Những ngân hàng ‘gặt hái’ nhiều nhất năm 2012

Những ngân hàng ‘gặt hái’ nhiều nhất năm 2012
Năm 2012, đã có những lúc toàn hệ thống ngân hàng rơi vào "khủng hoảng". Khó khăn là thế, nhưng vẫn có nhiều ngân hàng “gặt hái” được không ít thành công trong năm nay.
Những ngân hàng ‘gặt hái’ nhiều nhất năm 2012 ảnh 1

Hệ thống ngân hàng trong năm 2012 đã để lại dấu ấn khá đặc biệt, từ vấn đề nợ xấu, dính án với pháp luật, cho tới những bứt phá vượt khó khăn để có doanh thu cao. Dưới đây là những ngân hàng nằm trong top những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, đã ít nhiều "gặt hái" được thành công trong năm 2012.

Sacombank “thay máu” vẫn trụ hạng

Trong năm 2012, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – STB) đã có sự xáo trộn lớn về cơ cấu nhân sự. Chỉ sau đại hội đồng cổ đông (26-5-2012) vài ngày, cơ cấu nhân sự của Hội đồng quản trị Sacombank đã thay đổi hoàn toàn. Phần lớn các thành viên chủ chốt mới đều đến từ Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) và Eximbank. Duy chỉ có chủ tịch HĐQT Đặng Văn Thành và con trai ông là Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch HĐQT còn ở lại với Sacombank.

Ngoài ra, ông Phan Huy Khang (từng là Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Nam) chính thức lên làm Tổng giám đốc (từ ngày 3-7), sau khi làm Quyền Tổng giám đốc từ ngày 1-6 thay thế ông Trần Xuân Huy. Ông Khang cũng là người đại diện theo pháp luật của Sacombank , được ủy quyền thay mặt ngân hàng thực hiện các giao dịch vì lợi ích của ngân hàng, với đối tác, khách hàng và với cơ quan Nhà nước - thay cho ông Đặng Văn Thành, chủ tịch HĐQT.

Sự biến động lớn về mặt nhân sự cũng đã ảnh hưởng tới phần đại diện vốn đầu tư tại Sacombank. Rất nhiều nhà đầu tư lớn đã rút vốn khỏi Sacombank, như Thành Thành Công, Australia & NewZealand Banking, Bourbon Tây Ninh, Dragon Capital, …vv.

Dù vẫn gặp khó khăn nhưng trong năm 2012, Sacombank vẫn trụ hạng là một trong những ngân hàng lớn, có doanh thu cao.

Trên bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam do Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam thực hiện và công bố, Sacombank đứng ở vị trí thứ 6.

Ngoài ra, Sacombank vẫn được bình chọn là ngân hàng có dịch vụ ngoại hối tốt nhất Việt Nam 2012, do Global Finane trao tặng; Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam trong năm nay, do The Asian banker bình chọn.

Về hoạt động kinh doanh, năm 2012 Sacombank dự kiến đạt 2.876 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 4% so với năm 2011 (theo dự báo của công ty chứng khoán Vietcombank - VCBS).

Trong 10 tháng đầu năm, ngân hàng đã đạt 2.259 tỷ đồng LNTT, tương đương 66% kế hoạch năm. Tỷ lệ nợ xấu ở mức rất thấp là 1,26%, so với tỷ lệ 8,82% của toàn hệ thống.Tiền gửi của khách hàng vào Sacombank đạt 121.528 tỷ đồng, tăng17% so với đầu năm (trong đó bằng VND tăng 27%).

ACB vẫn được bình chọn

Có thể nói, năm 2012 là năm quá "đen đủi" đối với ACB nói riêng và cả hệ thống ngân hàng nói chung.

Từ một vụ lừa đảo hàng nghìn tỷ của một cán bộ ngân hàng thuộc Vietinbank, sự việc tưởng chả có gì liên quan tới ACB, thế nhưng thật bất ngờ khi cơ quan điều tra “sờ gáy” bắt một loạt lãnh đạo cấp cao của ACB.

Những kiểu làm ăn mờ ám đã bị cơ quan điều tra bóc tách, điều trần. Từ đây, sóng gió nổi lên khiến ACB lao đao. Trong quý 3-2012, ACB đã báo lỗ với con số ảm đạm nhất từ trước đến nay (âm hơn 600 tỷ đồng).

Tuy vậy, dù đang gặp khó khăn nhưng trong năm 2012, ACB vẫn được tín nhiệm là ngân hàng tốt nhất Việt Nam 2012, do tạp chí Euromoney trao tặng.

Ngay trên trang Web của ACB, lãnh đạo ngân hàng này vẫn quyết giữ vững vị thế là ngân hàng mạnh hàng đầu.

Đặc biệt, cũng trong năm 2012, ACB cũng lọt top 10, đứng thứ 2 trong số 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Techcombank

Trong bảng xếp hạng VNR500 dành cho khối doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2012, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đứng ở vị trí thứ 5.

Đó có thể gọi là cái được trong năm nay của Techcombank. Bởi tính đến quý 3-2012, Techcombank chưa có kết quả kinh doanh khả quan. Một số lĩnh vực như ngoại hối, chứng khoán, Techcombank còn bị lỗ nặng; lĩnh vực dịch vụ và hoạt động kinh doanh khác đề giảm mạnh lần lượt là 45% và 96%. Điều này khiến, Techcombank trở thành ngân hàng đầu tiên công bố không thưởng Tết.

Thay đổi nhân sự trong HĐQT Techcombank cũng gây ít nhiều xáo trộn. Khá nhiều lãnh đạo cấp cao của Techcombank đã nói lời tạm biệt trong năm 2012. Trong đó phải kể đến lời chia tay của ông Nguyễn Đức Vinh, nguyên TGĐ, Phó chủ tịch HĐQT Techcombank; Người đại diện vốn của Vietnam Airlines tại Techcombank và ông Madhur Maini, thành viên HĐQT Techcombank đồng thời là tổng giám đốc Tập đoàn Masan;…

Khó khăn là vậy, nhưng trong năm nay, Techcombank đã kịp “gặt hái” được khá nhiều giải thưởng khác như Ngân hàng thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại tốt nhất Việt Nam; Ngân hàng tốt nhất năm 2012 của Việt Nam; Ngân hàng quản lý tiền tệ tốt nhất năm 2012 tại Việt Nam, do Tạp chí Finance Asia bình chọn.

Cùng giải “Ngân hàng tốt nhất năm 2012 của Việt Nam”, Techcombank còn được một tạp chí khác bình chọn (Tạp chí Alpha Southeast Asia).

Không dừng lại, theo Techcombank, trong năm, ngân hàng này còn “ẵm” thêm giải “Ngân hàng bán lẻ của năm”, “Ngân hàng tài trợ thương mại tốt nhất năm 2012 tại Việt Nam”, “Ngân hàng quản lý tiền tệ tốt nhất năm 2012”, do Asian Banking and Finance bình chọn.

Ngoài ra, Techcombank còn được một số tổ chức khác trao tăng một số giải thưởng khác trong năm 2012.

Eximbank

Trong năm 2012, câu chuyện lùm xùm với nghi án ngân hàng Eximbank "thâu tóm" ngân hàng lớn Sacombank là một trong những vụ gây sốc trên thị trường tài chính.

Dựa vào thế là cổ đông lớn lại được nhóm cổ đông có trên 50% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết ủy quyền, Eximbank có văn bản đề nghị bầu lại toàn bộ Hội đồng Quản trị, Ban kiểm soát của Sacombank hồi tháng 2-2012.

Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng Eximbank vẫn đạt được mục đích khi trong HĐQT của Sacombank đã có người của Eximbank.

Cũng trong năm 2012, HĐQT của Eximbank bị “lung lay” không kém gì Sacombank khi có sự thay đổi lãnh đạo, đặc biệt là việc từ nhiệm của Phó chủ tịch HĐQT Eximbank Phạm Trung Cang.

Ngoại trừ các hoạt động góp vốn, mua cổ phần đã mang lại lợi nhuận cho Eximbank so với quý 3-2011, còn lại, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3-2012 của Eximbank, thu nhập lãi thuần lại giảm 20% xuống 1.156 tỷ đồng và lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ giảm 40% xuống 56 tỷ đồng.

Chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đều tăng so với cùng kỳ, lãi trước thuế của Eximbank còn 561 tỷ đồng và lãi sau thuế còn 414 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy khó khăn, nhưng trong năm 2012 Eximbank cũng gặt hái được không ít giải thưởng, danh tiếng vẫn lừng lẫy trên thị trường.

Trong bảng xếp hạng VNR500 - 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, Eximbank xếp ở vị trí thứ 7, sau Sacombank (thứ 6), Techcombank (đứng thứ 5) và ACB (đứng thứ 2).

Hồi tháng 8-2012, Eximbank đã được tạp chí Asia Money trao giải thưởng “Ngân hàng nội địa tốt nhất Việt Nam 2012".

Giải thưởng này dựa trên nghiên cứu chuyên sâu với các chuyên gia thị trường như các nhà phân tích, các nhà quản lý quỹ. Tiêu chí để bình chọn được đánh giá từ tốc độ tăng trưởng, các sáng kiến kinh doanh mới, tỷ lệ sinh lợi cũng như việc phát triển mạng lưới giao dịch.

Trước đó, tháng 7-2012, Eximbank được tạp chí The Banker chọn vào Bảng xếp hạng 1000 ngân hàng hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, Eximbank cũng nhận được một số giải thưởng trong nước khác như: Thương hiệu mạnh Việt Nam; 50 doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam…

Maritime Bank vượt ngoạn mục

Cũng nằm trong top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (đứng vị trí thứ 10), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) nổi lên khá bất ngờ.

Trong năm 2012, Maritime Bank cũng là một trong những ngân hàng nhận được nhiều bình chọn.

Mới đây nhất, Maritime Bank đã được nhận giải thưởng “Ngân hàng tiêu biểu tại Việt Nam-Vietnam Outstanding Banking Awards 2012", do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG dưới sự bảo trợ của Hiệp Hội Ngân Hàng Việt Nam, Bộ thông tin và truyền thông Việt Nam, Bộ công an và Uỷ ban Nhân dân TP. HCM trao tặng.

Giải thưởng Ngân hàng tiêu biểu tại Việt Nam 2012 nhằm mục đích tìm kiếm và tôn vinh những ngân hàng đã có hoạt động xuất sắc và đóng góp tiêu biểu cho sự phát triển ngân hàng nói riêng và lĩnh vực tài chính nói chung.

Maritime bank cũng là một trong ba ngân hàng lớn được trao giải thưởng “100 Thương hiệu Việt bền vững năm 2012”. Đây là giải thưởng do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Hồi tháng 3-2012, Maritime Bank cũng được chọn vào danh sách top 3 ứng viên của Giải thưởng chiến dịch Marketing ra mắt thẻ tốt nhất. MasterCard Hall of Fame Awards là giải thưởng được tổ chức hàng năm để đánh giá những hoạt động Marketing cho thẻ MasterCard tốt nhất và ghi nhận thành tích của Ngân hàng phát hành thẻ và các đối tác bán lẻ trong khu vực Đông Nam Á.

Theo VnMedia

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.