Tập đoàn nhà nước Lỗ nặng, lương cao: Khập khiễng nhân sự, cơ chế

Tập đoàn nhà nước Lỗ nặng, lương cao: Khập khiễng nhân sự, cơ chế
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC), phân tích: Thật ra mức lương ấy chưa phải là cao. Tại sao?

Tập đoàn nhà nước Lỗ nặng, lương cao: Khập khiễng nhân sự, cơ chế

> Kiểm toán Nhà nước được 'sờ' mọi nơi dùng tiền quốc gia

> Hé lộ người nhận lương 'khủng' nhất Việt Nam

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC), phân tích: Thật ra mức lương ấy chưa phải là cao. Tại sao?

Tập đoàn nhà nước Lỗ nặng, lương cao: Khập khiễng nhân sự, cơ chế ảnh 1

Ông Phạm Phú Ngọc Trai (ảnh) mở đầu: “Tình hình kinh tế khó khăn, tập đoàn lỗ mà các cán bộ quản lý vẫn có mức lương khiến người dân phải suy nghĩ. Tuy vậy, chúng ta không nên chỉ nhìn thấy cái tiểu tiết - mức lương - mà cần nhìn sâu xa hơn là năng lực của nguồn lực quản lý tài sản công”.

Tiền nào của đó?

Quan điểm của ông về chuyện “điều hành lỗ, lương cao” như thế nào?

+ Ông Phạm Phú Ngọc Trai: Tôi được biết qua báo chí, kiểm toán nhà nước công bố lương bình quân năm 2011 của Chủ tịch HĐQT Petrolimex là 58 triệu đồng, ủy viên HĐQT 42 triệu đồng, phó tổng giám đốc 40 triệu đồng… Tôi có thể hiểu vì sao dư luận lại bức xúc như vậy.

Tuy nhiên, mức lương như trên là rất nhỏ so với tầm cỡ của tập đoàn, thậm chí là quá ít. Nó không đúng với giá thị trường. Những người đứng đầu đó đang quản lý cả một khối tài sản rất lớn của cả nước, doanh số lớn.

Tôi xin nói rõ, bức xúc mà dư luận đặt ra là do mức thu nhập đó cao so với bình diện chung của quốc doanh. Nếu chỉ đặt ở khía cạnh lương cao thì không là gì so với doanh nghiệp (DN) tư nhân. Một DN tư nhân có doanh số một năm vài ngàn tỉ đồng thì lương giám đốc cũng trên 40 triệu đồng, có khi còn cao hơn gấp mấy lần. Hiện có rất nhiều DN tư nhân sẵn sàng trả lương cao nếu người được thuê có thể đem về lợi nhuận tốt cho DN.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai
Ông Phạm Phú Ngọc Trai.
 

Ý ông là lương thấp nên khó đòi hỏi hiệu quả điều hành cao?

+ Tất cả đều có luật bù trừ. Với một cơ ngơi như vậy mà mức lương chỉ có nhiêu đó thì làm sao họ gánh vác hết những công việc tầm cỡ lớn. Tôi có quá chủ quan không khi nói với mức lương như vậy thì “tiền nào của đó”, lương như vậy thì điều hành như vậy? Khi giúp tập đoàn lãi hàng ngàn tỉ đồng, liệu họ có được thưởng như các DN nước ngoài thưởng không?

Tôi cũng băn khoăn liệu rằng có kẽ hở hay tiêu cực nào chăng? Lương thấp vậy, tại sao họ chấp nhận? Người có năng lực sẽ không chấp nhận mức lương như vậy đâu. Khi có năng lực và chấp nhận làm ở chỗ đó thì họ muốn có quy chế thưởng rõ ràng nếu làm việc hiệu quả.

Vấn đề ở các tập đoàn nhà nước đang cho thấy một điều: Bắt đầu từ khâu nhân sự đã có gì đó khập khiễng, không có cơ chế thị trường. Không hẳn cứ người làm quản lý nhà nước tốt thì sẽ quản lý DN tốt. Tại sao một tập đoàn lớn như vậy lại không thuê người nước ngoài về làm và chấp nhận trả lương cao?

Vậy đối với các DN ngoài quốc doanh, khi lỗ thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm như thế nào, thưa ông?

+ Lỗ thì HĐQT có thể thay giám đốc và thuê ngay người khác vào vị trí đó. Đổi lại, giám đốc sẽ có lương, thưởng cao khi làm việc tốt. Trong các DN tư nhân, ngay từ vấn đề nhân sự đã rất rạch ròi và có biện pháp chế tài nhất định, ngoài các quy định của pháp luật.

Tôi đặt lại vấn đề đối với các DNNN, liệu HĐQT của các DN này có thể đuổi việc tổng giám đốc không? Quốc hội mới đây có báo cáo về mức lỗ của Tập đoàn Sông Đà, tuy con số chưa chính thức và phải xem lại nhưng lỗ trên 10.000 tỉ đồng đâu phải là nhỏ. DN lỗ, Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm trên cương vị quản lý, phần mất mát người dân phải gánh chịu. Hợp lý không? Trong đầu tư công rất cần sự thận trọng. Đầu tư công hiện nay không hiệu quả và thất thoát nhiều quá!

Đặt DNNN về đúng thị trường

Ngoài chuyện nhân sự, năng lực điều hành như ông nói, còn vấn đề gì nữa ảnh hưởng đến hoạt động của DNNN?

+ Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng chừng nào DNNN còn chịu sự điều chỉnh của Nhà nước thì họ còn những khó khăn. Đã là DN thì phải để họ quyết định giá mua, giá bán. Theo dõi báo cáo tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi mới thấy trong một năm giá xăng dầu lên xuống cả chục lần nhưng các lần điều chỉnh không phải xuất phát từ DN mà là từ chỉ đạo của Chính phủ. Theo tôi, đã theo nền kinh tế thị trường thì phải đặt DN về đúng thị trường. Nhà nước chỉ xem xét giá mua, chi phí của DN có hợp lý trước khi đưa ra giá bán hay không. Lưu ý, việc kiểm tra chi phí của DN phải do kiểm toán vào cuộc rồi công khai trước người dân.

Trường hợp giá xăng, nếu phải giữ giá xăng để đảm bảo sản xuất kinh doanh thì Nhà nước cũng nên rõ ràng và trích ngân sách hỗ trợ. Còn nếu giao cho DN mà sợ độc quyền thì phải xem lại họ độc quyền như thế nào. Vấn đề là củng cố năng lực quản lý chứ không thể cứ thấy khó rồi cấm là không đúng!

 Vậy theo ông, làm thế nào để đặt DNNN về đúng nền kinh tế thị trường?

+ Để trả DNNN về thị trường thực sự thì chưa có lộ trình rõ ràng, nhất là những ngành Nhà nước còn bảo hộ. Đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc Nhà nước còn hỗ trợ là đúng nhưng cứ bảo hộ mãi mà không có lộ trình cụ thể thì khó lắm.

Lúc này, phải cổ phần hóa, tư nhân hóa mới đẩy nhanh nền kinh tế theo hướng thị trường được. Chúng ta có năm thành phần kinh tế. Tôi đặt câu hỏi: Hay là nền kinh tế thị trường chỉ đưa ra đối với những thành phần kinh tế khác như tư nhân, còn DNNN là ngoại lệ?

Ngay cả đối với lộ trình hội nhập AFTA, WTO và tới đây là ASEAN+1, những DN chuẩn bị tốt đa số thuộc thành phần kinh tế tư nhân vì họ đã chết - sống với nó rồi, phải làm mọi cách để tồn tại. Các DNNN thế chủ động ít hơn nên sẽ có rủi ro, thậm chí có thể bị triệt tiêu dễ dàng. Vậy nên chỉ có cổ phần hóa các DNNN mới chủ động hơn và không còn ỷ lại vào Nhà nước nữa.

Xin cảm ơn ông.

Theo Mai Phương
Phapluattp

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
TP - Mùa giáng sinh rộn ràng khắp phố phường với những cây thông được trang hoàng rực rỡ, tuy nhìn vào “thực đơn” món ăn tinh thần vẫn loanh quanh những sản phẩm nhuốm màu năm tháng. Từ phim ảnh đến âm nhạc đều mang màu sắc hoài niệm.