nào. Có bộ phận doanh nghiệp, từ khi thành lập, đã có xu hướng làm ăn chộp giật, ngắn hạn, đầu cơ, quản trị kiểu gia đình. Họ chưa chú trọng vào định hướng kinh doanh lâu dài, và chỉ muốn thành công nhanh, thiếu củng cố nội lực. Thực tế, đa phần các đơn vị như vậy đã phải trả giá cho chiến lược kinh doanh của mình.
Thêm vào đó, khó khăn chồng chất, thuế, phí cao, chính sách hay thay đổi, khiến nhiều doanh nghiêp nhỏ và vừa, mặc dù có nhiều tiềm năng không kịp thích nghi, dẫn tới sự đổ vỡ như chúng ta thấy trong thời gian vừa qua. Đó là bài học lớn về sự quản lý cần sự công bằng, nhất quán và việc đưa ra những chính sách hợp lý kịp thời.
- Ông đánh giá như thế nào về những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã được triển khai?
- Không thể phủ nhận tính tích cực của các giải pháp mà Chính phủ đưa ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay cần phải làm quyết liệt hơn nữa. VCCI đề nghị giảm mức thuế từ 25% xuống còn 20%, và áp dụng ngay từ 1/7 năm nay mà không cần phân biệt doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Có ý kiến cho rằng, giảm thuế như vậy không giúp được doanh nghiệp vì doanh nghiệp đâu còn tiền mà đóng thuế. Nhưng VCCI không nghĩ như vậy. Bởi lẽ, chúng ta đâu phải chỉ cần giúp doanh nghiệp yếu, mà cũng phải giúp cả những doanh nghiệp tốt. Khi doanh nghiệp có tích lũy về lợi nhuận thì mới tái đầu tư được và làm cho họ có sức cạnh tranh hơn trên thị trường.
Giảm thuế cũng là xu hướng chung của các nước trong khu vực, làm tăng nguồn đầu tư cả trong và ngoài nước. Không thể nhìn nhận giảm thuế làm giảm ngân sách trong năm xuống bao nhiêu, mà phải có góc nhìn rộng hơn, toàn cục hơn. Ngoài ra, có những biện pháp đã đề xuất từ khá lâu trong nghị quyết 02 cũng cần phải cương quyết thực hiện. Trong đó, về ngắn hạn cần giảm ngay gánh nặng thuế phí, thủ tục hành chính, lãi suất thực, và chi phí tiền thuê đất... Còn về dài hạn, cần xác định tính nhất quán trong điều hành, khắc phục yếu kém trong hệ thống tài chính, minh bạch thông tin... và thực hiện triệt để việc tái cơ cấu kinh tế.