Nguy cơ mất vốn ở Công ty mua bán nợ của Bộ Tài Chính

Kiểm toán Nhà nước cho biết, Cty mua bán nợ VN hoạt động không hiệu quả, thanh khoản kém và có nguy cơ mất vốn Ảnh: Hồng Vĩnh
Kiểm toán Nhà nước cho biết, Cty mua bán nợ VN hoạt động không hiệu quả, thanh khoản kém và có nguy cơ mất vốn Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Hôm qua, 18-7, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố kết quả kiểm toán niên độ ngân sách năm 2010. Theo đó, KTNN chỉ ra nhiều sai phạm tại hàng loạt ngân hàng và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đặc biệt, phát hiện nhiều bê bối tại Cty mua bán nợ Việt Nam (Bộ Tài chính).

> Xử nghiêm ngân hàng báo cáo sai

Kiểm toán Nhà nước cho biết, Cty mua bán nợ VN hoạt động không hiệu quả, thanh khoản kém và có nguy cơ mất vốn Ảnh: Hồng Vĩnh
Kiểm toán Nhà nước cho biết, Cty mua bán nợ VN hoạt động không hiệu quả, thanh khoản kém và có nguy cơ mất vốn.  Ảnh: Hồng Vĩnh.

Qua kiểm toán Cty TNHH MTV mua bán nợ Việt Nam (DATC-Bộ Tài chính), KTNN phát hiện đơn vị này không thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ chính là mua nợ và đầu tư dài hạn tái cấu trúc doanh nghiệp. Hiệu quả sử dụng vốn của DATC rất thấp, cho vay không đúng chức năng nhiệm vụ, không hiệu quả, thanh khoản kém và có nguy cơ mất vốn.

Trong đó, DATC đã gửi 110 tỷ đồng vào Cty cho thuê tài chính ALCII (thuộc Agribank). Nhưng đến 31-12-2011, các hợp đồng gửi tiền đã quá hạn 2 năm, DATC chỉ thu được 12,68 tỷ đồng tiền lãi, có nguy cơ mất vốn ước tính trên 70 tỷ đồng.

Theo báo cáo của KTNN, năm 2010, DATC đã sử dụng nợ phải thu và tài sản tồn đọng đã mua để góp vốn thành lập Cty CP Xi măng Bắc Kạn- DATC. Nhưng trước khi góp vốn, DATC đã không thuê thẩm định giá, không xử lý tài chính đối với các khoản nợ và tài sản tồn đọng này.

Thực tế, DATC đã cùng Cty CP xây dựng Thái Nguyên, Cty Khoáng sản và xây dựng Hà Nội tự định giá giá trị nợ và tài sản đã mua của Cty CP xây dựng Thái Nguyên để làm căn cứ góp vốn 21,8 tỷ đồng, giảm so với giá trị sổ sách 62,18 tỷ đồng.

Tại thời điểm tháng 3-2011, DATC đã xóa nợ 26,69 tỷ đồng cho Cty CP đầu tư xây dựng công trình 134 không căn cứ theo báo cáo tài chính năm 2010, không đúng quy định tại Thông tư 33 ngày 11-3-2010 của Bộ Tài chính về Điều lệ tổ chức hoạt động của DATC.

Vay tái cấp vốn có “vấn đề”

Qua kiểm toán báo cáo tài chính năm 2010 của 8 tổ chức tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), KTNN phát hiện NHNN đã áp dụng lãi suất tái cấp vốn thấp hơn nhiều lãi suất huy động trên thị trường cho các ngân hàng thương mại (NHTM).

Qua đó đã tạo điều kiện cho một số tổ chức tín dụng lợi dụng, như một nguồn vốn giá rẻ ưu đãi, không cơ cấu lại các khoản đầu tư để trả nợ đúng hạn, làm gia tăng dư nợ vay tái cấp vốn của các NHTM.

Cùng đó, nhiều khoản vay tái cấp vốn năm 2010 phải gia hạn và việc gia hạn nợ không đúng quy định.

Cụ thể, tổng số nợ gia hạn năm 2010 là 68.250 tỷ đồng, chiếm 58% tổng doanh số cho vay. Các khoản vay thời hạn 90 ngày được gia hạn đến lần thứ 4 làm thời gian vay kéo dài 389 ngày, trong khi quy định thời gian cho vay không quá 1 năm và thời gian gia hạn không vượt quá thời gian cho vay lần đầu.

Ví dụ, như Ngân hàng Công thương (Vietinbank) gia tăng huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, vay NHNN và huy động khác đã làm ảnh hưởng đến tính ổn định và công tác cân đối vốn hoạt động trong kinh doanh.

Năm 2010, tổng nguồn vốn huy động trên thị trường 2 và huy động khác là 133.871 tỷ đồng, tăng 61.940 tỷ đồng so với năm 2009 (tương đương tăng 86,2%) và chiếm 39,38% tổng nguồn vốn huy động của Vietinbank.

Theo Phó tổng KTNN Lê Minh Khái, lãi suất tái cấp vốn là một công cụ giúp cải thiện tính thanh khoản cho ngân hàng cũng như tài trợ cho những nội dung cụ thể. Vì vậy, KTNN đã kiến nghị với NHNN xem xét thực hiện đánh giá công cụ này sao cho đúng quy định, mục tiêu.

Tại Vietinbank, tài sản cố định là quyền sử dụng đất, tài sản cố định đã bàn giao hoặc điều chuyển (nhà ở, trụ sở làm việc…) không được theo dõi đầy đủ, hạch toán tăng giảm trên sổ kế toán.

Năm 2010, Vietinbank tăng các khoản đầu tư chứng khoán, trong đó có khoảng 4.906 tỷ đồng là chứng khoán nợ do các tổ chức tín dụng trong nước phát hành, hơn 10.318 tỷ đồng là chứng khoán do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành (EVN, xi măng Công Thanh, công ty đường cao tốc, tập đoàn Sông Đà, Vinaconex…) và hơn 2.000 tỷ đồng chứng khoán đầu tư đến ngày đáo hạn.

Còn tại Vietcombank, việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chưa chính xác, trong đó, một số hợp đồng chưa tính lãi phạt quá hạn, hoặc không tính lãi với tổng số tiền 11,98 tỷ đồng.

Năm 2010, Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) đã huy động vốn vượt kế hoạch 3.872 tỷ đồng, dẫn tới đọng vốn, phải tăng cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý từ ngân sách nhà nước lên tới 2.240 tỷ đồng.

Trước đó, VDB cũng tăng cấp bù lãi suất lần lượt là 1.535 tỷ đồng (năm 2008) và 1.731 tỷ đồng (năm 2009). Trong khi đó, VDB đã cho vay thương mại ngoài các chương trình được nhà nước cho phép dẫn tới kinh doanh lỗ 18,1 tỷ đồng, nợ quá hạn là 438 tỷ đồng.

Nhiều tập đoàn nợ nần chồng chất

Cty mua bán nợ VN (Bộ Tài chính) có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng bị KTNN cảnh báo có nguy cơ mất vốn ước tính trên 70 tỷ đồng Ảnh: Hồng Vĩnh
Cty mua bán nợ VN (Bộ Tài chính) có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng bị KTNN cảnh báo có nguy cơ mất vốn ước tính trên 70 tỷ đồng. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Theo KTNN, qua kiểm toán năm tài chính 2010 tại nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước, cho thấy các doanh nghiệp có tỷ lệ vốn bị chiếm dụng cao, nợ quá hạn và khó đòi lớn.

Cụ thể, nợ phải thu trên tổng tài sản của Tổng Cty xây dựng Trường Sơn là 50,88%, Tổng Cty xây dựng đường thủy 37,58%, Tổng Cty Cơ điện xây dựng nông nghiệp và thủy lợi 31,13%, Tập đoàn HUD 22,73%... Một số tập đoàn, tổng công ty khác có tỷ lệ vốn bị chiếm dụng trên 22%.

Báo cáo của KTNN cũng cho thấy, đa số các tập đoàn, tổng công ty rất “hăm hở” đầu tư ngoài ngành với số vốn lớn, như: Vinalines đầu tư tới 672 tỷ đồng, bằng 10,37% vốn điều lệ, EVN đầu tư hơn 4.551 tỷ đồng, bằng 4,13% vốn điều lệ, Tổng Cty Xi măng VN đầu tư 634,9 tỷ đồng, chiếm 5,27% vốn điều lệ…

Một điều đáng chú ý, có tới 11/21 tập đoàn, tổng công ty hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa trên vốn chiếm dụng, vốn vay, sử dụng vốn sai mục đích...

Trong đó, một số doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu và lợi ích của cổ đông thiểu số rất cao, như: Tổng Cty Xây dựng Trường Sơn có hệ số nợ phải trả gấp 9,19 lần vốn chủ sở hữu, Tổng Cty cơ điện xây dựng nông nghiệp và thủy lợi là 4,39 lần, Tổng Cty xây dựng và phát triển hạ tầng là 4,79 lần, Tập đoàn HUD là 4,01 lần, EVN là 3,83 lần, Vinacomin là 2,15 lần… Các doanh nghiệp sử dụng vốn vay nợ nhiều dễ gặp phải nguy cơ mất an toàn vốn, mất cân đối tài chính.

Ông Lê Minh Khái, Phó tổng KTNN, cho biết tỷ lệ đầu tư ngoài ngành của một số tập đoàn, tổng công ty chủ yếu là vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tài chính… Do vậy, gặp lúc thị trường bất lợi nên không có hiệu quả hoặc lợi nhuận không cao, thậm chí thua lỗ.

“Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành nếu càng để lâu càng thiệt hại lớn. Nhưng trong điều kiện hiện nay, việc thoái vốn rất khó khăn. Nếu doanh nghiệp nào có lời thì hoan nghênh.

Còn doanh nghiệp nào bị lỗ, gây thiệt hại vốn nhà nước thì phải kiểm điểm, đánh giá lại xem có làm trái quy định, trình tự thủ tục đầu tư không, mức độ sai phạm pháp luật nghiêm trọng thế nào… Từ đó, tham mưu cho các cơ quan pháp luật điều tra, xử lý”.

Ngoài ra, KTNN cũng cho biết, đa số các doanh nghiệp bị kiểm toán chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ xác định, kê khai thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước. Tổng số thuế và các khoản phải nộp ngân sách tính đến cuối năm 2010 của 21 tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán là 7.579 tỷ đồng, trong đó, KTNN kiến nghị tăng thu thêm 545 tỷ đồng.

Theo website của Cty mua bán nợ và tài sản tồn đọng doanh nghiệp (DATC), năm 2003, Chính phủ cho phép công ty DATC với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng do ngân sách nhà nước cấp. Nhiệm vụ chính là mua lại nợ và các tài sản tồn đọng của doanh nghiệp, kể cả quyền sử dụng đất mà các doanh nghiệp sử dụng để bảo đảm cho các khoản vay. DATC đã giúp xử lý nợ và tài sản, làm lành mạnh tài chính của doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.