Công nghiệp chế biến sữa Việt Nam: Không thể cho phép sai sót

Công nghiệp chế biến sữa Việt Nam: Không thể cho phép sai sót
TP - Nhiều ngành sản xuất trong nước đang phải đối mặt rủi ro, rắc rối và tin đồn nguy hiểm được nhận định là có cả tác động của yếu tố nước ngoài.

> Không có chuyện đỉa tồn tại trong sữa

Dây chuyền sản xuất sữa Mộc Châu hiện đại do Tập đoàn Tetrapak (Thụy Điển) chuyển giao. Ảnh: P.V
Dây chuyền sản xuất sữa Mộc Châu hiện đại do Tập đoàn Tetrapak (Thụy Điển) chuyển giao. Ảnh: P.V.

Thiệt hại lớn nhất sau những tin đồn là kinh tế bị ảnh hưởng, lòng tin của người tiêu dùng vào hàng Việt Nam chất lượng rất cao đang lên bỗng bị lung lay.

Trên thực tế một vài lĩnh vực kinh tế của Việt Nam sử dụng công nghệ ngang tầm các nước công nghiệp G7, dành sự an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng, nổi bật là ngành sữa.

Kiểm định mẫu sữa có sinh vật lạ = vô nghĩa!

Theo dõi diễn biến kinh tế hằng ngày, khó ai không tức giận khi hay tin một số thương nhân Trung Quốc đưa ra những chiêu phát triển khoai lang rồi bỏ thu mua; đặt hàng doanh nghiệp ngành gạo với khối lượng lớn nhưng yêu cầu trộn lẫn loại tốt và xấu rồi lu loa với thế giới chất lượng gạo Việt thấp.

Chưa hết nóng là vấn đề chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn được đẩy sâu đến tận nhiều thị trường ngách khu vực nông thôn.

Thời sự nữa là tin đồn trong sữa có đỉa, điều mà nếu trở lại thời sơ khai của công nghiệp sữa thế giới cũng không thể có.

Ths Lê Văn Doan, người có 15 năm kinh nghiệm làm việc, nghiên cứu về phát triển công nghiệp sữa, hiện công tác tại Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), cho biết, với công nghệ chế biến sữa hiện đại, doanh nghiệp quản lý chặt chẽ quy trình theo HACCP, ISO thì không thể có con nào lọt vào sữa được.

“Cần nhớ rằng, trong sữa có đường, đường có tác dụng bảo quản một số sản phẩm. Với áp suất thẩm thấu, đường ngăn được hoa quả và một số thực phẩm không bị hỏng. Với sữa tiệt trùng, khi sữa đã qua nhiệt độ 1400C thì không còn con gì có thể sống được. Vì thế, tin đồn như đang lan truyền về sữa là xa lạ với Việt Nam".

Về những sản phẩm bị hỏng do sai sót nào đó ở khâu bảo quản sau sản xuất, theo Vụ Công nghiệp nhẹ, đối với sữa, chỉ có một phần triệu sản phẩm bị hỏng. Đó là những sản phẩm bị rách, bị hở và chỉ xảy ra trong giai đoạn vận chuyển, bảo quản sau sản xuất.

Nói về việc lấy mẫu sữa sau khi đã bị hỏng, bị cho là có côn trùng tại nhà dân đi kiểm định, Ths Doan cho biết, dù là ai lấy mẫu sản phẩm đó đi kiểm định cũng là vô nghĩa, không đúng và không có giá trị. Bởi đơn giản là sữa nếu mở ra sau 24 tiếng mà không sử dụng hoặc sử dụng không hết sẽ bị hỏng.

Bên cạnh đó, khi sản phẩm bị mở ra rồi thì xảy ra những việc hư hỏng là đương nhiên và ai đó cố ý bỏ dị vật vào cũng có thể xảy ra. Khi đó, kiểm tra không còn giá trị.

Kiểm tra chất lượng, an toàn vệ sinh đối với sữa chỉ thực hiện tại các công đoạn sản xuất, đồng thời người kiểm tra phải trực tiếp mở hộp nguyên vẹn mới thực sự là kiểm tra và có ý nghĩa.

Cùng quan điểm với Ths Doan, PGS-TS Nguyễn Đăng Vang chuyên gia đầu ngành về chăn nuôi bò sữa, Thành viên Hội đồng chính sách Khoa học và Công nghệ quốc gia cho rằng, trong trường hợp này, việc kiểm tra sẽ thực hiện với sản phẩm được lưu tại chính nhà máy theo quy định về sản xuất sữa.

PGS-TS Nguyễn Đăng Vang cũng khuyên người tiêu dùng rằng, khi tiếp cận với các trang mạng, blog vấn đề khoa học, chế biến sữa, vệ sinh an toàn sữa cần tỉnh táo, nhất là với thông tin ngược, sự việc chưa bao giờ xảy ra…

Công nghệ chế biến sữa của Việt Nam hiện đại ngang các nước G7

Theo Bộ Công Thương, công nghiệp chế biến sữa của Việt Nam mới phát triển chưa lâu so với thế giới, nhưng công nghệ, quy trình hoàn toàn áp dụng của các nước tiên tiến trên thế giới. T

rong số 73 doanh nghiệp chế biến sữa có quy mô từ trung bình trở lên, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ rất hiện đại.

Tiêu biểu trong số đó là: Vinamilk, Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk)… Các doanh nghiệp này nhập Công nghệ sản xuất sữa nước của Tetrapak, Thụy Điển.

Công nghệ sản xuất sữa đặc của Đan Mạch. Công nghệ này khép kín, tự động gần như không có sự can thiệp nào của con người.

Tại Việt Nam, chỉ trong năm tới đây thôi, ngành công nghiệp sữa sẽ chứng kiến sự ra đời của một vài nhà máy lớn, ở đó công nghệ chế biến sữa của các nước G7 tiên tiến vào loại nhất thế giới được ứng dụng.

Có những nhà máy chế biến sữa Oganic công nghệ chuyển giao nguyên từ các nước phát triển. Có những nhà máy hoàn toàn tự động hóa vận hành bởi robot.

Với sự ưu đãi của thiên nhiên, nhiều vùng đất của Việt Nam có ưu thế đặc biệt về sản xuất sữa. Đà Lạt (Lâm Đồng), Mộc Châu (Sơn La), một số tỉnh vùng Đông Nam bộ…là ví dụ.

Những vùng chăn nuôi bò sữa này với nhà máy được chuyển giao công nghệ chế biến sữa của châu Âu đang làm nên thương hiệu sữa của Việt Nam chất lượng cao.

Sản phẩm sữa của các doanh nghiệp này tuyệt đối an toàn đang "đánh bật” dần sữa ngoại, thậm chí doanh nghiệp còn xuất khẩu sữa ra nước ngoài.

Ở Mộc Châu, dây chuyền công nghệ chế biến sữa nhập từ Tập đoàn Tetrapak của Thụy Điển hiện đại vẫn hằng ngày sản xuất ra hàng triệu sản phẩm.

Dây chuyền công nghệ hiện đại này và quy trình quản lý ngặt nghèo của doanh nghiệp không và chưa cho phép bất kỳ sai sót nào xảy ra. Điều khiển dây chuyền thiết bị đó là nhiều kỹ sư, công nhân có tay nghề được đào tạo, tiếp cận công nghệ ngay tại nước ngoài.

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, tất cả các quy trình liên quan sản xuất sữa đều được kiểm soát theo chuẩn tiên tiến của nước ngoài.

Đây là thành tựu văn minh với hàng trăm năm phát triển của các nước tiên tiến. Mục tiêu lớn nhất của nó là hướng đến, dành cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng, trọn vẹn và tuyệt đối an toàn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG