Ngân hàng tung chiêu khuyến mãi khủng
> Điểm danh doanh nghiệp ‘trốn’ lương, thưởng tết
> Vụ 'Dân nghèo sập bẫy cò ngân hàng': Ai phải trả ai trên 33 tỷ đồng?
Để thu hút khách hàng tiêu dùng qua thẻ tín dụng, có nhà băng lì xì tiền mặt tới vài triệu đồng, có nơi còn tặng nhiều phiếu bốc thăm trúng thưởng cả xe SH, máy tính bảng cho khách...
Ngân hàng dụ khách tiêu hoang bằng thẻ tín dụng. Ảnh: PV |
Những ngày đầu năm mới 2013, hàng loạt ngân hàng lớn như Eximbank, Techcombank, ACB, Đông Á, Sacombank, ... tung ra nhiều chương trình để "dụ" khách hàng mạnh tay chi tiêu bằng thẻ tín dụng. Eximbank chơi trội nhất khi đưa ra các giải thưởng giá trị như xe SH, điện thoại iPhone, Samsung Galaxy Note cho khách hàng chi tiêu qua thẻ Visa.
Nhà băng nhỏ như Tienphongbank thì liên tục duy trì chính sách giảm giá khi chi tiêu qua thẻ và rao giải thưởng may mắn lên tới 60 triệu đồng.
Trong khi đó, ngân hàng ngoại HSBC cam kết sẽ lì xì ngay 4 triệu đồng cho những chủ thẻ chi tiêu nhiều, khách phát hành mới cũng được tặng ngay tiền vào tài khoản.
Chị Nguyên Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) còn cho biết, một tuần chị nhận được rất nhiều email quảng cáo từ nhiều ngân hàng với nội dung mời chào mua sắm. "Khi thì mua 2 vé xem phim ở rạp phim chuẩn quốc tế được tặng 1 vé, lúc lại là chi tiêu càng nhiều - hàng chục triệu - thì lại được lì xì càng nhiều tiền, có nơi lên tới vài triệu đồng", chị Nguyên Anh cho biết.
Giải thích cho những khuyến mãi "khủng" trên, ông Godfrey Swain, Giám đốc Khối dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản của HSBC Việt Nam cho rằng, Tết là khoảng thời gian quan trọng nhất trong năm đối với người Việt. Và tháng 1/2013 là thời gian cao điểm mua sắm khi người người, nhà nhà trên khắp mọi miền đất nước chuẩn bị dự trữ, mua quà và trang hoàng nhà cửa đón Tết.
Tuy nhiên, với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay thì người tiêu dùng đang bị áp lực về tiền mặt. "Đây là lý do khiến chúng tôi quyết định thực hiện chương trình khuyến mại lớn dành riêng cho chủ thẻ tín dụng trong dịp Tết Nguyên đán", ông nói.
Ngoài ra, theo đại diện HSBC, hoạt động này còn đáp ứng lời kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước về việc khuyến khích sử dụng thẻ tín dụng trong giao dịch thanh toán, không chỉ trong những ngày Tết mà là cả trong dài hạn.
Trong khi đó, lãnh đạo ACB nhìn nhận, áp lực tăng doanh số thẻ với nhiều ngân hàng là rất lớn. Có ngân hàng đặt ra mức tăng trưởng đến 50% nên ngày đầu năm phải giành thị phần thẻ cũng như dành thị phần bán lẻ trong tương lai. Ngoài ra, thông qua thị trường thẻ, nhiều ngân hàng sẽ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng khá tốt trong bối cảnh kinh tế khó khăn này.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần quy mô vừa thì bộc bạch, tập trung vào khách hàng tiêu dùng cá nhân là định hướng của nhà băng ông trong năm 2013 khi khó "đọ" sức với các "ông lớn" ở những mảng như tín dụng doanh nghiệp.
Về phía khách hàng, một số chuyên gia khuyến cáo nên thận trọng trong chi tiêu qua thẻ. Bởi ngay cả việc khách dùng thẻ mua sắm hàng hóa cũng có nhiều bất lợi. Chẳng hạn, hằng tháng chủ thẻ chỉ trực tiếp thanh toán tối thiểu bằng 4-5% số tiền đã chi tiêu, hoặc thanh toán toàn bộ nhưng thiếu 1.000 đồng thì vẫn bị tính lãi chậm trả trên tổng số dư nợ ban đầu.
Chưa kể, bất lợi của thẻ tín dụng còn ở các loại phí, bao gồm phí thường niên khoảng 350.000-500.000 đồng mỗi năm, phí rút tiền mặt, phí chậm thanh toán, phí vượt hạn mức tín dụng, phí chuyển đổi ngoại tệ. Thậm chí, có cửa hàng đến nay vẫn tính thêm phụ phí 1-3% trên giá trị thanh toán khi khách muốn quẹt thẻ.
Ngoài ra, khi dùng thẻ tín dụng để rút tiền mặt tại các máy ATM, chủ thẻ sẽ bị ngân hàng tính phí trên số tiền đó với tỷ lệ 3-5% tuỳ theo thương hiệu thẻ và nơi rút tiền. Số tiền này còn bị tính lãi vay theo lãi suất ngân hàng công bố kể từ ngày rút tiền đến ngày thanh toán hết nợ khoảng 20-24% mỗi năm.
Tiến sĩ Lê Đạt Chí, Đại học Kinh tế TP HCM phân tích, động lực tăng trưởng kinh tế không đến từ tiêu dùng cá nhân mà chủ yếu phụ thuộc vào chi tiêu của Chính phủ, doanh nghiệp... Do đó, trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng thấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn như hiện nay, ông khuyến cáo Việt Nam không nên đẩy mạnh tín dụng cá nhân một cách đại trà, vì như thế chỉ làm người dân thêm bần cùng hóa.
Theo ông Chí, vấn đề hiện nay là Ngân hàng Nhà nước cần cơ cấu lại tín dụng, tập trung đưa nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu... để tăng trưởng kinh tế. Mảng tín dụng cá nhân chỉ nên cho vay trong một giới hạn nhất định. Và cần lưu ý rằng, bên cạnh hạ lãi suất cho vay, tăng hạn mức cho vay trên tài sản thế chấp.., ngân hàng cần tính đến việc thiết kế những sản phẩm cho vay phân kỳ hạn trả nợ linh hoạt.
"Ngoài ra, nó phải phù hợp với thu nhập và mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng cá nhân, nhất là với những người dân có thu nhập trung bình khá", ông Chí nhấn mạnh.
Theo Thanh Lê - Trâm Anh
Vnexpress