Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Ảnh: Ngân Hà |
Ngày 20-7, thay vì tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, NHNN phối hợp với UBND TP.Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các vấn đề được đưa ra tại cuộc họp chủ yếu là về chính sách tín dụng, lãi vay, tỷ giá… Đặc biệt là việc ngân hàng thương mại thực hiện chỉ đạo của thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa lãi suất các khoản vay cũ- mới về dưới 15%/năm.
Bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội cho biết, sau khi có chỉ đạo của thống đốc, chi nhánh Hà Nội đã yêu cầu 12 ngân hàng và 8 tổ chức tài chính trên địa bàn tiến hành giảm lãi suất các khoản vay cũ về 15% từ ngày 15-7.
Ghi nhận tại thời điểm ngày 15-7, các ngân hàng này đã tự động chuyển lãi suất các khoản vay cũ về dưới 15%. Trong đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã thực hiện giảm lãi vay cho 30-50% tổng số các khoản vay có lãi suất trên 15%. Riêng hai ngân hàng BIDV, Vietcombank đã giảm lãi suất về 15% cho 100% các khoản vay. Các ngân hàng còn lại đang tiến hành rà soát, làm việc với khách hàng và dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 7. Lãi suất phổ biến với nhóm đối tượng ưu tiên đã giảm về 13-14%.
Ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Công thương (Vietinbank) cho biết, từ ngày 11-7, ngân hàng này đã chỉ đạo các chi nhánh thực hiện nghiêm túc giảm lãi suất về tối đa 15%, cũng như các chỉ đạo khác của NHNN về trần lãi suất, tái cơ cấu khoản vay...
Cụ thể, tại thời điểm 11-7, tỷ trọng dư nợ cho vay có lãi suất trên 15%/năm là trên 15%, còn 85% dư nợ có lãi suất dưới 15%. Với nhóm đối tượng ưu tiên, Vietinbank duy trì lãi suất vay phổ biến 10,5-12,5%, cho vay mua lúa gạo là 9-10%, vay tiêu dùng 13-14%.
Bà Nguyễn Thu Hà, Tổng giám đốc công TNHH Limsing (doanh nghiệp chuyên kinh doanh máy móc thiết bị công trình) cho biết: “Hạ lãi suất khoản vay cũ và đưa mặt bằng lãi suất vay mới về tối đa 15% là điều mà doanh nghiệp chúng tôi đã mong đợi từ lâu. Nhưng tôi băn khoăn, lãi suất vay 15% được giữ ổn định trong bao lâu. Vì thực tế, tôi đã từng được vay lãi suất 8-10% khi nhà nước bơm vốn. Nhưng đến lúc tôi cần vay vốn mua hàng thì lãi suất tăng vọt trên 22%, khiến chúng tôi trở tay không kịp”.
Bà Hà rất bức xúc với quy trình, thủ tục vay vốn “rườm rà” tại chi nhánh của Vietinbank, dù doanh nghiệp của bà có dự án khả thi, có tài sản đảm bảo, không nợ quá hạn.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, lãi suất 15% ổn định trong bao lâu phụ thuộc vào quyết tâm phấn đấu và ý chí của thị trường. Trong năm 2012, nếu duy trì lạm phát ổn định 7-8%, thì hoàn toàn có thể giữ ổn định lãi suất 15%. Phía NHNN cũng sẽ kiểm soát tiền tệ chặt chễ để không gây ra lạm phát trong năm sau.
“Nếu chúng ta (gồm doanh nghiệp, ngân hàng và cơ quan chính quyền) kiên quyết thì lãi suất vay 15% sẽ được giữ ổn định ít nhất một năm”- ông Bình nói.
Về bức xúc của bà Hà với Vietinbank, ông Bình trấn an: “Hiện nay, các ngân hàng đang cạnh tranh rất gay gắt. Doanh nghiệp của chị không có nợ quá hạn, ít nhất là khách hàng loại 3A, mà các ngân hàng đang săn tìm để cho vay. Nếu chị thấy chi nhánh Vietinbank không mặn mà cho vay, hay ngân hàng nào đối xử không tốt thì chị từ bỏ luôn, sang ngân hàng khác vay”.
Tuy nhiên, ông Bình cũng đề nghị, lãnh đạo chi nhánh ngân hàng Vietinbank kiểm tra ngay hồ sơ vay vốn này và 2 ngày nữa, phải trả lời dứt khoát có cho vay hay không.