> SHB giữ nguyên HĐQT sau khi Habubank sáp nhập
Theo ông Đỗ Quang Hiển, đây không phải là hợp nhất, mà là Ngân hàng TMCP nhà Hà Nội (HBB) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) nên cơ cấu HĐQT và ban điều hành của SHB sau sáp nhập vẫn giữ nguyên, không phải tổ chức đại hội cổ đông để bầu lại.
Nói như ông Hiển, có thể hiểu toàn bộ hội đồng quản trị hiện tại của SHB gồm 7 người vẫn giữ nguyên; ban điều hành 7 người (một TGĐ và 6 phó TGĐ) vẫn giữ nguyên sau sáp nhập. Và đương nhiên, ban lãnh đạo của HBB gồm 6 thành viên hội đồng quản trị, 6 tổng và phó tổng giám đốc và 3 thành viên ban kiểm soát, mất chức.
“Tất nhiên, sau khi sáp nhập, nếu các cổ đông mới của HBB có yêu cầu được tham gia HĐQT của SHB thì ngân hàng sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường để bầu bổ sung theo luật định. Còn ban điều hành của SHB vẫn giữ nguyên, việc có xem xét bổ sung thêm các phó tổng giám đốc, sẽ căn cứ trên nhu cầu công việc và khả năng của cán bộ và sẽ do HĐQT quyết định”, ông Hiển nói.
Ông Hiển thừa nhận, thương vụ sáp nhập này, SHB được lợi lớn. “Với SHB, đây là thương vụ thành công hơn cả mong đợi. Bình thường SHB phải mất 5 năm mới có thể đạt được những gì có được sau sáp nhật, nhưng ở đây chúng tôi chỉ mất 7 tháng đã hoàn tất”. Không tiết lộ chi phí vụ sáp nhập, ông Hiển chỉ nói ở mức rất “hợp lý”.
Chưa kể, tuy nợ xấu của HBB đến thời điểm sáp nhập là 3.729 tỷ đồng (chiếm 23,66%), nhưng khi sáp nhập vào SHB, tỷ lệ nợ xấu hoà chung lại là 8,69%.
Nói như ông Nguyễn Hữu Nghĩa, quyền Chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, thì tỷ lệ nợ xấu như vậy so với nợ xấu chung của toàn hệ thống là ổn. Còn ông Hiển thì tự tin: “Chúng tôi vừa có cuộc họp tới đêm với 50 con nợ (doanh nghiệp), chiếm khoảng 65% tổng nợ xấu của HBB, để bàn cách giải quyết nợ xấu. Tôi khẳng định đến 31-12, sẽ cơ bản xử lý xong khoản nợ xấu này”.
Tại cuộc họp báo, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cũng cam kết, sẽ hỗ trợ tối đa cho SHB sau sáp nhập: “Nếu SHB gặp khó khăn thanh khoản, NHNN sẽ bơm vốn hỗ trợ, để luôn đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền. NHNN cũng đã có văn bản đề nghị Ủy ban Chứng khoán tạo điều kiện thuận lợi cho việc niêm yết cổ phiếu SHB mới, đồng thời đề nghị Bộ Tài chính xem xét miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho những ngân hàng thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngân hàng của NHNN như SHB và HBB”.
Nỗi buồn mất tên
Theo quyết định của NHNN, từ sau 28-8, chỉ ngót 20 ngày nữa, HBB mất tên. Ra đời năm 1989, trước SHB tới 3 năm, nhưng sau hơn hai chục năm, tên HBB bị xoá sổ. Không buồn sao được.
Cái chết của HBB được ông Nguyễn Hữu Nghĩa nhận định bằng cụm từ “do tập trung tín dụng vào một số khách hàng lớn”, tập trung ở các lĩnh vực như: đóng tàu, sản xuất giấy, thuỷ sản.
Chỉ với 2 khách hàng lớn là Vinashin (3.000 tỷ đồng) và Cty Thuỷ sản Bình An (khoảng trên 500 tỷ đồng) đã lên tới trên 3.500 tỷ đồng.
Cái ngày mà lãnh đạo HBB cho những đại gia trên vay, được coi là thành tích lớn. Vì một con nợ là tập đoàn của Nhà nước đang thực hiện chiến lược phát triển ngành đóng tàu ở Việt Nam, còn con nợ kia là đại gia thuỷ sản Diệu Hiền đang ăn nên làm ra.
Còn nay, những hợp đồng tín dụng lớn ấy, thành tội đồ, giết chết một ngân hàng đang ở tuổi trai tráng. Làm tổn thương tới trên 2.000 nhân viên và hàng ngàn cổ đông, làm mất ghế của hàng trăm người.
“Dù hiện tại chúng tôi không mất việc làm, dù ông Đỗ Quang Hiển đã cam kết tiếp nhận nguyên trạng. Nhưng thực sự thương vụ này ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư cán bộ, nhân viên HBB”, một giám đốc chi nhánh của HBB tâm sự.
Theo ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB, sau sáp nhập, chỉ số an toàn vốn (CAR), tính tổng các khoản nợ xấu và trích lập dự phòng đạt 11,39% (chuẩn quốc tế 9%) cho thấy sự an toàn bền vững. SHB mới có vốn điều lệ gần 9.000 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 120.000 tỷ đồng. |