Tái cơ cấu

Tái cơ cấu
TP - Cuối tuần rồi, các chuyên gia và cựu quan chức ngồi lại bàn về đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế sau một năm thực hiện. Theo các chuyên gia, tái cơ cấu vẫn chưa thực sự diễn ra, nhiều nội dung chỉ dừng lại trên giấy, chưa gắn kết theo một tổng thể.

> 34 Tập đoàn, Tổng Cty được duyệt đề án tái cơ cấu

Lực cản từ các thế lực lợi ích nhóm vẫn rất lớn…

Tựu trung là cần “tái cơ cấu” lại không ít nội dung trong chính đề án tái cơ cấu này.

Mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác, cũng dễ nhận ra sự loay hoay trong việc điều chỉnh, bổ sung, hay có thể dùng khái niệm là “tái cơ cấu”.

Tái cơ cấu tuyển sinh đại học, cao đẳng, khi Bộ GD&ĐT vừa đưa ra phương án áp dụng hai điểm sàn, mà thực chất là cho phép hạ điểm chuẩn xuống thêm 2 điểm. Không ít người phản đối, bởi đây chỉ là bước “cải lùi”, càng khiến chất lượng đầu vào trở nên thê thảm. Trong một diễn biến khác, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập lại ủng hộ phương án tuyển sinh “5 tiêu chí”.

Theo đó, điểm thi chỉ là một trong 5 điều kiện để xét tuyển. Cần phải xét thêm điểm thi tốt nghiệp phổ thông, kết quả 3 năm cuối cấp, và nhất là kết quả phỏng vấn trực tiếp của Hội đồng tuyển sinh về kiến thức tổng hợp, kỹ năng, sở thích… Phương án hai điểm sàn, hay 5 tiêu chí vẫn còn đang tranh cãi, mà nhiều khả năng chưa chắc ai đã “chịu” ai.

Thuỷ điện vừa chớm mùa khô đã lại bị các địa phương la làng vì tội “cướp nước” của vùng hạ du, khi thản nhiên chuyển nước từ sông này qua sông khác. Trong khi quan chức của Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) vừa cam kết “cơ bản sẽ không còn dự án thuỷ điện chuyển nước”, thì trên thực tế, phong trào xây thuỷ điện cơ bản cũng đã hoàn thành!

Khi mọi sự đã an bài, thì việc “tái cơ cấu” nguồn nước đang đẻ ra tiền ấy rất dễ trở thành không tưởng, nhất là với sức mạnh của những nhóm lợi ích. Nên không phải địa phương nào cũng “nhiệt tình” chia sẻ với cơn khát của người dân như Đà Nẵng, để mướt mải theo kiện.

Thực tế, người dân chỉ muốn rằng không một lĩnh vực, ngành nghề nào trong xã hội phải “tái cơ cấu”.

Bởi tái cơ cấu thường chỉ diễn ra khi sự đã rồi, đã gây ra những hậu quả, hệ luỵ nghiêm trọng. Còn một khi buộc phải tái cơ cấu, thì hết sức tính toán, cẩn trọng, để không phải “tái đi tái lại”, càng thêm mất lòng tin của dân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG