> Lộ nhiều thương hiệu vàng gian tuổi?
> Vàng bị gian lận cả tuổi và trọng lượng
Ảnh minh họa. |
Đi kèm với việc cho phép “tái xuất, tạm nhập” vàng miếng phi SJC, NHNN sẽ làm việc với Bộ Tài chính để xin miễn thuế xuất khẩu (10%) vàng phi SJC cho các doanh nghiệp.
Nếu chính sách trên được hiện thực hóa bằng quyết định của NHNN. Điều gì sẽ xảy ra? Có hay không e ngại các doanh nghiệp và ngân hàng đang nắm giữ các loại vàng miếng như: vàng Rồng Thăng Long, AAA... bất ngờ có chênh lệch tiền tỷ?
Bởi giá vàng phi SJC như vàng Rồng Thăng Long, AAA hiện đều có giá bán thấp hơn giá của SJC từ hai đến trên ba triệu đồng mỗi lượng. Nay được “tạm xuất, tái nhập” không mất thuế, chỉ mất thêm chút chi phí vận chuyển và 50.000 đồng phí gia công.
Sở dĩ phải cho “tạm xuất, tái nhập” vàng phi SJC, vì tiến độ chuyển đổi vàng của Cty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chậm. Theo NHNN, hiện số lượng vàng chưa gia công theo đăng ký khoảng 12,29 tấn, trong khi mỗi ngày Cty SJC chỉ gia công được khoảng 60kg.
Để chuyển đổi hết số vàng trên, cần khoảng 7 tháng nữa. Nguyên nhân khiến việc gia công vàng bị chậm, do nhiều thương hiệu vàng miếng thiếu tuổi so với đăng ký.
Trả lời Tiền Phong, đại diện Cty SJC cho biết, có những loại vàng miếng tỷ lệ vàng thiếu tuổi tới vài chục phần trăm. Nếu được “tạm xuất, tái nhập” quy trình sẽ thế nào?
Một đại diện NHNN Chi nhánh TPHCM cho hay, trên thực tế đây chính là mang đi nước ngoài để phân kim và kiểm định luôn tại đó. Nếu vàng đủ tuổi, sẽ chỉ chịu một phí gia công, còn như không đạt chuẩn các doanh nghiệp tạm xuất sau đó tái nhập sẽ phải tự chịu phần bù.
Điều đáng nói cho đến lúc này, từ khi Cty SJC được NHNN giao nhiệm vụ gia công lại vàng phi SJC và phát hiện vàng gian tuổi (Tiền Phong từng có nhiều bài viết), chưa thấy cơ quan quản lý nhà nước nào xử lý.
Bản thân những công ty sở hữu thương hiệu vàng bị SJC phát hiện gian tuổi như Bảo Tín Minh Châu, Tổng Cty kinh doanh vàng Agribank, cũng không hề đứng ra nhận trách nhiệm...
Trong một tài liệu gửi báo NHNN viện dẫn Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, cho rằng doanh nghiệp sản xuất vàng miếng tự công bố và tự chịu trách nhiệm về chất lượng vàng miếng.
Còn khi xảy ra tranh chấp về chất lượng vàng miếng, thì người tiêu dùng chỉ có thể khiếu nại hoặc khởi kiện đòi bồi thường. Như vậy, hóa ra câu chuyện “trắng đen” về tuổi vàng đã rơi vào quên lãng?