> Giá thịt heo, gà 'té nước theo mưa'
> Thị trường hàng hóa Tết: Dự báo sức mua yếu
Tăng giá ồ ạt
Sáng 7-1, trong cái lạnh dưới 10 độ C của Hà Nội, những hạt mưa phùn khiến khu chợ Mễ Trì Thượng (Từ Liêm, Hà Nội) trở lên vắng vẻ, hưu hắt hơn ngày thường. Bà Cúc - chủ sạp rau ngoài cổng chợ ngồi co ro mỗi khi có những đợt gió lùa vào qua những tấm phiên được buộc sơ sài che chắn cho các sạp.
Bà Cúc cho biết: “Cả tuần nay, giá rau xanh tăng mạnh khiến mọi người đi chợ không dám mua rau. Nguồn rau hiếm vì trời lạnh, rau không lên được, đặc biệt là các loại rau xanh có lá như rau cải ngọt, muống, cải cúc...”.
Theo khảo sát của PV Tiền Phong, giá rau xanh tại chợ Mễ Trì Thượng tăng từ 30 - 50% so với cách đây một tuần.
Ông Nguyễn Hiệp - chủ vườn rau cải cúc tại Thôn Hạ, xã Mễ Trì cho biết: “Rau cải gieo khoảng một tuần thì gặp đợt rét, không lên được. Nhổ đem bán thì rau còi cọc mà không nhổ thì không biết bao giờ rau mới dài ra.
Giá rau tại ruộng chỉ cao hơn 1.000 - 2.000 đồng so với ngày thường. Tuy nhiên rau không gieo được đợt mới khiến chúng tôi đứng ngồi không yên”.
Không chỉ rau xanh tăng giá, trong đợt rét này, các loại thịt đều được các tiểu thương tại chợ điều chỉnh tăng so với tuần trước. Tại chợ Phùng Khoang (Nguyễn Trãi, Hà Nội), giá mỗi cân thịt lợn tăng từ: 5.000 – 10.000 đồng/cân.
Theo khảo sát của PV, giá gà tại chợ Hôm chưa bao giờ tăng nhanh như những ngày qua, chỉ trong vòng một tháng giá gà đã tăng 20%-30% tùy từng loại.
Theo các tiểu thương, giá gà tăng cao do khan hiếm nguồn cung bởi trong nước cấm nhập gà từ Trung Quốc. Một tiểu thương bán gà tại chợ chia sẻ: “Gà bây giờ chúng tôi phải thu gom từ nhiều mối, tình hình khan hiếm thế này thì từ giờ đến Tết giá gà còn tăng cao nữa”.
Ngoài ra, các mặt hàng tươi sống khác như: cá, ngao, mực... đều có mức tăng từ: 10 – 20% so với tuần trước. Lý giải sự tăng giá ồ ạt hầu hết các mặt hàng lương thực, thực phẩm này, nhiều tiểu thương tại chợ cho biết, gần Tết hàng hóa bao giờ cũng tăng hơn so với trong năm do lượng mua sắm cuối năm tăng mạnh, cộng thêm rét kéo dài khiến nhiều mặt hàng rau xanh khan hiếm.
Siêu thị tăng tích trữ hàng Tết
Theo khảo sát của PV, tại các siêu thị lớn trong thành phố như: Fivimark, Hapro, Big C, Coopmark... đều có giá ổn định hơn so với chợ truyền thống.
Nguyên nhân được các siêu thị đưa ra bởi họ tích trữ hàng từ giữa năm và cam kết giá với khách hàng trong một khoảng thời gian nhất định chứ không tăng theo tác động bởi bất kỳ yếu tố nào. Tại siêu thị Big C, các loại rau xanh đều thấp hơn so với chợ từ: 3.000 – 5.000 đồng/cân.
Bà Dương Thị Quỳnh Trang – Giám đốc Quan hệ công chúng và đối ngoại siêu thị Big C cho biết: “Những ngày này siêu thị chúng tôi cam kết không tăng bất kỳ mặt hàng nào. Ngoài ra, để kiềm giá siêu thị đã dự trữ hàng từ sớm để phục phụ cho Tết Nguyên đán sắp tới với hàng loạt các mặt hàng như: 600 tấn thịt nguội; 1.000 tấn rau củ quả gồm: bưởi, bắp cải, cà chua, dừa chưng, xoài, quýt…”.
Theo bà Trang, dù tình hình kinh tế năm 2012 khó khăn nhưng lượng hàng dự trữ phục vụ Tết Quý Tỵ tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái và cam kết không tăng giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm trước và sau Tết.
Còn hệ thống siêu thị Hapro chuẩn bị hàng hóa tăng 10% so với Tết Nhâm Thìn với các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, thủy, hải sản, bánh kẹo, đồ uống, quà tặng, đồ gia dụng...
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đỗ Vĩnh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: “Các siêu thị điều tích trữ hàng từ trong năm với giá cả hợp lý nên không thể tăng giá ồ ạt.
Ngoài ra do tình hình kinh tế khó khăn, sức mua trong năm tại siêu thị giảm nhiều nên cuối năm là dịp siêu thị tung ra hàng loạt các mặt hàng giảm giá phục phụ tết để thu hút khách hàng. Đây là dịp cuối cùng để siêu thị kéo khách hàng tới mua sắm để tăng doanh thu cuối cùng trong năm”.