Tù mù giá vàng độc quyền

Tù mù giá vàng độc quyền
TP - Hôm qua, 10-9, vàng trong nước vẫn cao hơn thế giới tới 2,6 triệu đồng mỗi lượng. Như vậy, đã gần 20 ngày qua, giá vàng trong nước luôn cao hơn thế giới ở mức rất cao (từ 2 đến trên 3 triệu đồng mỗi lượng). Vì sao lại có hiện tượng trên, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho SJC gia công vàng miếng trở lại: Do nguồn cung khan hiếm hay do vàng bị đầu cơ, làm giá, độc quyền?

> Vàng tăng trên chiều mua, giảm nhẹ trên chiều bán

Thị trường vàng miếng có những xáo trộn bất ổn, đâu là nguyên nhân? Ảnh: Minh Đức
Thị trường vàng miếng có những xáo trộn bất ổn, đâu là nguyên nhân? Ảnh: Minh Đức.

Ngày 22-8, thị trường vàng trong nước chứng kiến bước nhảy vọt của giá vàng trong nước, khi mở cửa giá vàng thế giới tăng thêm gần 15 USD/ouce so với cùng thời điểm ngày 21-8, tương đương với trên 300.000 đồng một lượng khi quy ra tiền Việt.

Nhưng, giá trong nước nhảy vọt tới 800.000 đến 930.000 đồng. Cộng với mức giá chênh lệch của ngày hôm trước, chênh lệch giữa vàng nội và ngoại đã lên tới 2,4 triệu đồng/lượng (tính theo tỷ giá ngân hàng và đã bao gồm các chi phí).

Liên tiếp những ngày sau đó, giá vàng miếng SJC luôn giãn cách so với vàng thế giới trên 2 triệu đồng mỗi lượng, đỉnh điểm nhất lên tới trên 3 triệu đồng mỗi lượng.

Cầu tăng mạnh, cung đứt nguồn

Hôm qua, Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu bất ngờ thấp hơn cả giá thế giới 350 ngàn đồng/lượng, và thấp hơn giá vàng SJC tới 2,8 triệu đồng
Hôm qua, Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu bất ngờ thấp hơn cả giá thế giới 350 ngàn đồng/lượng, và thấp hơn giá vàng SJC tới 2,8 triệu đồng.
 

Mức giãn cách trên, thực sự đã đi quá xa so với mức chênh lệch giá 400.000 đồng mỗi lượng, mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình đặt mục tiêu khi quyết định việc nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thay vì 8 doanh nghiệp lâu nay vẫn sản xuất.

Để can thiệp thị trường, hạn chế rủi ro cho người dân khi mua vàng, ngày 23-8 NHNN đã ban hành quyết định 1623, cho phép Cty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) được gia công vàng miếng trở lại, dập lại vàng SJC cong vênh, theo quota và sự giám sát của NHNN.

Đến thời điểm này, 1,8 tấn vàng (chủ yếu là vàng SJC cong vênh) đã được gia công xong, tương đương với 48.000 lượng vàng đã được cung ứng ra thị trường.

Tuy nhiên, nguồn cung trên vẫn không đủ cung ứng cho nhu cầu tăng mạnh. Đến chiều qua, 10-9, giá vàng trong nước vẫn đắt hơn thế giới tới 2,6 triệu đồng mỗi lượng (quy đổi giá vàng thế giới 1.733 USD/Ounce, tỷ giá 20.845 USD/VND, chưa tính chi phí vận chuyển, gia công).

Quan sát thị trường những ngày qua, lượng khách hàng cá nhân mua vào không nhiều, cũng không có hiện tượng tranh mua vàng SJC như từng xảy ra. Theo một lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh vàng, cầu tăng cao chủ yếu đến từ các ngân hàng, trong đó từ ACB là chủ yếu.

“Do ảnh hưởng của vụ bắt bầu Kiên, nên người dân gửi vàng tại đây đã đến rút vàng. Bị bất ngờ thiếu hụt nguồn cung, nên ngân hàng này phải đẩy mạnh mua vào, đáp ứng thanh khoản. Không chỉ có ACB, một số ngân hàng khác cũng mua vào vì lo ngại thanh khoản”, vị này nói.

Cho đến cuối chiều qua, ACB vẫn mua vào vàng SJC giá 46,240 triệu đồng/lượng, trong khi chính Cty SJC chỉ mua vào giá 46,200 triệu đồng.

Lý giải việc cầu tăng bất thường đến từ các ngân hàng, do nhiều ngân hàng trước đây đã bán vàng của dân gửi, để lấy tiền đồng ra kinh doanh. Nay thị trường có biến động phải mua vào, khiến cầu tăng đột biến.

Trong khi đó, hiện nay nguồn vàng nguyên liệu không có (chủ yếu là vàng cong vênh), vì từ gần một năm qua nhà nước không cho doanh nghiệp nào nhập vàng.

Cho đến nay, NHNN cũng chưa có động thái nào để tăng thêm nguồn cung, như: cho nhập khẩu vàng hoặc xuất vàng dự trữ để bình ổn thị trường. Trong khi đó, hiện 5 doanh nghiệp vàng phi SJC vẫn chưa ai được NHNN cho phép chuyển đổi vàng thành SJC.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Tổng GĐ Tổng Cty Vàng Agribank cho biết: “Chúng tôi còn tồn khoảng hơn 4.000 lượng vàng AAA. Cách đây 3 tháng, chúng tôi đã gửi công văn xin NHNN cho gia công lại thành vàng SJC nhưng nay vẫn chưa nhận được hồi âm”.

Các doanh nghiệp khác như Bảo Tín Minh Châu (Rồng Vàng Thăng Long), Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), vàng SBJ Thần Tài của Ngân hàng Sacombank.... còn tồn hàng ngàn lượng nhưng cũng chưa được cấp phép gia công chuyển đổi.

“Những năm trước đây, bình thường một năm NHNN cho nhập khẩu khoảng 20 tấn vàng nguyên liệu, cao điểm lên tới 80 tấn, vừa để gia công bán phục vụ nhu cầu trong nước, vừa chế tác vàng trang sức xuất khẩu.

Nay không cho nhập khẩu, trong khi lượng lớn vàng phi SJC vẫn đang đóng băng, nguồn vàng trong dân không bán ra, thì việc thiếu hụt nguồn cung là đương nhiên”, một chuyên gia nói.

Theo một chuyên gia, nếu thời điểm này NHNN cho 5 doanh nghiệp vàng phi SJC chuyển đổi vàng miếng, cũng không tăng cung ngay cho thị trường được. Bởi hiện nay, năng lực sản xuất của Cty SJC được khoảng 1 tấn vàng mỗi ngày (khoảng gần 30 ngàn lượng).

Nhưng nếu gia công lại vàng phi SJC, thì riêng kiểm tra lại chất lượng, bóc bao phim bọc vàng cũng mất ít nhất 2 phút mỗi lượng, nên chỉ có thể sản xuất được khoảng 100 kg mỗi ngày.

Tù mù giá, rủi ro người mua chịu

Tù mù giá vàng độc quyền ảnh 3
 

Nếu so sánh, cùng là vàng ròng 0,9999, nhưng kể từ khi vàng SJC được NHNN chọn là thương hiệu vàng quốc gia, vàng miếng SJC luôn có giá chênh cao hơn các loại vàng miếng khác khoảng trên một triệu đồng mỗi lượng (hôm qua, giá Vàng rồng Thăng Long thấp hơn so với SJC 2,8 triệu đồng/lượng).

Lợi thế đó, càng củng cố vị thế của thương hiệu vàng miếng, vốn chiếm đến 90% thị phần này.

Và đương nhiên, mở cửa phiên giao dịch hằng ngày, các thương hiệu vàng miếng khác đều phải ngó xem SJC niêm yết giá ra sao để quyết định giá mua bán của mình.

Còn SJC căn cứ vào đâu để quyết định giá mua-bán mỗi ngày. Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Cty SJC từ chối cung cấp thông tin chi tiết về căn cứ tính giá, mà chỉ nói căn cứ vào diễn biến giá thế giới và cung cầu của thị trường.

Một chuyên gia phân tích: “Doanh nghiệp đâu có được nhập vàng ngay mà căn cứ theo giá thế giới, vì thế giá này chỉ để tham khảo. Ở đây, chỉ còn lại căn cứ cung cầu, sau khi doanh nghiệp tự cân đối trạng thái, lượng vàng còn lại họ đo nhu cầu khách hàng mà quyết định giá thôi.

Thực chất, với thị trường vàng không có vàng nguyên liệu đầu vào liên thông thế giới hiện nay, thì khó minh bạch về giá. Nên giá doanh nghiệp đưa ra rất tù mù. Chưa kể, trong trường hợp thị trường biến động, SJC đã điều chỉnh giá mua vào bán ra từ chênh lệch từ vài chục ngàn lên tới 200.000 đồng/lượng, rủi ro rơi vào người mua”.

Trong trường hợp này, cả người sở hữu vàng phi SJC và người mua vàng là thiệt, vì phải mua quá đắt. Vì thế, cách tốt nhất, nếu không có nhu cầu bức thiết (phải trả nợ) thì không nên mua vàng lúc này.

Còn nữa....

Vàng Rồng Thăng Long thấp hơn vàng thế giới

Ngày 10-9, trong khi giá vàng miếng SJC đang cao hơn thế giới 2,6 triệu đồng/lượng thì duy nhất thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá: 43,10 – 43,40 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra, thấp hơn vàng thế giới 350.000 đồng/lượng.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG