Cả triệu người kinh doanh đa cấp

Cả triệu người kinh doanh đa cấp
Số lượng người tham gia mạng lưới kinh doanh đa cấp tăng mạnh nhưng đến nay việc quản lý loại hình kinh doanh này vẫn còn nhiều lỗ hổng và bất cập, đó là ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo quản lý hoạt động bán hàng đa cấp do Sở Công thương TP.HCM tổ chức vào ngày 16.8.

Doanh số bán hàng năm 2011 đạt hơn 4.000 tỉ đồng

Theo báo cáo từ các sở công thương, tính đến tháng 7.2012, cả nước có 76 doanh nghiệp cả trong và ngoài nước kinh doanh theo mô hình đa cấp. Trong số đó, có tới 23 doanh nghiệp tạm dừng hoạt hoạt động và 2 doanh nghiệp đã bị rút giấy phép.

TP.HCM và Hà Nội là hai địa phương có số lượng doanh nghiệp kinh doanh đa cấp đông nhất. TP.HCM có 35 doanh nghiệp được cấp phép, và Hà Nội có 38 doanh nghiệp.

Đáng chú ý, ông Phan Đức Quế - Trưởng ban Điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) - cho biết số lượng người tham gia mô hình đa cấp ở Việt Nam tăng mạnh qua các năm.

Nếu năm 2006 cả nước có hơn 230.000 người, năm 2009 hơn 666.000 người, thì đến hết năm 2011 đã có hơn 1 triệu người tham gia mô hình kinh doanh đa cấp.

Lượng người tham gia tăng nên doanh thu bán hàng mà mô hình này mang lại cũng tăng trưởng nhanh chóng qua các năm. Nếu năm 2006, doanh số bán hàng chỉ đạt 614 tỉ đồng, năm 2009 là 2.500 tỉ đồng thì đến năm 2011 doanh số bán hàng đạt hơn 4.000 tỉ đồng.

Năm doanh nghiệp có số lượng người tham gia bán hàng đa cấp nhiều nhất là Lô Hội, Amway Việt Nam, Mỹ phẩm Thường Xuân, AVON Việt Nam, Herbalife Việt Nam.

Trong số này, đáng chú ý là Công ty TNHH Amway Việt Nam có tới hơn 269.000 người tham gia bán hàng đa cấp, chiếm hơn ¼ lượng người bán hàng đa cấp tại Việt Nam.

Tính đến hết năm 2011, có hơn 4.400 mặt hàng kinh doanh theo mô hình đa cấp tập trung vào các sản phẩm như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hàng thời trang, dụng cụ thể thao, vật lý trị liệu…

Quản lý lỏng lẻo

Ông Trần Vinh Nhung - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - thừa nhận mô hình kinh doanh đa cấp nếu làm tốt sẽ rất có hiệu quả, tiết kiệm chi phí cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế hiện việc kinh doanh cũng như quản lý bán hàng đa cấp vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập.

Mô hình kinh doanh đa cấp gây nhiều tranh cãi tại Việt Nam - Ảnh: Trung Hiếu
Mô hình kinh doanh đa cấp gây nhiều tranh cãi tại Việt Nam - Ảnh: Trung Hiếu.

Theo ông Nhung, khó khăn lớn nhất của cơ quan nhà nước chính là việc quản lý, giám sát sau khi đã cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động.

“Có doanh nghiệp được cấp phép ở tỉnh này nhưng sang tỉnh khác hoạt động trong khi sự phối hợp giữa về thông tin giữa hai tỉnh chưa tốt. Do đó, trong quá trình kinh doanh dù doanh nghiệp vi phạm nhưng rất khó phối hợp xử lý. Chưa kể có trường hợp xin cấp phép bị tỉnh này từ chối nhưng sang xin ở tỉnh khác lại được”, ông Nhung phân tích.

Ông Nhung chỉ ra các doanh nghiệp bán hàng đa cấp lừa đảo thường có phương thức kinh doanh đánh nhanh rút gọn, di chuyển địa bàn hoạt động liên tục. Tuy nhiên hậu quả mà các doanh nghiệp này để lại rất lớn.

“Doanh nghiệp bán hàng đa cấp lừa đảo thường chọn mô hình nhị phân biến tướng. Khách hàng khi tham gia thường lôi kéo bạn bè, người thân… để rồi khi đỗ vỡ gây mất niềm tin trong xã hội”, ông Nhung nói.

Ông Nguyễn Văn Lĩnh - Phó trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Đồng Nai - cho hay mô hình này tồn tại nhược điểm như số lượng nhà phân phối của doanh nghiệp quá lớn nên rất khó kiểm soát. Người tiêu dùng khó so sánh về giá cả cũng như chất lượng của sản phẩm.

Ông Lĩnh cho biết phần lớn doanh nghiệp đa cấp thường đăng ký kinh doanh ở một tỉnh nhưng lại sang tỉnh khác hoạt động.

Tuy nhiên, Nghị định 110 về quản lý bán hàng đa cấp quy định doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm báo cáo hoạt động định kỳ 6 tháng/lần với sở công thương nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mà không cần báo cáo với sở công thương nơi doanh nghiệp mở rộng hoạt động.

Chính vì điều này nên dù doanh nghiệp đang hoạt động tại địa phương mình nhưng cơ quản quản lý không có được thông tin để nhắc nhở, chấn chỉnh khi xảy ra sai phạm.

Ông Đoàn Ngọc Minh - Phó trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Đà Nẵng - kiến nghị cần bổ sung quy định cần các doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải báo cáo định kỳ 6 tháng một lần cho sở công thương nơi doanh nghiệp hoạt động.

Ngoài ra, việc kinh doanh đa cấp thường tổ chức hội thảo tụ tập đông người, phức tạp về an ninh trật tự nên trước khi tổ chức doanh nghiệp cần phải báo cơ quan chức năng về địa điểm, thời gian, nội dung hội thảo.

Phương thức kinh doanh nhiều tranh cãi

Bán hàng đa cấp (tên gọi thông dụng tại Việt Nam) hay kinh doanh đa cấp (multi-level marketing) hoặc kinh doanh theo mạng (network marketing) là thuật ngữ chung dùng để chỉ một phương thức tiếp thị sản phẩm.

Đây là hoạt động kinh doanh bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Người tiêu dùng có thể trực tiếp đến mua hàng tại công ty mà không phải qua các đại lý hay cửa hàng bán lẻ.

Hình thức này còn tiết kiệm rất nhiều chi phí từ việc quảng cáo, khuyến mại, tiền sân bãi, kho chứa, vận chuyển hàng hóa. Số tiền này được dùng để trả thưởng cho nhà phân phối và nâng cấp, cải tiến sản phẩm tiếp tục phục vụ người tiêu dùng.

Trong Nghị định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp do Chính phủ ban hành, tại Điều 2 định nghĩa: Bán hàng đa cấp là một phương thức tổ chức kinh doanh của doanh nghiệp thông qua nhiều cấp khác nhau.

Trong đó, người tham gia sẽ được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ kết quả bán hàng hóa của mình và của người khác trong mạng lưới do người đó tổ chức ra và được doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấp thuận.

Theo Trung Hiếu
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG