Giáp mặt đầu nậu 'khủng' vùng biên

Giáp mặt đầu nậu 'khủng' vùng biên
TP - Đầu nậu buôn gia cầm lậu ở Cao Bằng bắt tay người cung cấp hàng bên kia biên giới tràn sang. Những con giống gia cầm không nguồn gốc tỏa đi khắp nơi. PV Tiền Phong giáp mặt với những đầu nậu “khủng” ở vùng biên.

> Bạt ngàn gia cầm lậu
> Gia cầm tiếp tục thẩm lậu qua biên giới

Chân dung đầu nậu Việt

Biểu “vịt” là tay buôn lậu gia cầm có “số má” ở Cao Bằng, nhà ở Phố Cũ, thị trấn Quảng Uyên, gần chợ trung tâm thị trấn. Biểu “vịt” được giới trong nghề kính nể vì cứ “đánh” qua biên giới là “đong” cả chuyến ô tô lên đến hàng vạn con gia cầm giống. Hàng của bà Biểu rải ở nhiều chợ phiên lớn trong tỉnh, đồng thời, bà là đầu nậu phân phối về Bắc Kạn và một số đầu mối khác.

Nhờ tin vào mối lấy hàng đã cất công xây dựng trước đó, nên lúc chúng tôi đường đột vào “đại bản doanh”, Biểu “vịt” không mấy nghi ngại. Đường vào nhà bà Biểu, chỉ cách chợ trung tâm chừng vài trăm mét.

Vừa đến, đúng lúc bà Biểu đang kiểm tiền và trả công cho mấy người giúp bán vịt ở chợ lúc sáng. Thấy “khách quen”, một người tên Hiếu là cháu bà Biểu, đon đả mời vào, rồi bảo lên phòng khách tầng 2 uống nước.

Hiếu vốn nhanh nhảu, được việc, bà Biểu dùng để chạy xe ô tô lấy hàng vào ban đêm. Khi thiếu hàng, Hiếu chạy xe máy vào buổi trưa để cấp hàng cho khách.

Giáp mặt đầu nậu 'khủng' vùng biên ảnh 1

Căn nhà 2 tầng của bà Biểu khá cũ. Toàn bộ tầng 1 dùng làm nơi giao dịch, bìa các-ton làm thùng đựng vịt chất cao tận trần nhà, trước cửa là dãy “thuốc” gia cầm (dân Cao Bằng gọi cám là “thuốc”-PV), có cả hàng Việt Nam cả hàng Trung Quốc.

Phía sau nhà là một khu vực khá rộng; lồng, chuồng nhốt gia cầm giống đóng kiên cố, có thể chứa hàng vạn con. Tại đây, hàng nghìn con giống nhốt tạm, để chờ bán phiên chợ sau và cấp cho các đầu mối ở Bắc Kạn. Cạnh đó, có một cửa phụ, loại ô tô tải nhỏ có thể vận chuyển con giống ra vào.

Chúng tôi nhắc lại chuyện lấy con giống về xuôi, bà Biểu nói: “Bây giờ họ làm căng, nên hơi khó”. Tuy thế, nậu Biểu “vịt” vẫn rút điện thoại ra gọi ngay cho một “cán bộ” trực chốt biên ở Phục Hòa.

Qua điện thoại, Biểu ngọt nhạt: “Các anh cho thì em mới đi, chứ em đâu có dám đi”. Một lúc sau, nậu Biểu thông báo lại, họ bảo chưa đi được, lúc nào được sẽ báo.

Thấy chúng tôi nài nỉ muốn lấy bằng được, bà Biểu ra vẻ ngần ngại: “Sao các anh không lấy trực tiếp từ đầu mối ở bên kia biên giới. Lấy tận gốc, ăn tận ngọn, không hơn qua chỗ em à.

Ít nhất cũng phải vạn rưỡi đến 2 vạn con mới lãi vì mất công luật lá một lần”. Chúng tôi đặt vấn đề muốn đi theo khảo sát, chỉ lấy 2.000 con, nếu ổn sẽ đánh thẳng ô tô đi lấy, luật lá thì đã có cữ rồi.

Bà Biểu dè chừng hơn sau khi gặp nhóm PV Tiền Phong. Qua một nguồn tin, chúng tôi biết được, đêm đó, Biểu “vịt” đã thực hiện trót lọt vụ con giống trên 1 vạn con. Trong đó, khoảng 8.000 vịt khoang, 2.000 gà và 1.000 vịt trắng, phần lớn đưa về Bắc Kạn tiêu thụ.

Nậu Biểu cũng chạy hàng “thuốc” để bán cho dân trong vùng. Hiếu quảng cáo: “Thuốc của Tàu thơm như cốm, lại mềm, còn thuốc của Việt Nam cứng, gà vịt ăn khó tiêu. “Thuốc” Trung Quốc chỉ cần cho vịt ăn 10 ngày đầu là lông óng mượt, người phổng phao, đẹp lắm”. Ở chợ Quảng Uyên, bà Biểu cho biết, quản lý thị trường ít khi hỏi, vì đã có “lương” gửi các bác hàng tháng, quý. Nếu các cơ quan chức năng cấm bán ở chợ này cũng chả sao, vì tôi sẽ bán tại nhà, đỡ phải cạnh tranh, người mua khắc tự tìm đến mình.

Giáp mặt đối tượng Trung Quốc thao túng giá

A Tài và Biểu “vịt” điều hàng ở chợ Hà Quảng, Cao Bằng. Ảnh: P.Anh
A Tài và Biểu “vịt” điều hàng ở chợ Hà Quảng, Cao Bằng.
Ảnh: P.Anh.
 

Người đàn ông lạ mặt xuất hiện trong chợ Quảng Uyên, có tên là A Tài. Chừng 55 tuổi, dáng thấp, nhỏ, người Nam Ninh (Trung Quốc), nhân vật này đứng sau những đường dây đưa gia cầm lậu sang Việt Nam, đồng thời là người phát giá con giống ở mỗi thời điểm.

Theo nhiều người dân ở khu vực chợ Quảng Uyên, A Tài xuất hiện cả chục năm nay, và có mối quan hệ “thân thiết” với nhà Biểu “vịt”. Khi ở phiên chợ, A Tài đứng cạnh gian hàng của Biểu để giám sát. A Tài cũng xuất hiện trong nhà nậu Biểu “vịt” để chăn giống, ăn ở ngay tại nhà. Sau mỗi phiên chợ, đầu nậu Biểu trả tiền hàng cho A Tài đến cả trăm triệu.

Hầu hết nguồn con giống gia cầm của nậu Biểu, đều do A Tài cung cấp. Vì Biểu là “đại lý cấp 1” của A Tài, nên khi chúng tôi đặt vấn đề lấy con giống qua biên, A Tài đã “đẩy” qua bà Biểu “vịt” để xử lý. Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, nhiều chủ buôn ở Việt Nam đều lấy hàng qua A Tài, nên giá giống ở bên kia đường biên đều do nhân vật này chi phối. A Tài thường xuyên có mặt ở Cao Bằng để thu tiền các chủ nậu Việt Nam mỗi khi xong phiên chợ.

A Tài cho biết, hiện giá ở Trung Quốc, con vịt giống chục ngày tuổi là 3,3 tệ/con (hơn 11.000 đồng), gà con 1 ngày tuổi chỉ 2 tệ/con (gần 7.000 đồng), gà con 15 ngày tuổi, được khoảng 2 lạng có giá 4,5 tệ/con (hơn 15.000 đồng). Ở Trung Quốc chỉ lấy loại mới nở, khoảng được 2 tuần tuổi, chứ loại lỡ cỡ họ không bán. Hiện, do nhu cầu vịt giống lớn, còn gà ít hơn, mỗi chuyến chở được ít, nên thi thoảng mới đưa sang. Như vậy, so với giá A Tài đưa ra, các chủ buôn Việt Nam bán 16.000-17.000 đồng/kg, mỗi con giống lãi 5.000-6.000 đồng/con giống.

Theo một đầu mối “ruột” chuyên lấy con giống của A Tài, ở Nam Ninh, đầu nậu này có một lò ấp rất lớn. “Thường thường, bọn tôi chung nhau 2-3 chủ cùng lấy một chuyến xe to, 1 vạn con trở lên cho dễ làm luật.

Trước khi lấy, báo cho A Tài, để điều con giống từ Nam Ninh giáp biên bên kia. Từ Nam Ninh đến biên giới hơn 300 cây số, nhưng phía Trung Quốc toàn đường cao tốc, nên chỉ mất chừng 5 giờ là áp cửa khẩu”, chủ nậu này nói.

Theo các chủ nậu, hàng của A Tài thường đánh qua biên ở Phục Hòa, Hạ Lang, Trà Lĩnh. Ngoài chợ Quảng Uyên, A Tài tiếp tục đi các chợ để thu tiền ở các đầu nậu người Việt Nam. “Nếu dịp này cơ quan chức năng làm căng, hàng khó về, A Tài sẽ tiếp tục phát giá cao từ bên kia đường biên. Lúc đó, giá giống không chỉ ở mức 16.000-17.000 đồng/con nữa”- một chủ buôn tiết lộ.

Còn nữa

A Tài chừng 55 tuổi, dáng thấp, nhỏ, người Nam Ninh (Trung Quốc). Nhân vật này đứng sau những đường dây đưa gia cầm lậu sang Việt Nam, đồng thời là người phát giá con giống ở mỗi thời điểm.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG