> Trung Quốc hạn chế hàng Việt Nam qua biên giới
Container tồn đọng chất đầy khắp Móng Cái. |
Theo báo cáo của UBND TP Móng Cái, hoạt động xuất nhập khẩu của địa phương này hiện giảm so với năm 2011 cả về kim ngạch và thuế. Hàng chục doanh nghiệp của Việt Nam đã ngừng hoạt động.
Một lãnh đạo Cty chuyên về hàng tạm nhập có máu mặt cho biết, hàng tạm nhập tái xuất (TNTX) là hàng của các chủ hàng Trung Quốc nhập về qua đường Việt Nam và tái xuất cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, đây là loại hàng Trung Quốc cấm nhập. Vì lý do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc nên nhiều địa phương có biên giới vẫn cho nhập loại hàng này.
Thời điểm này, tại Móng Cái vẫn tồn trên 3.000 container trong đó có khoảng 1.300 container là hàng đông lạnh chưa xuất được sang nước bạn.
Nhiều doanh nghiệp, vay tiền ngân hàng để lưu container, cắm điện để chờ xuất lấy tiền trả ngân hàng. Càng tắc lâu, tiền vay lãi mẹ đẻ lãi con. Đến nay đã có 86 doanh nghiệp của Móng Cái ngừng hoạt động chờ tín hiệu sáng sủa hơn.
Ông Dương Văn Thăng, Giám đốc Cty TNHH Minh Thăng cho biết, để lưu container hàng lạnh không bị hỏng mỗi công phải trả 80.000 đồng/giờ. Mỗi ngày 24 giờ cứ thế nhân lên, lưu container trong bãi 100.000 đồng/container.
Sở dĩ nhiều doanh nghiệp phải chở container tới Móng Cái vì cắm điện, lưu loại hàng này tại Hải Phòng giá cao hơn rất nhiều. Càng để lâu doanh nghiệp càng lỗ nặng…
Không chỉ có hàng đông lạnh TNTX, một số mặt hàng khác như cao su cũng xuất rất khó khăn khi họ yêu cầu phải xuất qua cửa khẩu, kể cả hàng có nguồn gốc động vật…
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái cho biết, tình hình xuất khẩu hàng hóa qua biên mậu vốn là một trong những chính sách ưu tiên của các địa phương Trung Quốc và Việt Nam áp dụng từ lâu bởi thực tế doanh nghiệp Trung Quốc có nhu cầu thật sự về nguyên, vật liệu sản xuất.
Để tăng lợi nhuận, nhiều chủ hàng Trung Quốc trốn thuế. Ta xuất đúng luật nhưng có những doanh nghiệp bên kia tìm cách nhập lậu.
Những ngày này, tại TP Móng Cái, sự nhộn nhịp, sôi động của thành phố cửa khẩu dường như trầm lắng.
Các bãi container chất đống như núi khắp thành phố. Những cửu vạn, bốc vác thuê cũng hết việc. Nhiều chủ đò neo đò về nhà. Nhiều lao động bỏ về quê vì thiếu việc làm…
Vì đâu nên nỗi?
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, chính sách thương mại thông thường tại cửa khẩu là xuất khẩu hàng hóa qua đường chính ngạch.
Tuy nhiên, việc thua thiệt của doanh nghiệp ta là do quá ít thông tin về các chính sách của Trung Quốc.
Trong khi họ thay đổi rất nhanh bằng các hàng rào kỹ thuật. Các doanh nghiệp Việt thường bị động, tranh mua, tranh bán dẫn tới giảm giá và bị doanh nghiệp Trung Quốc ép giá.
Rất khó để hạn chế tình trạng này chỉ trừ khi chúng ta mạnh lên, các doanh nghiệp có thể thay xuất thô thành xuất tinh ra các thị trường khác.?
Một lãnh đạo Chi cục Hải Quan Móng Cái, Cục Hải quan Quảng Ninh cho biết, tình hình hiện rất khó khăn cho doanh nghiệp TNTX.
Chúng ta xuất đúng luật nhưng có khi phía Trung Quốc coi là nhập lậu. Bài toán cực kỳ khó giải. Hải quan chỉ còn biết tạo mọi điều kiện có thể để doanh nghiệp xuất được hàng càng sớm càng tốt.
Việc có hơn 1.000 container hàng đông lạnh TNTX tại Móng Cái đang tồn đọng thật sự là nỗi lo không chỉ về thương mại mà có nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Mới đây, thành phố Móng Cái liên tiếp phát hiện tình trạng nhiều container đông lạnh chứa tai lợn bị hỏng, chủ hàng mang cả container đổ xuống biển gần Trà Cổ gây ô nhiễm cả vùng bãi sú vẹt.
Mùi hôi thối nồng nặc, có nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Việc đổ trộm loại hàng này không phải hiếm tại Móng Cái.
Một doanh nghiệp cho biết, không xuất được hàng, chỉ cần vài tiếng một ngày không cắm điện là hàng đông lạnh hỏng. Nếu đem ra bãi thải xử lý đúng quy trình, doanh nghiệp lại mất một khoản phí rất lớn để xử lý, tiêu hủy. Do vậy nạn đổ trộm sẽ vẫn còn khi nhiều chủ hàng chấp nhận bỏ hàng trôi nổi vì hết tiền.
Ông Dương Văn Cơ, Chủ tịch UBND TP Móng Cái cho biết, đã có văn bản yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát việc đổ thải các loại hàng đông lạnh bị hỏng ra môi trường.