> Ngô biến đổi gene có thể gây ung thư
> Việt Nam trồng ngô biến đổi gene để khảo nghiệm
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát kiểm tra khu khảo nghiệm ngô BĐG tại Hưng Yên. Ảnh: Đinh Huệ. |
Tháng 3/2013, Bộ NN&PTNT có quyết định công nhận kết quả khảo nghiệm, đánh giá ảnh hưởng với môi trường và đa dạng sinh học với hai giống ngô BĐG của Cty TNHH Syngenta Việt Nam là ngô chuyển gene Bt11 kháng sâu đục thân và GA21 mang gene kháng thuốc trừ cỏ.
Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, Cty Syngenta có thể sử dụng kết quả trên làm hồ sơ gửi lên Bộ TN&MT để ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, muốn đưa ngô BĐG vào sản xuất đại trà, cần đánh giá tính an toàn với thức ăn chăn nuôi và cho người.
“Bộ NN&PTNT đang xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn, dự kiến trong năm nay sẽ ban hành. Việt Nam không phải là nước sản xuất ra công nghệ BĐG, cần thận trọng. Phải làm sao để tiếp cận công nghệ nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn về đa dạng sinh học, môi trường, sức khỏe con người” - bà Thủy nói.
Một giống ngô BĐG trồng khảo nghiệm tại Việt Nam. |
Giáo sư - Viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho biết, bản chất hai giống nói trên chỉ là kháng thuốc diệt cỏ, sâu đục thân, chưa phải là yếu tố quyết định đến năng suất. Hơn nữa không phải cứ ngô BĐG là tăng năng suất. Hiện bình quân năng suất ngô ở nước ta chỉ ở 4,3 tấn, chúng ta có thể dùng giống trong nước nâng lên 7-8 tấn/ha, chưa cần dùng giống BĐG.
Theo GS Long, ở Việt Nam, 80% diện tích ngô dùng nước trời, do không chủ động được tưới, nên chúng ta cần những giống ngô chịu hạn tốt.
“Theo tôi, chưa nên đưa ngô BĐG kháng trừ cỏ và sâu đục thân vào sản xuất đại trà vì chưa đủ điều kiện pháp lý và không mang lợi nhuận mấy. Chưa kể, mình còn phụ thuộc vào nguồn giống của các Cty đa quốc gia, giá đắt hơn giống trong nước, sau này tăng giá nữa thì sao? Thời điểm năm 2013-2014 chưa nên sử dụng ngô BĐG ở Việt Nam” - ông Long nói.
Còn TS Michael Hansen, cán bộ cao cấp của Mạng lưới hành động thuốc Bảo vệ thực vật (BVTV) châu Á Thái Bình Dương (PAN AP) trong một hội thảo gần đây về cây BĐG ở Việt Nam cho rằng, việc tạo ra gene kháng cỏ, côn trùng có thể tạo nên những “siêu cỏ”, “siêu côn trùng” mới. Hệ quả là, nông dân phải tiêu tốn nhiều chi phí để mua thuốc BVTV để trị những loại “siêu côn trùng” trên, tăng nguy cơ phơi nhiễm các hóa chất độc hại, còn nhà sản xuất thuốc BVTV lại thu nhiều lợi nhuận. Những nước như Việt Nam, nếu sử dụng, về lâu dài có thể phụ thuộc vào nhập khẩu giống của các Cty đa quốc gia.
Ngô biến đổi gene dùng từ lâu tại Việt Nam Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam cho biết, Việt Nam vẫn dùng ngô BĐG từ lâu. Chủ yếu nhập từ Mỹ, Argentina, Brazil, Ấn Độ. “Năm 1996, lúc đầu chúng ta nhập vài trăm ngàn tấn, đến nay mỗi năm lên 5-6 triệu tấn đậu tương, ngô, lúa mỳ”- ông Lịch nói. Ở Việt Nam, hiện Chính phủ mới cho phép khảo nghiệm đánh giá rủi ro với 3 loại cây trồng BĐG là ngô, đậu tương và bông vải, trong đó đối tượng đầu tiên là ngô. Tháng 3/2010, Bộ NN&PTNT đã cấp phép cho 7 loại giống ngô BĐG kháng sâu và kháng thuốc trừ cỏ cho ba Cty là Syngenta (Thụy Sỹ) ba giống, Mosanto (Mỹ) ba giống và Pionner (Mỹ) một giống. |