CEO cũ Habubank bị điều đi đòi nợ cho SHB

CEO cũ Habubank bị điều đi đòi nợ cho SHB
Chưa đầy 3 tháng thử thách vị trí Phó tổng giám đốc ngân hàng SHB sau sáp nhập, bà Bùi Thị Mai - nguyên tổng giám đốc Habubank - bị giáng chức và thuyên chuyển sang bộ phận thu hồi nợ.
Nguyên Tổng giám đốc Habubank Bùi Thị Mai (trái)
Nguyên Tổng giám đốc Habubank Bùi Thị Mai (trái) .

Lãnh đạo Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Hà Nội (SHB) cho biết quyết định giáng chức xuống bộ phận thu hồi công nợ đối với bà Bùi Thị Mai có hiệu lực từ 1-11. Trước đó, trong tháng 9, SHB vừa bổ nhiệm thử thách bà Bùi Thị Mai - nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà ở Hà Nội (Habubank) - vào vị trí phó tổng giám đốc trong thời hạn 6 tháng.

Giải thích về trường hợp này, đại diện của SHB cho biết, việc điều chuyển bà Mai đúng với quy chế và quy định tại ngân hàng. "Đối với những cán bộ liên quan đến nợ quá hạn, nợ khó đòi lâu ngày thì phải chuyển qua phòng thu hồi nợ để xử lý khoản nợ đó. Hơn nữa, sau khi sáp nhập, ban điều hành cũ cũng phải có trách nhiệm phối hợp với ban điều hành mới để cùng tiến hành thu hồi những khoản nợ cũ, khó đòi", vị lãnh đạo của SHB giải thích.

Tên tuổi bà Mai gắn với quá trình phát triển Habubank, thương hiệu ngân hàng cổ phần đầu tiên của Hà Nội. Sinh năm 1962, sau hơn 10 năm công tác tại Bộ Tài chính và Viện Khoa học Việt Nam, bà gia nhập Habubank năm 1995, chỉ 3 năm sau khi ngân hàng này nhận giấy phép thành lập.

Đây cũng là năm đánh dấu bước ngoặt trong chiến lược kinh doanh của Habubank, từ chỗ chuyên doanh (hỗ trợ, phát triển nhà) mở rộng sang phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng cá nhân và tổ chức tài chính.

Từ quy mô ban đầu với 5 tỷ đồng vốn điều lệ và 7 tỷ đồng tổng tài sản, trước khi bị sáp nhập vào SHB, Habubank có vốn 4.000 tỷ đồng và tổng tài sản gần 50.000 tỷ. Bà Mai chính thức được bổ nhiệm Tổng giám đốc năm 2002 và Phó chủ tịch HĐQT Habubank năm 2008.

Là một ngân hàng có tiếng về quản trị và văn hóa doanh nghiệp, nhưng Habubank đã gần như gục ngã khi vấp phải khách hàng Vinashin. Tổng dư nợ dành cho Vinashin lên đến 3.000 tỷ đồng, không phát sinh lợi nhuận, khiến ngân hàng phải chịu chi phí lãi khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm. Nguyên chủ tịch Habubank - Nguyễn Văn Bảng thừa nhận, đây là số nợ gần như mất vốn.

Tỷ lệ nợ xấu của Habubank trước sáp nhập là 23,66% (tương đương 3.729 tỷ đồng). Sau hơn 2 tháng sau sáp nhập, SHB mới đã thu hồi được hơn 1.000 tỷ đồng nợ cũ.

Kể từ khi nhận quyết định bãi nhiệm và điều chuyển đến nay, bà Mai không đưa ra bất cứ bình luận nào. Những người thân cận vẫn thấy bà tới nhiệm sở, tập trung cho công việc hằng ngày của mình. Một nguồn tin cho hay, phần lớn ban điều hành cũ của Habubank đều nhận quyết định tương tự.

Ngày 7-8, Ngân hàng Nhà nước chính thức ký quyết định hoàn tất thương vụ sáp nhập Habubank vào Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) sau 7 tháng tiến hành và xây dựng đề án.

Ngay tại buổi họp báo công bố thương vụ sáp nhập, Chủ tịch Ngân hàng SHB Đỗ Quảng Hiển đã khẳng định Hội đồng quản trị ngân hàng SHB mới tạm thời sẽ được giữ nguyên. Khi đó, ông Hiển nêu rõ: “Vì đây là Habubank sáp nhập vào SHB nên HĐQT của SHB vẫn giữ nguyên. Nếu các thành viên trong HĐQT Habubank có nguyện vọng tham gia vào HĐQT thì sẽ xin ý kiến cổ đông và bầu bổ sung sau”.

Như vậy, HĐQT của SHB vẫn gồm 7 người cũ của SHB – không có Chủ tịch HĐQT Habubank hay tổng giám đốc cũ của ngân hàng này.

Theo Vnexpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Khám phá vùng đất thị trấn mới thành lập ở Huế
Khám phá vùng đất thị trấn mới thành lập ở Huế
TPO - Xã Lộc Sơn sắp trở thành thị trấn thứ tư của huyện Phú Lộc, sau khi tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế) trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng với hệ thống giao thông đa dạng kết nối quốc lộ 1, cao tốc La Sơn - Túy Loan, tỉnh lộ 14B, đường sắt Bắc - Nam, hạ tầng đô thị ngày càng phát triển…, nơi đây còn là vùng đất tập trung nhiều nhà máy, công trình sản xuất công nghiệp đa ngành nằm bên những cánh rừng xanh thẳm.