> Nhân viên ngân hàng: 'Sóng ngầm' mất việc, giảm lương
Theo TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, xử lý nợ xấu vẫn là mấu chốt khiến tín dụng tăng thấp (10 tháng chỉ tăng khoảng 2,77%- PV). Vì tín dụng ngân hàng ảnh hưởng tới 82% khu vực doanh nghiệp Việt Nam và tới 30% đầu tư công từ ngân sách của Chính phủ, trong đó, nợ xấu xây dựng cơ bản lên tới 90.000 tỷ đồng.
“Nợ xấu là lỗi của ngân hàng, là hệ lụy của nền kinh tế. Nhưng đáng nói, chúng ta đang tìm cách đẩy lỗi cho người khác, không ai nhận lỗi về mình. Doanh nghiệp đẩy cho ngân hàng và ngược lại. Tại sao không tiếp nhận đây là vấn đề chung phải làm vì một mình ngân hàng không thể xử lý được nợ xấu” - Ông Ánh nói.
Theo ông Ánh, dù nợ công giảm 1,9% so với năm 2011, còn 55,4%, nhưng quy mô nợ công rất lớn, cỡ 60 tỷ USD. Chưa kể, nợ “dây chuyền” của chính quyền địa phương (chưa tính vào nợ Chính phủ) nợ doanh nghiệp lên tới 91.000 tỷ đồng.
Đây là khoản nợ do địa phương đầu tư dự án, nhưng thiếu vốn nên cho doanh nghiệp vay ngân hàng làm trước.
“Khoản nợ xấu của các DNNN rất lớn (phần lớn không có tài sản bảo đảm) chiếm tới 40% tổng nợ xấu của nền kinh tế, nợ xấu bất động sản chiếm khoảng 20-30%, nợ xấu trong xây dựng cơ bản của chính quyền địa phương… Những khoản nợ xấu này là trách nhiệm của nhà nước. Nếu nhà nước không ra tay xử lý thì không thể giải quyết được”- TS Lê Xuân Nghĩa cho biết.
Trước tình hình trì trệ của nền kinh tế, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, chuyên gia ngân hàng cho rằng: “Phải kiểm soát chặt chẽ dòng vốn ra - vào ngân hàng và phải nắn dòng vốn chảy đúng vào khu vực có hiệu quả. Đồng thời, xử lý bất ổn trong hệ thống ngân hàng”.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, lạm phát lõi hằng tháng thấp nhất là 0,18%, nhưng đã bất ngờ leo lên mức 1% trong vài tháng gần đây cho thấy nguy cơ lạm phát cao có thể quay lại. Vì thế NHNN nên kiên trì mục tiêu chống lạm phát năm nay và cả năm sau.