Doanh nghiệp 'tố khổ' với Thống đốc

Doanh nghiệp 'tố khổ' với Thống đốc
TP - Ngày 20-7, lần đầu tiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đối thoại với đại diện hơn 100 doanh nghiệp (DN) tại Hà Nội.

> Thống đốc NHNN: 'Không thể cứu doanh nghiệp bằng mọi giá'

Thống đốc khẳng định: Trong năm 2012, nếu duy trì lạm phát ổn định 7-8%, thì hoàn toàn có thể giữ ổn định lãi suất cao nhất 15%/năm, ít nhất một năm.

Doanh nghiệp 'tố khổ' với Thống đốc ảnh 1

Lãi vay 15% ổn định ít nhất một năm

Mở màn, Thống đốc Nguyễn Văn Bình thông báo, sau một tuần triển khai hạ lãi suất đại đa số ngân hàng thương mại (NHTM) đã đưa lãi suất các khoản vay cũ – mới về dưới 15%/năm.

Theo báo cáo của NHNN chi nhánh Hà Nội, trong ngày 15-7, các NHTM trên địa bàn đã tự động chuyển lãi suất các khoản vay cũ về 15%/năm, lãi vay mới không vượt quá mốc này.

Lãi suất cho vay với 4 nhóm đối tượng ưu tiên phổ biến là 3-14%. Đến thời điểm này, các tổ chức tín dụng đã thực hiện giảm lãi vay cho 30-50% tổng số các khoản vay có lãi suất trên 15%.

Ông Bình đề nghị, các DN tham dự “nói ngay, nói thẳng” các vấn đề liên quan đến ngân hàng để cùng tìm cách tháo gỡ.

Lập tức, bà Nguyễn Thu Hà, Tổng giám đốc một Cty chuyên kinh doanh máy móc, thiết bị công trình chất vấn ngay: “Hạ lãi suất về tối đa 15% là điều mà chúng tôi mong đợi từ lâu. Nhưng lãi vay 15% sẽ được giữ ổn định trong bao lâu? Vì thực tế, tôi đã từng được vay lãi suất 8-10% (khi nhà nước bơm vốn năm 2009), nhưng đến lúc tôi cần vay vốn mua hàng thì ngân hàng đẩy lãi suất vọt trên 24%, khiến chúng tôi trở tay không kịp”.

Hơn nữa, bà Hà cho biết, quy trình, thủ tục vay vốn tại một chi nhánh Vietinbank – ngân hàng vốn có tiếng là nhiều vốn, cơ chế thông thoáng- thực tế là quá rườm rà.

“Doanh nghiệp tôi có tài sản thế chấp, có dự án và không có nợ quá hạn, nhưng đi vay ngân hàng phải đợi hơn 1 tháng rưỡi, thử hỏi các DN khác khó khăn hơn thì sao?”- Bà Hà nói.

 “Huy động vốn trung và dài hạn rất khó, nên các ngân hàng phải cho vay theo kiểu “giật gấu, vá vai thôi” và lãi suất đương nhiên phải cao, đề phòng rủi ro”.  

Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời luôn: “Trong năm 2012, nếu duy trì lạm phát ổn định 7-8%, thì hoàn toàn có thể giữ ổn định lãi suất 15%/năm ít nhất một năm. Và tôi có thể làm cho lãi suất ổn định trong vài năm nữa. Phía NHNN cũng sẽ kiểm soát tiền tệ chặt chẽ để không gây ra lạm phát trong năm sau. Mục tiêu trọng tâm là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đây là điều kiện để giảm lãi suất”.

Về mắc mớ tại Vietinbank, ông Bình khuyên bà Hà nên chuyển sang vay vốn ở ngân hàng khác, vì DN không có nợ quá hạn, là khách hàng loại 3A, thì nhiều ngân hàng đang “săn tìm” để cho vay.

Tuy nhiên, ông Bình cũng khẳng định, quan điểm của NHNN là hỗ trợ, gỡ khó khăn nhưng không phải với mọi đối tượng DN. Mà nguồn vốn chỉ tập trung cho DN kinh doanh hiệu quả, còn DN không có khả năng phát triển, thì kiên quyết loại bỏ.

Ông lớn cũng tố khổ

Doanh nghiệp 'tố khổ' với Thống đốc ảnh 2

Ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Cty CP tập đoàn Intimex kiêm thành viên HĐQT ngân hàng Bản Việt, cho biết, vì là một DN xuất khẩu lớn (doanh thu năm 2012 ước khoảng 30.000 tỷ đồng), nên ông được nhiều ngân hàng “săn đón”, sẵn sàng cấp vốn. Song cái khổ là tỷ giá không ổn định, nên phải đi vay lãi cao.

Năm 2011, Intimex phải trả chênh lệch tỷ giá hơn 20 tỷ đồng và 150 tỷ lãi vay cho ngân hàng. Hơn nữa, doanh nghiệp rất khó vay được vốn trung và dài hạn để phục vụ các dự án đầu tư, mở rộng sản xuất.

“Dù Thủ tướng có lệnh cho doanh nghiệp xuất khẩu vay, nhưng chúng tôi đến ngân hàng đàm phán, cùng lắm chỉ vay được 40-50% nhu cầu vốn thôi”- ông Nam phàn nàn.

Thống đốc Bình giải thích, thời gian qua, gần 100% vốn huy động của ngân hàng là ngắn hạn, nhưng lại sử dụng 30-40% vốn này cho vay trung và dài hạn, chủ yếu là cho DN vay.

Trong khi đó, huy động vốn trung và dài hạn rất khó, nên các ngân hàng cho vay theo kiểu “giật gấu, vá vai thôi” và lãi suất đương nhiên phải cao, đề phòng rủi ro.

Là DN chuyên sản xuất sản phẩm thép không gỉ, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Cty CP quốc tế Sơn Hà kêu, công ty cũng trong tình cảnh khó khăn vì thiếu vốn và không được hưởng gì từ gói hỗ trợ của Chính phủ.

May là chi nhánh BIDV Hà Tây hỗ trợ 100 tỷ đồng để tái cơ cấu lại nợ cũ, tránh đổ vỡ. Do thế, ông Sơn kiến nghị nên tiếp tục giảm lãi suất về khoảng 10% và nới điều kiện cho vay (tín chấp, hoặc không tài sản đảm bảo...).

Tuy nhiên, theo ông Bình, việc nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất vay sẽ tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao quay lại.

Về đề xuất cho vay không tài sản đảm bảo, ông Bình cho biết, đây là một khoản vay nhiều rủi ro, tập trung chủ yếu ở các DN vừa và nhỏ- vốn rất yếu kém.

 “Dù Thủ tướng có lệnh cho doanh nghiệp xuất khẩu vay, nhưng chúng tôi đến ngân hàng đàm phán, cùng lắm chỉ vay được 40-50% nhu cầu vốn thôi”. 

Ông Đỗ Hà Nam,Tổng giám đốc Cty CP tập đoàn Intimex

Nhưng thời gian qua, nhiều ngân hàng vẫn “dễ dãi” cho vay. Ông Bình dẫn chứng, một doanh nhân trẻ (từng viết tâm thư cho Thống đốc) chỉ có vỏn vẹn 5 triệu đồng vốn, nhưng ngân hàng vẫn cho vay tới 3 tỷ đồng. Giờ tiêu hết tiền, anh này lại đòi vay tiếp 3 tỷ đồng nữa.

“Ông nào dám cho vay nữa chắc phải có gan cóc tía”- Ông Bình hài hước nói và đề nghị, các ngân hàng phải xem kỹ hiệu quả dự án đầu tư, khả năng trả nợ thì mới cho vay tín chấp, tránh rủi ro lớn.

Sẽ trình đề án xử lý nợ xấu

Thống đốc Nguyễn Văn Bình, cho biết: Về công ty mua bán nợ xấu, tôi chưa bàn chuyện đúng sai, nhưng có cảm giác bản thân tôi và NHNN là tội đồ, và công ty này rất xấu xa, khủng khiếp.

Trong khi, tôi chưa bao giờ công bố đề án này. Vừa rồi, tôi đã họp Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ về xử lý nợ xấu, và thời gian tới sẽ có đề án trình Chính phủ.

Đề án nào cũng cơ chế kiểm tra giám sát công khai minh bạch. Đây là lợi ích cho nền kinh tế, nên mong DN, ngân hàng vì lợi ích chính mình, nền kinh tế mà có những ý kiến thật sự khách quan.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG