Vinacomin chính thức công bố lợi, hại dừng cảng Kê Gà

Vinacomin chính thức công bố lợi, hại dừng cảng Kê Gà
TP - Liên quan việc dừng đầu tư xây dựng cảng Kê Gà (Bình Thuận) phục vụ hai dự án bô- xít ở Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đăk Nông), ngày 24-2, ông Lê Minh Chuẩn, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), có ý kiến chính thức về vấn đề này.

> Dừng cảng Kê Gà lợi nhiều hơn hại
> Dừng cảng Kê Gà: Vinacomin sẽ bồi thường thiệt hại
> Tính lại bài toán bauxite

Theo ông Chuẩn, lý do tạm dừng là: Trên cơ sở định hướng của Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp bô - xít nhôm và phát triển KTXH tỉnh Bình Thuận, dự án đầu tư xây dựng cảng Kê Gà được lập với quy mô công suất năm 2015: 3,5 triệu tấn/năm; năm 2020: 17,5 triệu tấn/năm; năm 2025: 27 triệu tấn/năm; năm 2030: 37 triệu tấn/năm.

Trong quá trình thực hiện Quy hoạch bô - xít trên, cho đến nay, mới chỉ có 2 dự án thử nghiệm được đầu tư xây dựng theo Quy hoạch là Dự án Tân Rai - Lâm Đồng (công suất 650.000 tấn alumin/năm), và Dự án Nhân Cơ - Đăk Nông (cùng công suất 650.000 tấn alumin/năm) do Vinacomin là chủ đầu tư.

Đến năm 2014, nếu chạy hết công suất 2 nhà máy mới đạt 1,3 triệu tấn alumin/năm. Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh Quy hoạch bô – xít cho phù hợp.

Về tính hiệu quả của hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ, theo ông Chuẩn, khi lập dự án thử nghiệm bô - xít Tân Rai (Lâm Đồng) là có hiệu quả kinh tế.

Song ở thời điểm hiện nay, do kinh tế thế giới suy giảm và giá các mặt hàng khoáng sản, trong đó có alumin cũng giảm theo dẫn đến giảm hiệu quả kinh tế của dự án.

Vì thế, Vinacomin sẽ đề xuất với Chính phủ một số cơ chế, chính sách trong giai đoạn đầu của dự án để tăng tính hiệu quả.

Đến nay, dự án Tân Rai (Lâm Đồng) đã hoàn thành đầu tư, Nhà máy alumin của dự án đang trong giai đoạn chạy thử, ngày 26-12-2012 đã có sản phẩm alumin đầu tiên.

Kết quả phân tích bước đầu cho thấy chất lượng sản phẩm alumin đạt yêu cầu theo hợp đồng EPC đã ký kết.

Theo ông Chuẩn, về khả năng nghiên cứu thu hồi các sản phẩm có ích từ bùn đỏ đã có kết quả ban đầu khích lệ, khả năng thành công lớn.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang tích cực khẩn trương hoàn thiện Đề tài ở quy mô thử nghiệm để chuyển sang quy mô công nghiệp việc nghiên cứu xử lý bùn đỏ để thu hồi lại xút, sản xuất sắt xốp, xỉ.

Nếu thành công sẽ mang lại nguồn thu bổ sung cho Dự án và đặc biệt là giảm thiểu mức độ ô nhiễm của bùn đỏ, giảm thiểu việc đầu tư hồ bùn đỏ, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với dự án.

Một trong những yếu tố quan trọng, quyết định mức độ hiệu quả của Dự án là giá bán alumin. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, sản xuất nhôm chững lại, vì vậy giá alumin cũng giảm theo và hiện nay đứng ở giá thấp - dưới 340 USD/tấn.

Với xu thế nền kinh tế thế giới đang phục hồi, Vinacomin tin chắc rằng sản xuất nhôm và giá alumin sẽ tăng trở lại (có thời điểm năm 2008 giá alumin đạt mức 500 USD/tấn).

Theo các chuyên gia phân tích thuộc Citigroup, Morgan Stanley và Societe General SA, giá alumin trên thị trường thế giới giai đoạn 2010-2020 được dự báo dao động trong khoảng 300 USD/tấn đến 640 USD/tấn, trung bình là 450 USD/tấn.

Việc quyết định đầu tư Dự án Nhân Cơ cũng như dự án Tân Rai là căn cứ vào tính khả thi về kỹ thuật và kinh tế của Dự án tại thời điểm xem xét và có tính đến mức độ rủi ro của Dự án.

Khi Vinacomin quyết định đầu tư dự án Nhân Cơ tại tỉnh Đăk Nông, đã tuân thủ đầy đủ quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; tại thời điểm phê duyệt dự án điều chỉnh (tháng 2-2010), dự án đạt hiệu quả kinh tế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG