Cây sưa giống đang làm nóng nhiều vùng quê Đông Nam bộ. |
Khi rộ lên thông tin giá trị tiền tỷ của sưa, dù không là vùng đất của loại cây này, một số chủ vườn cây giống tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đưa giống cây sưa về bán.
Hàng vạn cây sưa giống ngay lập tức được mua sạch. Người từ Bình Thuận, Lâm Đồng cũng tìm đến mua. Nhiều vườn cây giống vừa mua cây sưa giống ở phía Bắc về bán, vừa ươm cây tại chỗ, nhưng cung vẫn không đủ cầu.
Ông Năm Nhân từ huyện Đức Linh (Bình Thuận) đến vườn cây giống ở huyện Thống Nhất mua 1.000 cây.
Vườn sưa giống với hơn chục ngàn cây mới ươm lên khoảng 3 tháng, chỉ cao bằng hai gang tay, ốm tong teo nhưng đã được đặt mua.
Chất cây giống lên xe tải chuẩn bị đưa về nhà trên quãng đường trên 100km, ông Nhân khoe: “Tôi phải đặt hàng trước 2 tháng giờ mới có cây giống”.
Ông Nhân có gần chục hécta đất vườn đồi đang trồng cây điều và tràm. Với số cây sưa mang về ông dự tính sẽ tỉa thưa cây điều trồng xen sưa, nếu sưa phát triển tốt sẽ thay luôn cây điều, cây tràm.
Dân trồng vì nghe thông tin gỗ sưa mang lại lợi nhuận cao do bán qua Trung Quốc, chứ sưa không phải là loại gỗ tốt. |
Từ huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), hỏi nhiều nơi, cuối cùng anh Hoàng Thanh Ân cũng mua được 100 cây.
Anh bảo: “Gần nhà tôi có một đại gia kinh doanh nhà đất ở TPHCM về mở trang trại trồng cả đồi sưa. Tôi có ít đất chỉ dám mua ít về trồng xen trong vườn thôi”.
Cũng đi mua sưa giống nhưng anh Thành ở xã Gia Tân chỉ mua 20 cây sưa. Anh kể: “Tôi coi truyền hình thấy ngoài Hà Nội người ta cưa trộm sưa, nghe đâu gỗ cân ký bán hàng tỷ đồng, giờ tới đây mới thấy cây sưa. Nhà tôi chỉ có sào đất trồng rau, mua ít cây sưa về trồng, biết đâu sau này con cháu mình hưởng”.
Về giá trị thực của sưa, những người trồng đều mù mờ, chỉ “nghe nói”. Vùng đất này chưa thấy có ai bán gỗ sưa và cũng không người nào thấy cây sưa trưởng thành.
Ông Năm Nhân nói: “Tôi có đất trồng nhiều loại cây, nên nếu trồng sưa sau này không bán được giá như đồn đại thì ít ra cũng bán làm gỗ nguyên liệu”.
Anh Quang, chủ vựa cây giống ở huyện Định Quán (Đồng Nai), kể: “Tôi vốn kinh doanh cây kiểng đưa từ miền Tây lên, thấy bà con hỏi nhiều quá tôi đưa sưa về bán”.
Ông Đặng Văn Tùng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Trảng Bom nhận định: “Cây sưa không có trong cơ cấu cây trồng ở địa phương, người dân chỉ trồng tự phát. Giá trị kinh tế của sưa không thể đánh giá được”.
Ông Tô Thành Buông, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết: “Dân trồng vì nghe thông tin gỗ sưa mang lại lợi nhuận cao do bán qua Trung Quốc, chứ sưa không phải là loại gỗ tốt”.