Vụ sữa Danlait: ‘Cục An toàn thực phẩm sẵn sàng giải đáp’

Vụ sữa Danlait: ‘Cục An toàn thực phẩm sẵn sàng giải đáp’
Cuộc họp báo xung quanh những thông tin trái chiều về thực phẩm bổ sung - sữa dê Danlait - đã kéo dài quá mức dự kiến sáng nay 23/4.

Vụ sữa Danlait: ‘Cục An toàn thực phẩm sẵn sàng giải đáp’

> Vụ sữa dê Danlait giả: Nhiều sai phạm

> Bất lực quản lý giá sữa 

Cuộc họp báo xung quanh những thông tin trái chiều về thực phẩm bổ sung - sữa dê Danlait - đã kéo dài quá mức dự kiến sáng nay 23/4.

Chị Cao Ngân Hà và chồng phát biểu tại buổi họp báo - Ảnh: Dương Ngọc
Chị Cao Ngân Hà và chồng phát biểu tại buổi họp báo - Ảnh: Dương Ngọc.

Với sự tham gia của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, Cục An toàn thực phẩm, đại diện chủ thương hiệu Danlait là Công ty TNHH Mạnh Cầm và đại diện Công ty FIT của Pháp, nhà xuất khẩu Danlait, đại diện người tiêu dùng và chủ đại lý phân phối Danlait tại Hà Nội... rất nhiều câu hỏi được đặt ra.

Các câu hỏi đều liên quan đến việc ai là chủ sở hữu thương hiệu Danlait, luật pháp của Pháp có cho phép sản xuất sữa dê cho trẻ em dưới 2 tuổi hay không, có tin được kết quả kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm quốc gia về an toàn vệ sinh thực phẩm là chính xác và khách quan…

Chị Cao Ngân Hà, người đầu tiên đưa những băn khoăn liên quan đến chất lượng sản phẩm Danlait trên các mạng xã hội, cho rằng mẫu Danlait gửi kiểm nghiệm tại Viện Pasteur TP.HCM do người tiêu dùng chuyển đến, khi kết quả kiểm nghiệm được Viện Pasteur cho là nhầm lẫn thì viện chỉ thông báo mà không kiểm nghiệm lại, trong khi nếu chênh lệch giữa các kết quả ở mức trên 15% thì phải kiểm nghiệm lại.

Trong khi đó, đại diện báo Công An Nhân Dân thắc mắc khi Cục An toàn thực phẩm cấp công bố tiêu chuẩn chất lượng cho Danlait tại VN (tháng 2/2012), quy định ở Pháp chưa cho phép sản xuất sữa dê cho trẻ em.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Lê Văn Giang cho rằng có 4 cơ quan tham gia thẩm định thực phẩm nhập khẩu, việc cấp chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm thực hiện theo quy trình ISO chặt chẽ. “Chúng tôi rất vui khi nhận được phản biện từ báo chí, nếu báo chí nghi ngờ quy trình thì cứ đến làm việc tại Cục An toàn thực phẩm, chúng tôi sẵn sàng giải đáp” - ông Giang cho biết.

Ông Đặng Quang Mạnh (giữa) - đại diện Công ty Mạnh Cầm - tại cuộc họp báo - Ảnh: Dương Ngọc
Ông Đặng Quang Mạnh (giữa) - đại diện Công ty Mạnh Cầm - tại cuộc họp báo - Ảnh: Dương Ngọc.

Theo ông Giang, Viện Kiểm nghiệm quốc gia về an toàn thực phẩm vừa có kết quả kiểm nghiệm sản phẩm Danlait, được lấy ngẫu nhiên trong lô sản phẩm 5.600 lon do Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tạm giữ. Theo kết quả kiểm nghiệm, chất lượng sản phẩm phù hợp với công bố trên nhãn sản phẩm, Tổng cục Thực phẩm Pháp có văn bản thông báo sản phẩm được sản xuất tại Pháp.

Tuy nhiên, phía Pháp cho đây là thực phẩm thông thường chứ không phải thực phẩm chức năng. Ông Giang cho rằng tại VN, các quy định hiện hành xếp thực phẩm bổ sung như Danlait vào nhóm thực phẩm chức năng nên phải áp dụng quy định VN.

Ông Giang cũng cho biết phía Công ty TNHH Mạnh Cầm đã có một số thiếu sót trong quá trình kinh doanh sản phẩm, như nhãn phụ sản phẩm thiếu chữ “thực phẩm bổ sung” mà chỉ ghi là “sữa dê Danlait”. Công ty Mạnh Cầm phải bổ sung trên nhãn phụ mới khi lưu hành sản phẩm trở lại, đồng thời cơ quan chức năng sẽ xử phạt hành vi này.

Chị Cao Ngân Hà đề xuất gửi kiểm nghiệm Danlait ở labo độc lập tại nước ngoài, tuy nhiên đại diện Công ty Mạnh Cầm cho biết họ đã có đủ các phiếu kiểm nghiệm chứng minh chất lượng sản phẩm, trong đó mới nhất là kết luận của Viện Kiểm nghiệm quốc gia về an toàn thực phẩm, là đơn vị được giao nhiệm vụ trọng tài trong các vụ việc có tranh cãi liên quan đến kết quả kiểm nghiệm.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc giá bán sản phẩm quá cao trong khi giá nhập khẩu chưa thuế chưa đến 100.000 đồng/lon mà giá bán lẻ lên tới 400.000 đồng/lon, đại diện FIT cho rằng giá 3 euro là giá có hỗ trợ. Còn tại VN, ông Đặng Quang Mạnh, đại diện Công ty Mạnh Cầm, cho biết giá sản phẩm Danlait thấp hơn 40% so với sản phẩm cùng loại.

Theo L.Anh
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.