Cấm mua ôtô, xe máy bằng tiền mặt: Câu hỏi lộ trình

Cấm mua ôtô, xe máy bằng tiền mặt: Câu hỏi lộ trình
Những ý kiến trái chiều nhau đang ngày càng nổi lên rõ nét xung quanh dự thảo nghị định về thanh toán dùng tiền mặt đang được Ngân hàng Nhà nước xây dựng và hoàn thiện. Trong đó, bên cạnh chứng khoán, bất động sản thì quy định cấm mua ôtô và xe máy bằng tiền mặt là một nội dung rất đáng chú ý.

> Mua nhà, đất, ôtô: Trả tiền mặt không được sang tên
> Cấm dùng tiền mặt mua nhà, xe?

Đa số các nhà cung cấp ôtô đều cho rằng việc thanh toán không dùng tiền mặt là văn minh, cần thiết
Đa số các nhà cung cấp ôtô đều cho rằng việc thanh toán không dùng tiền mặt là văn minh, cần thiết.

Mới đây, ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), cho biết chậm nhất ngày 30/6 bản dự thảo sẽ được trình lên Thủ tướng để ban hành ngay trong năm nay.

Sớm muộn cũng phải làm

Nhiều ý kiến đánh giá, việc cấm dùng tiền mặt để mua ôtô hay một số hàng hóa khác như trong dự thảo nêu là rất cần thiết, thậm chí là bắt buộc.

Các chuyên gia cho rằng, sớm muộn gì thì quy định này cũng phải áp dụng, mà có lẽ đây chính là thời điểm hợp lý để tính đến. Bởi một nền kinh tế tiền mặt sẽ tạo ra không ít rủi ro, từ quản lý vĩ mô đến vi mô.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, “xã hội mà dùng tiền mặt nhiều là xã hội lạc hậu chứ không phải tốt. Xã hội tiến bộ người ta không dùng tiền mặt nhiều, họ dùng credit card, dùng tiền ngân hàng nhiều hơn”.

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam, ông Laurent Charpentier cũng tỏ rõ quan điểm ủng hộ việc cấm dùng tiền mặt để mua ôtô.

“Tôi không thấy có vấn đề gì cả, thậm chí đó còn là một cách làm hay đến từ các nước phương Tây. Ngành công nghiệp ôtô dĩ nhiên là một lĩnh vực mà việc chuyển khoản từ ngân hàng này đến ngân hàng kia là điều phổ biến, đặc biệt hơn vì cứ 2 khách hàng lại có 1 người vay tiền để chi trả cho khoản mua xe. Vì vậy, đây là một quy định đáng khích lệ và nên áp dụng”.

Kinh nghiệm tại các nước phát triển cũng cho thấy việc mua sắm bằng tiền mặt bị hạn chế tối đa, mọi khoản thanh toán lớn (chẳng hạn trị giá tương đương 1.000 USD trở lên) đối với bất kỳ loại hàng hóa gì đều bắt buộc phải thanh toán bằng thẻ hoặc qua ngân hàng.

Sự cần thiết cũng thể hiện rõ khi nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, quy định này sẽ giúp hoạt động quản lý tài chính tốt hơn, minh bạch hơn, góp phần không nhỏ vào công tác phòng chống rửa tiền, trốn thuế... Còn nhìn từ góc độ thương mại, những tốn kém cho hoạt động thanh toán vật lý (in ấn, vận chuyển, dự trữ, an ninh, bảo quản...), những rủi ro trong quá trình thanh toán giữa bên bán và bên mua... cũng được giảm thiểu.

Giám đốc chi nhánh của một hãng xe hạng sang tại Việt Nam kể rằng, có lần một khách hàng đến đại lý mua 2 chiếc xe với tổng trị giá gần chục tỷ đồng. Khổ nỗi, khách hàng này lại thanh toán hoàn toàn bằng tiền mặt, chủ yếu là tiền mệnh giá từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng.

“Bữa đó cả văn phòng tôi đã phải đóng cửa để các nhân viên tập trung phân loại tiền và đếm tiền. Thậm chí tôi đã phải gọi điện trước đến chi nhánh ngân hàng đối tác nhờ họ mở cửa muộn để sau khi đếm xong chúng tôi đem đến nộp vào tài khoản luôn. Không ai dám để một khoản tiền mặt lớn như vậy ở văn phòng hết”, vị doanh nhân này giãi bày.

Thế nào và bao giờ?

Đa số các nhà cung cấp ôtô đều cho rằng việc thanh toán không dùng tiền mặt là văn minh, cần thiết. Nhưng khi tư duy và thói quen dùng tiền mặt vẫn còn nặng nề thì việc cấm thế nào và lộ trình ra sao là câu hỏi cần phải trả lời thấu đáo.

Theo ông Hà Minh Tuấn, Tổng giám đốc hệ thống ôtô cũ AnyCar, bản thân các doanh nghiệp ôtô luôn mong muốn khách hàng mua xe thực hiện thanh toán qua ngân hàng.

Những phiền phức và rủi ro khi thanh toán tiền mặt là rất rõ. Bỏ qua chuyện phải huy động nhân vật lực thực hiện việc “đong đếm” đối với khoản tiền lớn thì chỉ nguy cơ rủi ro với tiền giả cũng khiến bộ phận kế toán, tài chính hoặc chủ doanh nghiệp đau đầu.

Cũng theo ông Tuấn, việc áp dụng quy định này tại các đô thị lớn, với cán bộ - công chức, doanh nghiệp - doanh nhân... đương nhiên là thuận lợi. Vấn đề là khi áp dụng tại các vùng nông thôn, miền núi, áp dụng với những người dân chưa có thói quen hoặc thậm chí không có điều kiện tiếp cận hoặc hiểu biết về dịch vụ ngân hàng.

Bản thân một cán bộ ngân hàng cũng thừa nhận thực tế rằng nếu áp dụng lúc này và áp dụng trên diện rộng ngay thì sẽ rất thiếu khả thi.

Bởi “không nói đâu xa, những người như bố mẹ tôi đang sinh sống ở quê thậm chí còn chưa biết đến cái tài khoản cá nhân là gì, tôi đưa cho thẻ ATM để dùng từ mấy tháng trước mà đến giờ vẫn gọi điện hỏi bấm thế nào, bấm vào nút gì mỗi lần rút tiền. Đấy là ông bà có con làm ngành ngân hàng. Những người khác họ sẽ phải làm thế nào nếu buộc phải trả bằng tiền mặt khi mua xe?”.

Liên tưởng từ câu chuyện thú phí rút tiền mặt tại hệ thống máy ATM cũng nổi lên vấn đề nhiều người dân đang quan tâm.

Nếu bắt buộc thanh toán qua ngân hàng hoặc bằng thẻ, họ có bị thu phí hay không và nếu có thì mức phí thế nào? Chẳng hạn một người nông dân gom góp bao nhiêu năm mới mua được chiếc xe máy, muốn mua họ lại phải mở một tài khoản, nộp tiền vào tài khoản và rồi khi thanh toán lại mất (ví dụ) 1% phí. Chẳng hạn chiếc xe trị giá 30 triệu đồng, họ sẽ mất 300.000 đồng tiền phí, một khoản tiền không hề nhỏ với những người dân nông thôn.

Bên cạnh đó, câu chuyện chất lượng dịch vụ cũng được đặt ra. Ngay tại các thành phố lớn, hiện việc thực hiện giao dịch tại quầy ngân hàng cũng chưa thật thuận lợi. Bản thân người viết cũng vài lần lãng phí mất nửa ngày làm việc để xếp hàng, thực hiện các thủ tục chuyển tiền qua tài khoản tại quầy của một ngân hàng lớn.

Vậy câu chuyện đặt ra ở đây là gì? Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh yêu cầu chất lượng dịch vụ ngân hàng, hệ thống chi nhánh - phòng giao dịch phải mở rộng để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến, thì trước hết, như GS. Đặng Hùng Võ nhận định là phải làm sao thay đổi được tư duy của đa số người dân. Kế đó là phải áp dụng một cách hợp lý cho từng đối tượng, từng khu vực khác nhau.

Theo An Nhi
vneconomy

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng, hiện cấp trên phải “ôm” và làm thay việc cho cấp dưới quá nhiều, dẫn đến thừa cấp dưới mà thiếu cấp trên. Do đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là cách tốt nhất để giảm sự vụ cho cấp trên, để cấp trên lo việc lớn, còn cấp dưới chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, tránh phải ngồi chờ xin ý kiến, khiến cơ hội trôi đi.