Hàng trăm tỷ đồng ngân sách bị 'chôn' ở đâu?

Hàng trăm tỷ đồng ngân sách bị 'chôn' ở đâu?
TP - Trong khi nhiều dự án, công trình dân sinh buộc phải tạm dừng do không bố trí được nguồn vốn thì đại dự án thủy lợi đầu tư gần 7.000 tỷ đồng được ưu tiên sử dụng tiền từ ngân sách nhằm cải tạo khôi phục sông Tích lại thi công với tốc độ rùa chưa biết ngày hoàn thành. Nhiều câu hỏi đặt ra về số tiền hàng tỷ đồng bỏ ra và tính hiệu quả dự án này.

> Đại dự án 7.000 tỷ tốc độ rùa

Ì ạch dự án 7.000 tỷ đồng
Ì ạch dự án 7.000 tỷ đồng.

Tiền Phong ngày 18-9-2012 có bài: “Đại dự án thủy lợi 7.000 tỷ đồng tốc độ rùa”, phản ánh về dự án cải tạo sông Tích (Hà Nội), có tổng vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau gần hai năm khởi công, dự án đại thủy lợi này đang thi công với tiến độ rùa, trong khi việc quản lý số tiền tạm ứng từ ngân sách hàng trăm tỷ đồng đang bị thả nổi.

Qua tìm hiểu cho thấy, ngay sau khi được chỉ định thầu, đơn vị thi công là Cty CP Xây dựng và Du lịch Bình Minh (gọi tắt là Cty Bình Minh) được Ban quản lý dự án sông Tích (Sở NNPT-NT), tạm ứng vốn xây lắp.

Cụ thể, lần thứ nhất, với gói thầu 12A trị giá hơn 90 tỷ đồng, đơn vị này được tạm ứng 45 tỷ đồng. Tiếp đến, ngày 6-12-2011, hai bên tiếp tục ký gói thầu 12B trị giá hơn 2.100 tỷ đồng và ngày 16-12-2011, kho bạc Nhà nước Tây Hồ tiếp tục chuyển 173 tỷ đồng tiền tạm ứng gói thầu này cho Ban quản lý dự án sông Tích để chuyển sang cho nhà thầu.

Như vậy, tổng số tiền mà Cty Bình Minh được tạm ứng trong năm 2011 là 218 tỷ đồng. Trong khi đó, theo Ban quản lý dự án sông Tích, khối lượng công việc mà nhà thầu này thực hiện được đến nay mới đạt 12 tỷ đồng (gồm 7 tỷ đồng của gói thầu 12A và 5 tỷ đồng của gói thầu 12B).

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Đắc Thỏa, Phó giám đốc Ban quản lý dự án sông Tích cho biết: “Theo ghi nhận hai bên, khối lượng nhà thầu thực hiện được là 12 tỷ đồng trong phần tạm ứng. Ngoài ra theo phía Cty CP Bình Minh thì họ đã mua máy móc thiết bị phục vụ cho dự án. Do nhà thầu chưa có hồ sơ thanh quyết toán nên không thể tính toán hết được số tiền tạm ứng đã sử dụng”.

Điều đáng nói, số tiền tạm ứng còn lại hơn 200 tỷ đồng vẫn chưa được thu hồi, dù đã quá thời hạn phải thu hồi (theo quy định sau 6 tháng phải thu hồi-PV).

“Cả 2 lần tạm ứng vốn cho chủ đầu tư dự án, số tiền 218 tỷ đồng đều được chuyển qua kho bạc Nhà nước Tây Hồ. Cuối tháng 12-2011, kho bạc cũng đã thu hồi của gói thầu 12A hơn 7,3 tỷ đồng; cuối tháng 8-2012 thu hồi của gói thầu 12B là 4,7 tỷ đồng. Nhưng do chủ đầu tư cũng như nhà thầu chưa có hồ sơ thanh toán, nên phía kho bạc không thể thu hồi vốn tạm ứng còn lại theo quy định” - Lãnh đạo kho bạc Nhà nước Tây Hồ lý giải.

Được biết, ngoài số tiền tạm ứng cho nhà thầu trong năm 2011 là 216,4 tỷ đồng thì trong năm 2012, dự án này tiếp tục được bố trí thêm 92 tỷ đồng.

Trong đó, 12 tỷ đồng từ ngân sách TP Hà Nội; 80 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ. Hiện giải ngân 2 tỷ đồng chi cho hoạt động của Hội đồng giải phóng mặt bằng như ô tô.

Còn lại, 90 tỷ đồng để sử dụng vào chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn thiết kế, bản vẽ thi công..., mà không dùng vào xây lắp.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoài Nam-Trưởng Ban pháp chế HĐND TP Hà Nội cho rằng, hiện nay các sở, ngành địa phương của Hà Nội đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết 11 của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm đầu tư công.

“Nhiều dự án đã phải tạm dừng để nhường cho các công trình dân sinh bức xúc hơn. Việc một dự án đầu tư gần 7.000 tỷ đồng như dự án thủy lợi sông Tích được ưu tiên sử dụng tiền từ nguồn trái phiếu mà thi công chậm tiến độ thì cần phải được xem xét kỹ lưỡng và làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý”-Ông Nam nhấn mạnh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
THẾ GIỚI 24H: NATO và Ukraine họp khẩn cấp
THẾ GIỚI 24H: NATO và Ukraine họp khẩn cấp
TPO - Ngày 26/11 tới, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Ukraine sẽ họp khẩn cấp sau khi Nga tấn công vào một thành phố trung tâm của Ukraine bằng tên lửa đạn đạo siêu thanh Oreshnik và tuyên bố sẽ tiếp tục thử nghiệm loại vũ khí này.