Thực phẩm Tết tăng giá chóng mặt

Nhiều tiểu thương khẳng định gà ta Bắc Giang xịn nhưng giá chỉ bằng nửa
Nhiều tiểu thương khẳng định gà ta Bắc Giang xịn nhưng giá chỉ bằng nửa
TPO- Chỉ còn gần 10 ngày nữa là đến Tết nguyên đán, dù lượng mua chưa lớn nhưng giá nhiều mặt hàng đã nhảy múa từng ngày.

> Giúp việc Tết nửa triệu đồng một ngày

> Thưởng tết: Kẻ khóc, người cười

Nhiều tiểu thương khẳng định gà ta Bắc Giang xịn nhưng giá chỉ bằng nửa
Nhiều tiểu thương khẳng định gà ta Bắc Giang xịn nhưng giá chỉ bằng nửa. Ảnh: Đỗ Hợp

Khảo sát tại các chợ đầu mối và các chợ ở Hà Nội cho thấy, giá cả nhích dần dần, nhiều mặt hàng phải đặt trước với giá cao mà sợ còn không có hàng.

Thịt bò, gà, bia “sốt” giá

Khảo sát tại chợ đầu mối Dịch Vọng hay chợ Thành Công, chợ Hoàng Mai, cho thấy, giá thịt bò đã tăng rất nhiều.

Tại các cửa hàng thịt bò của chợ Cống Vị, giá ở thời điểm này tăng ít nhất 10% so với một tuần trước. Chị chủ cửa hàng ở đây cho biết, do giá nhập tăng nên giá bán ra mỗi kg tăng từ 20-30.000 đồng.

Cụ thể, thịt bò thăn trước đây là 240.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên 270.000 đồng/kg, bắp bò từ 210.000 đồng/kg giờ tăng lên 230.000 đồng/kg, lõi hoa giá 300.000 đồng/kg giờ đã 380-400.000 đồng/kg, đặc biệt lõi rùa giá cao ngất ngưởng là 500.000 đồng/kg.

“Nếu riêng đặt lõi rùa lấy trong những ngày từ 25 tết đến 29 Tết thì giá còn đắt hơn 500.000 đồng/kg: “Nếu em đặt cả thịt bò thăn, thịt bò bắp thì chị mới nhận em đặt lõi rùa. Nếu em không đặt tiền trước, vài ngày nữa giá còn tăng nữa mà không có mà mua đâu”- chị chủ cửa hàng thịt bò ở chợ Cống Vị cho biết.

Không chỉ có thịt bò mà giá thịt gà trong những ngày qua cũng tăng ngoạn mục. Giá gà ta từ 150.000 đồng/kg giờ đã tăng lên 180.000- 200.000 đồng/kg: “Giờ mua gà dưới 200.000 đồng/kg không đảm bảo đâu. Rẻ hơn chỉ có gà Trung Quốc hoặc gà ta nhái thì có. Không đặt trước tiền sợ gần Tết không có mà mua đâu”- Chị Liên ở Thành Công, Hà Nội cho biết.

Giá các loại cá chép, cá điêu hồng, cua đồng, mực, tôm sú… đều tăng từ 10.000 đồng/kg đến 50.000 đồng/kg.

Tại một cửa hàng bán bia, nước ngọt, bánh kẹo ở Hoàng Hoa Thám, Hà Nội, bia là mặt hàng bán chạy nhất trong vài ngày trở lại đây, trong đó bia Heineken là loại được người Hà Nội ưa chuộng và giá tăng cao nhất.

Bình thường, bia Heineken có giá 360.000 đồng/thùng thì nay giá lên 380.000 -400.000 đồng/thùng nhưng cũng khan hàng: “Các mặt hàng thiết yếu cho tết đều tăng giá nhẹ từ 2-5% nhưng riêng bia có tăng cao nhất. Nhà tôi có hơn 100 thùng bia Heineken mà bán hết bay rồi. Cac loại bia khác như Sài gòn, 333, Trúc Bạch cũng bán được nhưng chậm hơn”.

Anh Đỗ Dương, chủ cửa hàng chuyên bán bia, thực phẩm Tết cho biết, giá bia đang tăng lên hàng ngày: “Mọi năm mình để cả mấy trăm két bia thì 30 tết chưa bán hết nhưng năm nay 200 két đã bán hết veo”.

Rau xanh giá…mềm

Cùng với thịt gà, thịt bò, bia, nhiều mặt hàng khác có trong bữa cơm ngày tết như mộc nhĩ, nấm hương, đỗ xanh, măng khô đều tăng nhẹ.

Rau xanh giá... mềm
Rau xanh giá... mềm. Ảnh: Đỗ Hợp

Tuy nhiên, nắng ấm trong mấy ngày qua làm giá rau xanh ở chợ Hà Nội có chiều hướng giảm rõ rệt. Các loại rau xanh ăn hàng ngày giảm từ 1.000-3.000 đồng/bó.

Bác Thái Liên (Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội) cho biết, mấy ngày nay giá rau xanh “mềm” hơn mấy ngày trước. Cụ thể, giá rau cải cúc 1.000 đồng/bó, rau cần: 3.000 đồng/bó, rau cải: 2.000 đồng/bó, rau muống 6.000 đồng/bó.

Theo nhiều tiểu thương tại các chợ đầu mối của Hà Nội cho biết, mấy ngày nay lượng rau xanh đổ về các chợ khá dồi dào nên giá rẻ hơn: “Đến giáp tết chắc chắn súp lơ, su hào, cải thảo, rau thơm chắc chắn tăng giá. Các loại rau ăn hàng ngày thì không tăng nhiều”- nhiều tiểu thương khẳng định.

Sợ thực phẩm bẩn, bà nội trợ “săn” đồ quê

Trong khi nhiều bà nội sợ lo sợ mua phải thực phẩn “bẩn” cho bữa cơm hàng ngày nhất là trong những ngày Tết nguyên đán sắp tới thì tại chợ đầu mối phía Nam (Mai Động) hay chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy) vẫn tràn lan thịt gà các loại với giá rẻ bất ngờ.

Tại chọ Dịch Vọng sáng nay, theo khảo sát, giá thịt gà giá chỉ dao động từ 55-120.000 đồng/kg tùy loại: "Giá ở đây rẻ hơn một nửa so với các chợ khác nhưng thịt gà luôn thâm tím, có phần thấy máu tụ"- nhiều bà nội trợ nhận xét.

Mang thắc mắc đó với người bán hàng: “sao gà lại rẻ thế, liệu có phải gà Trung Quốc không?”, nhiều người bán hàng tự tin cho biết: “gà ta xịn ở Bắc Giang đấy, giá 110.000 đồng/kg. Gá mía thì 120.000 đồng/kg. Chị ăn yên tâm về chất lượng luôn”.

Trong hàng chục cửa hàng bán cả nghìn con gà ở chợ đầu mối Dịch Vọng thì cả mười chủ cửa hàng đều khẳng định đây là gà ta “xịn” được gán mác gà Bắc Giang nuôi”.

Tuy nhiên, theo nhiều bà nội trợ, gà mua ở chợ mà được coi là gà ta “xịn” khi luộc lên không vàng, thịt không thơm mà còn nhão: “Tôi chả tin đây là gà ta Bắc Giang. Làm gì có chuyện rẻ bằng một nửa ở chợ khác mà đòi ngon, ăn nhạt toẹt thôi. Gà ta xịn tôi đặt ở quê thì 200 nghìn một kg nhưng ăn ngon hơn hẳn”.

Chính vì sợ gà, thịt lợn, thịt bò “bẩn” gắn mác “xịn” bán đầy đa ở các chợ Hà Nội, nhiều bà nội trợ đã đặt hàng ở quê từ cả tháng trước.

Cô Đỗ Thị Tài (Láng Hạ, Hà Nội) cho biết, từ thịt gà, thịt lợn và thịt bò, trâu bác đều không mua ở Hà Nội mà mua ở Cao Bằng: “con trai tôi đi công tác trên đó đặt luôn của bà con hết. Rau tôi cũng đặt trên đó hết, ăn cho yên tâm. Chứ ở Hà Nội, giá rẻ hay đắt đều chả biết chất lượng ra làm sao”.

Cùng chung tâm lý đó, chị Thanh Dung (Hà Nội) cho biết, do quá “ngán” thịt trong những ngày tết, năm nay chị quyết tâm bổ sung thêm những đồ hải sản: “Có người nhà ở gần biển, vài ngày nữa sẽ đặt dưới đó đóng vào thùng xốp cho tôm, cua, ghẹ, tu hài,… ăn cho đỡ sợ ướp hóa chất”.

Để yên tâm hơn, nhiều gia đình ở Hà Nội đặt cả cam canh, bưởi, rau các loại ở quê hay mua của người thân quen: “Khoanh vườn ở quê Hưng Yên chả làm gì, mẹ tôi trồng cây các loại và rau. Cứ cuối tuần tôi lại về thu hoạch. Tết mà không đủ, tôi còn mua thêm cả đồ mà hàng xóm có được rồi mang lên Hà Nội”- anh Thoại ở Trung Hòa- Nhân Chính cho biết.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.