Thủ tướng: Phải công khai lỗ, lãi của DN nhà nước

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các đại biểu dự hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các đại biểu dự hội nghị
TP - “Chúng ta không che giấu, hiệu quả nói hiệu quả, lỗ thì nói lỗ và nguyên nhân vì sao. Làm kinh tế thị trường thì có lãi, có lỗ, thành công và không thành công nhưng phải đảm bảo công khai” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh yêu cầu này tại Hội nghị Chính phủ với tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, tổ chức sáng 16-1.

> Nhiều ‘ông lớn’ ngân hàng, tập đoàn sẽ bị kiểm toán 'sờ gáy' trong năm 2013
> Công khai công tác cán bộ và bản kê khai tài sản
> 'Quả đấm thép' báo cáo Thủ tướng lỗ nghìn tỷ, nợ triệu tỷ

Nợ hơn 1,3 triệu tỷ đồng

Theo Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Phạm Viết Muôn, năm 2012 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có tổng doanh thu trên 1.621.000 tỷ đồng, bằng 92% so với kế hoạch năm.

Trong đó, tổng lợi nhuận trước thuế của các DNNN đạt 127.510 tỷ đồng, giảm 5% so với thực hiện năm 2011.

Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu bình quân đạt 17,4%. Một số tập đoàn có lợi nhuận cao như: Dầu khí, Viễn thông quân đội, Công nghiệp Cao su…Trong năm 2012, tổng nộp ngân sách của DNNN đạt 294.000 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm, nhưng giảm 12% so với thực hiện năm 2011.

Tuy nhiên, lỗ phát sinh của các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) nhà nước là khoảng 2.253 tỷ đồng. Trong đó, có một số TĐ,TCT năm 2011 lỗ, năm 2012 tiếp tục lỗ.

Lỗ lũy kế của 10 TĐ,TCT khoảng 17.730 tỷ đồng. Đáng lưu ý là, tổng nợ phải trả của các DNNN lên tới hơn 1,3 triệu tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân là 1,82 lần (năm 2011 là 1,77 lần). Tổng tài sản/tổng nợ phải trả là 1,6 lần.

Nợ nước ngoài của các Cty mẹ TĐ,TCT là 158.865 tỷ đồng, bằng 21,5% tổng nợ phải trả, tăng 11% so với năm 2011. Một số Cty mẹ có số nợ nước ngoài lớn như: Cty mẹ EVN, Cty mẹ VNA, Cty mẹ VEC.

“Năm 2012, nhìn tổng thể, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, TCty vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, xét riêng rẽ, một số TĐ, TCT tỷ lệ này vượt giới hạn cho phép, cá biệt có nơi rất cao”- Ông Muôn nhận định.

Không che giấu yếu kém

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những kết quả đạt được của DNNN trong thực hiện cân đối vĩ mô, đầu tư hạ tầng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. “Chúng ta không vì bị tác động chiều này chiều khác mà đánh giá không đúng về vai trò của DNNN”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu rõ, một số tập đoàn lỗ, không hoàn thành kế hoạch. Từng TĐ, TCT phải nghiêm túc làm rõ, lỗ có phải do yếu tố vĩ mô không, hay do nguyên nhân chủ quan, làm trái. Thủ tướng lưu ý tình trạng tham nhũng trong DNNN.

Như vụ Vinalines, ngoài yếu tố khách quan thì do cố ý làm trái đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Làm cho hình ảnh của Vinalines xấu, ảnh hưởng luôn đến DNNN. “Người ta đang nói có Vina nào nữa? Chuyên gia, người dân có quyền đặt vấn đề như vậy”- Thủ tướng nói.

Ngoài ra, đầu tư, lãng phí trong DNNN còn nặng nề. Tuy chỉ xảy ra ở một số DN nhưng đã ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của DNNN. “Nhân dân phê phán là đúng. Làm ăn mà tiêu cực, thua lỗ tiền tỷ như thế ai mà không sốt ruột”- Thủ tướng nói và cho rằng những biểu hiện này không thể coi thường.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, việc tái cơ cấu, cổ phần hòa, thoái vốn ngoài ngành còn chậm. Thủ tướng cho rằng phải có lộ trình, phương án thoái vốn và lưu ý: “Tiến phải có phương án, rút lui cũng phải có phương án chứ rút lui mà hoang mang, bỏ chạy là thất bại. Thoái vốn mà để tiêu cực, mất mát là rất nguy hiểm”.

Thêm vào đó, giao nhiệm vụ cho DNNN điều tiết vĩ mô thì thể chế phải rạch ròi. Như vấn đề giá điện, giá than, xăng dầu sắp tới phải minh bạch hơn, cơ chế tài chính phải rõ khi DNNN làm nhiệm vụ này.

Đề cập nhiệm vụ năm 2013, Thủ tướng đề nghị các DNNN phải rà soát lại kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2013 bởi hầu hết các TĐ,TCT đều đưa ra kế hoạch thấp hơn năm 2012. Như vậy làm sao đạt mục tiêu chung của cả nền kinh tế là năm 2013 tăng trưởng cao hơn 2012.

Đi liền đó, rà soát lại kế hoạch đầu tư bởi năm 2013 các TĐ, TCT đều muốn tăng cao vốn đầu tư. “Người ta phê phán DNNN đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Do vậy, từng TĐ, TCT phải rà soát lại đầu tư, đảm bảo hiệu quả. Không đầu tư ngoài ngành”.

Thủ tướng cũng đề nghị các TĐ, TCT thực hiện quyết liệt tái cơ cấu theo đề án đã phê duyệt. Ban hành điều lệ của từng TĐ,TCT, coi như bộ luật để hoạt động. Xây dựng quy chế nội bộ. Những TĐ, TCT quan trọng Chính phủ sẽ có nghị định riêng để quy định chức năng, nhiệm vụ.

Thủ tướng cũng lưu ý các TĐ,TCT đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng. “Tập đoàn Vinashin có 6.000 đảng viên mà tê liệt như thế. Lãnh đạo làm trái, đầu tư tràn lan kéo dài mà tôi không nhận được bất cứ đơn thư của đảng viên nào báo cáo. Đồng chí đứng đầu được bầu vào cấp này, cấp khác. Sức chiến đấu của Đảng là ở cơ sở mà như thế là sao. Hay ở Vinalines cũng thế, có mấy nghìn đảng viên mà xảy ra sai trái như thế. Bây giờ con sâu làm rầu nồi canh”- Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng, yêu cầu công khai, minh bạch là tất yếu. Do vậy, việc cung cấp thông tin, minh bạch trong hoạt động của DNNN càng phải cao hơn, quyết liệt hơn. Kết quả sản xuất kinh doanh của DNNN hàng năm phải kiểm toán, công bố công khai.

“Bây giờ thể chế không thiếu nữa. Chúng ta không che giấu, hiệu quả nói hiệu quả, lỗ thì nói lỗ và nguyên nhân vì sao. Làm kinh tế thị trường thì có lãi, có lỗ, thành công và không thành công nhưng phải đảm bảo công khai”- Thủ tướng nêu rõ.

Theo đó, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc có trách nhiệm cung cấp trung thực, kịp thời thông tin cho báo chí về kết quả hoạt động của đơn vị mình. Định kỳ họp báo hoặc đưa lên website thông tin hoạt động. Bộ quản lý ngành chịu trách nhiệm công bố thông tin của DNNN trong ngành. Ban đổi mới DN của Chính phủ công bố công khai hiệu quả của DNNN.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.