Đánh thuế tiền tiết kiệm: Ý tưởng lạ lùng, bất khả thi

Đánh thuế tiền tiết kiệm: Ý tưởng lạ lùng, bất khả thi
Đó là ý kiến của các chuyên gia tài chính khi nghe về đề xuất đánh thuế thu nhập đối với khoản lãi từ tiền gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM.

> Đề xuất đánh thuế lãi tiết kiệm
> Đánh thuế tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Đỗ Thị Thìn, phó chủ tịch Hội Tư vấn thuế VN, cho biết thấy lạ với đề xuất này. Bà Thìn cho rằng sẽ không thể được cấp có thẩm quyền chấp thuận, bà lý giải: “Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi vừa được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-7 tới. Trong luật này, các khoản thu nhập phải chịu thuế không có quy định khoản lãi thu được từ gửi tiết kiệm. Nếu có ý tưởng này thì phải chờ đến khi chuẩn bị sửa luật và điều này chỉ có thể nên làm trong vài năm tới. Còn việc kiến nghị này có được tiếp thu hay không là cả một vấn đề”.

"Việc chưa thu thuế thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm góp phần đáp ứng yêu cầu về vốn phát triển sản xuất kinh doanh của nền kinh tế"

Là một thành viên trong ban soạn thảo Luật thuế thu nhập cá nhân, bà Thìn kể lại từ những năm 2008-2009 khi lấy ý kiến xây dựng luật, nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc đánh thuế từ lãi tiền gửi tiết kiệm.

Song, các thành viên trong ban soạn thảo cho rằng việc đánh thuế thu nhập cá nhân với khoản lãi từ tiền gửi tiết kiệm chưa thật sự hợp lý.

Bởi lẽ, thực tế ở VN, lãi tiền gửi tiết kiệm của cá nhân mang tính tích lũy là chủ yếu. Bên cạnh đó, tiền gửi tiết kiệm là nguồn cung cấp vốn quan trọng cho sản xuất kinh doanh thông qua kênh huy động vốn là các ngân hàng thương mại. Nên việc chưa thu thuế thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm góp phần đáp ứng yêu cầu về vốn phát triển sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Đồng tình với ý kiến của bà Thìn, ông Lê Quang Trung, quyền tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế, cho rằng nếu đánh thuế thu nhập cá nhân đối với khoản lãi từ tiền gửi tiết kiệm sẽ là thuế chồng thuế. Bởi hầu hết khoản tiền tiết kiệm có được là do người dân tích lũy. Trước đó, họ đã phải nộp thuế thu nhập rồi.

Mặt khác, ông Trung cũng nhận định tiền gửi tiết kiệm đối với nhiều người là để phòng thân, lúc cha mẹ ốm đau và cả để dành cho con cái học hành... sau này. Do vậy, nếu tính thuế thì không phù hợp với đạo lý người VN.

Lý do nhiều nước họ đánh thuế đối với lãi tiền gửi tiết kiệm mà trong điều kiện VN đã hội nhập sâu với thế giới, chính sách phải phù hợp với thông lệ quốc tế cũng phải xem lại. Phải tùy từng chính sách cụ thể chứ không thể áp dụng như các nước khác. Do vậy, đừng so sánh với một số nước khi văn hóa, điều kiện kinh tế của ta khác họ.

Đại diện Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cũng cho rằng từ khi Luật thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực đến nay, tức là từ năm 2009, khoản lãi thu được từ tiền gửi tiết kiệm chưa bao giờ bị tính thuế cả. Giả dụ nếu quy định có tính thuế thu nhập đối với khoản lãi từ gửi tiền tiết kiệm thì trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, Nhà nước cần thiết phải miễn thuế.

Theo Lê Thanh
Tuổi trẻ

Anh kêu gọi bỏ thuế trên tiền tiết kiệm

Từ giữa năm ngoái báo chí Anh đã mở chiến dịch kêu gọi chính phủ nước này bãi bỏ thuế đánh vào tiền gửi tiết kiệm. Báo Telegraph dẫn lời chuyên gia tài chính Ros Altmann khẳng định người gửi tiết kiệm Anh đã phải chịu đựng mức lãi suất cực thấp và tỉ lệ lạm phát cao trong nhiều năm qua, và thuế thu nhập đánh vào tiền gửi tiết kiệm là “giọt nước tràn ly”.

Ước tính thuế thu được từ tiền gửi tiết kiệm đem về cho Chính phủ Anh 1,76 tỉ bảng (2,64 tỉ USD) mỗi năm. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế Anh khẳng định con số này chẳng đáng kể gì so với những thiệt hại mà nó tạo ra.

Thứ nhất, chính sách của Chính phủ Anh đánh thẳng vào túi tiền của những người có thu nhập thấp, đặc biệt là người già đã về hưu, vốn chỉ biết sống dựa vào tiền lãi tiết kiệm để bù thêm cho tiền lương hưu ít ỏi.

Trong khi đó, lạm phát ở Anh cũng như các nước phương Tây khác không cao, chỉ dưới 2%, nhưng cũng trở thành gánh nặng với những người thu nhập thấp.

Trên thực tế, lạm phát cũng đã trở thành một thứ thuế không chính thức đánh vào người gửi tiền tiết kiệm. Nhiều người Mỹ cũng đồng ý với quan điểm này.

Trang Market Oracle dẫn lời chuyên gia tài chính Dan Amerman khẳng định ở Mỹ, lạm phát và thuế thu nhập đánh vào người gửi tiền tiết kiệm trở thành một thứ thuế với tỉ lệ lên tới 90%.

“Làm sao mà người dân dám gửi tiền tiết kiệm lâu dài - một khoản đầu tư luôn được xem là có tính mạo hiểm thấp - khi mà tiền của họ trên thực tế không tăng lên?” - báo Telegraph dẫn lời chuyên gia Jason Riddle thuộc tổ chức vận động Save our Savers (Cứu những người gửi tiết kiệm).

Ông nhấn mạnh sẽ là một thảm họa đối với cả các cá nhân và nền kinh tế Anh nếu mọi người ngừng gửi tiền tiết kiệm, đặc biệt nếu họ không tiết kiệm đủ khi nghỉ hưu và buộc phải dựa vào trợ cấp của nhà nước.

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Bến Tre kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh
Bến Tre kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh
TPO - Tối 15/1, tỉnh Bến Tre kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh, 65 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi, công bố quyết định của Thủ tướng công nhận ngày 17/1 hằng năm làm Ngày truyền thống của tỉnh. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự và phát biểu tại buổi lễ.