Không sớm giải quyết nợ xấu, kinh tế sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn

Không sớm giải quyết nợ xấu, kinh tế sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn
TP - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa có báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế. Theo đó Ủy ban này nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 ở mức 5,03%; mức thấp nhất trong vòng hơn một thập niên qua, đã phần nào cho thấy kinh tế Việt Nam có nguy cơ rơi vào vòng luẩn quẩn nếu không nhanh chóng giải quyết vấn đề nợ xấu.

> Lợi nhuận buồn của các ngân hàng cổ phần
> Chạm đáy phá sản

Dự báo, rủi ro lớn nhất với kinh tế Việt Nam năm 2013 là lạm phát vẫn tiềm ẩn, có liên quan một số chính sách như lương tối thiểu tăng, giá điện tăng, giá dịch vụ giáo dục và y tế tại một số địa phương có thể tiếp tục điều chỉnh theo lộ trình. Cùng với đó, rủi ro về nguồn vốn đang khan hiếm trong nền kinh tế có thể bị phân bổ lệch lạc, chảy vào nhóm lợi ích, các doanh nghiệp sân sau, thân quen.

Theo đánh giá, phá băng bất động sản có thể làm giảm nợ xấu, giảm hàng tồn kho và kích thích nền kinh tế tăng trưởng. Nhưng câu hỏi đặt ra là tiền dùng để cứu bất động sản lấy từ nguồn nào và làm thế nào để kiểm soát dòng tiền không chảy vào nhóm lợi ích, các doanh nghiệp sân sau, thân quen.

Trả lời được các câu hỏi này một cách công khai sẽ làm cho người dân, nhà đầu tư tin tưởng vào chính sách. Thực tế việc thực hiện hâm nóng hay phá băng bất động sản đòi hỏi phải có sự minh bạch trong việc rót tiền cứu trợ vào các doanh nghiệp.

Trong năm 2013, các chính sách cần được định hướng nhằm hỗ trợ cho việc đạt mục tiêu kép là kiềm chế lạm phát khoảng 8% và tăng trưởng GDP khoảng 5,5% như Quốc hội thông qua.

“Do chỉ tiêu kiềm chế lạm phát khoảng 8% là mục tiêu khá tham vọng trong bối cảnh rủi ro lạm phát vẫn còn hiện hữu, nhất là từ phía các yếu tố thuộc nhóm chi phí đẩy (giá điện, xăng dầu, giá lương thực, thực phẩm v.v…) hay từ phía giá một số nhóm hàng (y tế, giáo dục v.v…) và lạm phát kỳ vọng (lạm phát tâm lý) vẫn còn đáng kể nên cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng.

Do vậy cần sử dụng cách tăng cung tiền cũng như phương thức phân bổ tín dụng có hiệu quả nhất trong việc đạt được mục tiêu kép”- Ủy ban Kinh tế đánh giá.

Ủy ban cho rằng về trung hạn, cần đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại trích lập quỹ dự phòng rủi ro đầy đủ, để tránh trường hợp “lãi giả lỗ thật” và giảm tỷ lệ nợ xấu một cách bền vững.

Giám sát chặt chẽ việc sở hữu chéo. Cùng đó, phải nâng cao tính minh bạch, tính nhất quán và tính tiên liệu trong điều hành chính sách tiền tệ quốc gia nhằm tăng cường niềm tin của thị trường, các nhà đầu tư cũng như người dân vào các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ quốc gia.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG