Phát hiện 300 lượng vàng nhái SJC

Phát hiện 300 lượng vàng nhái SJC
TP - Từ đầu tháng 10-2012, để tránh hiện tượng mua bán vàng nhái, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (Cty SJC) cho phép dập lại bao bì mới vàng miếng SJC. Hôm qua, dân xếp hàng tại cửa hàng SJC miền Bắc chờ dập lại bao bì, nhiều người té ngửa khi bị phát hiện vàng của mình chỉ là vàng nhái SJC. Đáng lưu ý, vàng nhái SJC từ phía ngân hàng cũng không ít.

> Bộ Công an đang điều tra vàng nhái SJC

Mua 30 lượng, phát hiện 28 lượng vàng nhái

Chiều qua, khi biết trong 30 cây vàng mang tên SJC của mình, có tới 28 cây là vàng nhái thương hiệu SJC, anh N. (Ba Đình, Hà Nội) ngồi chờ tại phòng tư vấn của Cty SJC miền Bắc (Giang Văn Minh, Hà Nội) với tâm trạng lo lắng.

Anh N. cho biết: “Cách đây 4 tháng, tôi mua tại một cửa hàng người quen, không giấy tờ, giá 44 triệu đồng/lượng. Mấy hôm trước đem đến trụ sở của SJC tại Hà Nội để dập bao bì mới thì Cty thông báo đến 28 lượng là vàng nhái”.

Anh N. đến Cty SJC miền Bắc để nghe tư vấn. Hiện số vàng của anh N. đã bị SJC miền Bắc cắt đôi và chưa trả lại.

“Tôi chỉ mong bán 28 lượng vàng bằng giá vàng nguyên liệu cũng được. Tôi quá tin người nên giờ phải chịu. Bây giờ dù bị thiệt hại đến 3 triệu/lượng tôi cũng chấp nhận miễn sao mọi chuyện được giải quyết nhanh chóng”, anh N. nói.

Anh K. (Hà Đông, Hà Nội) gần như suy sụp khi mang 10 cây vàng bán, lấy tiền xây nhà cưới vợ thì có đến 3 cây được SJC miền Bắc phát hiện là vàng nhái.

“Bây giờ tôi như ngồi trên đống lửa, 3 cây vàng với những người có tiền chỉ là con số nhỏ, nhưng với tôi đó là món tiền cưới vợ, làm nhà mà tôi tích cóp cả 10 năm mới có được. Hiện 3 cây vàng đó đã bị chuyển sang cơ quan Công an, nếu như không được giải quyết sớm thì chắc năm nay tôi không có tiền cưới vợ”, anh K. chia sẻ.

Bà Lê Thúy Hằng - Giám đốc Cty SJC miền Bắc cho biết: “Từ đầu tháng 10 khi Cty cho phép dập lại bao bì mới thì trung bình một ngày dập được từ 1.800 – 2.000 bao bì mới (mỗi bao bì một lượng).

Tính từ tháng 7 đến nay, chi nhánh miền Bắc phát hiện khoảng 300 lượng vàng nhái SJC khi kiểm tra, dập bao bì lại. Điều này khiến tâm lý của khách hàng hoang mang, lo lắng”.

Đến cuối giờ chiều qua, lượng khách hàng chờ xếp hàng tại SJC miền Bắc trên phố Giang Văn Minh để dập lại bao bì mới vẫn đông nghẹt người.

Một khách hàng chờ dập 10 bao bì mới cho 10 lượng vàng cho biết: “Tôi mang vàng SJC đi bán tại nhiều cửa hàng bên ngoài nhưng họ từ chối mua, nếu như không có bao bì mới óng ánh, nên tôi đi dập lại bao bì mới để tiện mua bán. Mỗi lượng dập mất 30.000 đồng nên không ảnh hưởng gì về giá cả mỗi lượng vàng khi tôi có nhu cầu bán ra”.

Ngân hàng nhiều vàng nhái SJC nhất

Theo bà Lê Thuý Hằng, trong số 300 lượng vàng SJC nhái mà đơn vị này phát hiện thì đa số đến từ các ngân hàng.

“Các ngân hàng chưa có nghiệp vụ kiểm định vàng nên khi người dân gửi vàng vào rồi rút vàng ra, đã đẩy ra thị trường một lượng vàng nhái nhiều nhất. Nhiều người có thâm niên trong kinh doanh vàng cũng khó phân biệt được vàng nhái SJC, nếu không có máy móc kiểm định chuyên biệt như SJC”, bà Hằng cho hay.

Hiện, về mặt nghiệp vụ, tại cửa hàng SJC miền Bắc khi phát hiện ra vàng nhái sẽ xác nhận số vàng nhái cho khách hàng. Sau đó, Cty sẽ cắt đôi miếng vàng đó của khách ra rồi mới trả lại cho khách.

“Chúng tôi không có quyền thu giữ số vàng đó của khách. Nếu số vàng đó quá lớn hoặc chúng tôi nghi ngờ khách hàng, thì sẽ chuyển qua Công an điều tra làm rõ”, bà Hằng nhấn mạnh.

Việc kiểm định vàng nhái SJC khá phức tạp, do số lượng phát hiện ngày càng lớn, và muốn kiểm định chất lượng phải cho nhân viên mang vàng vào Cty SJC tại TPHCM.

Mỗi nhân viên chỉ được mang 600 lượng. Nếu số lượng vàng nhái phát hiện nhiều hơn nữa, sẽ gây hoang mang cho khách hàng. “Để tránh phiền phức và thiệt hại khi mua vàng, người dân nên đến cửa hàng của chính SJC để mua, vì chỉ những cửa hàng này mới có máy kiểm định phát hiện vàng nhái”, bà Hằng nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.