Siêu thị khó mua hàng tươi sống

Siêu thị khó mua hàng tươi sống
TP - Nhiều siêu thị ở trung tâm ĐBSCL muốn mua thịt cá, rau quả... tươi sống với số lượng lớn, nhưng Cần Thơ chưa đáp ứng được vì nhiều nông dân vẫn sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ, lạc hậu.

> Giá thực phẩm tăng mạnh theo rét
> Giá thịt heo, gà 'té nước theo mưa'

Chuẩn bị hàng Tết và nhằm hỗ trợ sản xuất, sáng 15-1, lần đầu tiên, Sở Công Thương TP Cần Thơ tổ chức chương trình “Kết nối nhà sản xuất với nhà phân phối”, với sự tham dự của gần 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở Cần Thơ và TPHCM.

“Không biết mua ở đâu”

Ông Nguyễn Huy Bằng, GĐ Metro Hưng Lợi-Cần Thơ, nói: “Nhiều lúc, chúng tôi thiếu hàng mà không biết mua ở đâu”.

Ông Bằng kể, Metro Hưng Lợi-Cần Thơ tiêu thụ lượng hàng rất lớn vì không chỉ phục vụ tại chỗ mà còn cung cấp cho hệ thống trong cả nước và nước ngoài, tuy nhiên “hàng tươi sống ở Cần Thơ khai thác được rất ít”.

Theo ông, thịt heo (lợn) và thịt bò Metro Hưng Lợi-Cần Thơ phải mua từ TP Long Xuyên (An Giang), thực hiện một đơn hàng mất vài ngày, khá tốn kém.

Giám đốc khu vực miền Tây của Vinatexmart Nguyễn Huy Cường than thở, siêu thị tại Cần Thơ muốn xây dựng một khu vực dành riêng cho đặc sản của Cần Thơ mà không được.

Hàng vào siêu thị phải có nhãn hiệu, sản xuất theo quy trình kỹ thuật đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và cung cấp số lượng ổn định theo kế hoạch.

“Tỉnh Hậu Giang có cam sành, cá thát lát, tỉnh An Giang cũng có nhiều đặc sản có thương hiệu, nhưng Cần Thơ thì chưa thấy gì cả”, ông Bằng nói.

Phó TGĐ TCty Thương mại Sài Gòn Trần Thành Nam cho biết, một năm doanh nghiệp của ông tiêu thụ khoảng 40.000 tấn thịt, 8.000 tấn rau, đều chưa mua được ở Cần Thơ. “Chỉ mua được cá đồng ở Cần Thơ”, với số lượng một ngày đáp ứng khoảng 1/6 nhu cầu, ông Nam nói.

Sản xuất “bán ở vỉa hè”

Sản lượng hàng tươi sống (thịt cá, rau quả…) sản xuất hằng ngày, hằng năm của Cần Thơ rất lớn. Tuy nhiên, sản xuất chủ yếu theo kinh nghiệm để bán ở vỉa hè, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn để đưa vào siêu thị.

Hợp tác xã Rau an toàn ở phường Long Tuyền (Bình Thủy, Cần Thơ) đưa được rau quả vào siêu thị Metro Hưng Lợi-Cần Thơ mấy năm nay, nhưng với số lượng rất ít.

Chủ nhiệm Triệu Công Đỉnh kể, HTX có 30 ha nhưng mới có 10 ha sản xuất đảm bảo quy trình kỹ thuật “sạch”, còn lại vẫn sản xuất theo kinh nghiệm.

Hợp tác xã Thanh Niên ở xã Nhơn Ái (Phong Điền, Cần Thơ) trồng cây ăn quả đang áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, nhưng cũng chỉ có 12 ha, một năm có chừng 100 tấn chôm chôm và 120 tấn vú sữa.

Cơ sở sản xuất nông nghiệp lớn nhất TP Cần Thơ hiện nay là Cty TNHH MTV Cờ Đỏ ở huyện Cờ Đỏ, với khoảng 6.000 ha, có 3 sản phẩm chính: gạo, heo hơi, lúa giống. Trong đó, gạo thơm có thể đưa vào siêu thị một năm 2.000-3.000 tấn thì 80% đã xuất khẩu; còn heo thịt một năm trên dưới 300 tấn; lúa giống một năm 400 tấn.

Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống nói với PV Tiền Phong, tổ chức cho sản xuất và phân phối gặp nhau mới thấy rõ thêm thực trạng sản xuất manh mún, lạc hậu.

“Hy vọng, sau khi tổ chức cho hai bên gặp được nhau, sản xuất sẽ gắn với phân phối để dần dần lớn mạnh lên”, ông Thống nói.

Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ Nguyễn Minh Toại cho biết, tới đây sẽ tổ chức cho từng siêu thị gặp các nhà sản xuất tiềm năng để xây dựng các mối hợp tác có kết quả.

Ngoài ra, sẽ tạo điều kiện kết nối bằng cách đưa thông tin của nhà sản xuất và nhà phân phối lên website của Sở Công Thương.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG