> Kỳ trước: Mùa tôm cay đắng ở ĐBSCL
Ông chủ Nguyễn Văn Quang trắng tay nay phải nhận tiền trợ cấp. Vuông tôm ven biển Bạc Liêu nay trở thành ruộng rau. Ảnh: N.T.H. |
Ông Phạm Văn Tru, Tổ hợp tác Nuôi tôm VietGAP ở xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu cho biết, giá tôm sú 30 con/kg chỉ còn 125.000 đồng/kg, giảm hơn 100.000 đồng/kg so với năm ngoái. Giá tôm thẻ chân trắng cũng giảm mạnh.
Ông Bành Lân ở phường 2, TP Bạc Liêu, người đang nuôi 50 ao tôm, nói: “Chi phí để nuôi 1 kg tôm sú thương phẩm 110.000 đồng, bán được 125.000 đồng/kg là lời rất mỏng. Tôm thẻ chân trắng phải thả giống dày, thức ăn nhiều hơn, cũng tốn chừng 50.000-60.000 đồng/kg, nhưng chỉ bán được 70.000-75.000 đồng/kg. Những năm trước, nuôi tôm một vốn một lời, còn bây giờ trả được lãi vay ngân hàng là mừng”.
Nợ nần triền miên
Trong số nông dân vay tiền ngân hàng thương mại ở ĐBSCL, người nuôi tôm hiện nợ nhiều nhất. Ông Nguyễn Văn Chính ở xã Tân Hưng (Cái Nước, Cà Mau) than thở: “Tôi vay 10 triệu đồng, hơn 12 năm rồi, vốn không trả nổi, lãi không đóng hằng tháng nên lên hoài. Mấy lần đưa giấy đáo hạn, nâng mức vay lên hơn 20 triệu đồng, nợ mẹ đẻ nợ con”.
Ở ấp 16, xã Vĩnh Hậu A (Hòa Bình, Bạc Liêu), có 340 ha nuôi tôm; người nông dân nợ ngân hàng hơn 50 tỷ đồng, đến 50% là nợ xấu. Ông Phạm Văn Ổn, Trưởng ấp 16, cho biết: “Không mấy người trả nổi nợ vì thất mùa tôm triền miên”.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hậu A, ông Trần Minh Trung, năm nay, bà con thả tôm giống 1.598 ha thì mất trắng 723 ha. “Nợ ngân hàng thành triền miên và rất khó trả”, ông Trung nói.
Ông Nguyễn Văn Quang ở ấp 16 có đất rộng, vừa nuôi lợn vừa làm rẫy, tiết kiệm được nhiều tiền đầu tư 2 ao tôm công nghiệp. Tôm chết, rớt giá, đứt vốn, nợ nần, nên gia đình vừa phải nhận nhà tình thương. Công an tỉnh Bạc Liêu đến khảo sát để đỡ đầu hộ nghèo.
“Hằng tháng, gia đình tôi được hỗ trợ 30.000 đồng điện sinh hoạt, cầm đồng tiền mà nhục lắm vì mình có lười biếng hay ngu dốt đâu”, ông Quang nói như khóc.
Tình cảnh người nuôi tôm được dự báo bi đát hơn thời gian tới. Ông Ngô Văn Nga, Tổng giám đốc Cty TNHH Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Quốc Việt (Cà Mau), nói: “Chúng tôi nhập khẩu tôm nguyên liệu ở Thái Lan, Ấn Độ, hiện giá rẻ hơn trong nước và họ thông báo trúng mùa tôm, sẽ còn hạ giá nữa”.
Tổng thư ký Hội Chế biến Thủy sản Xuất khẩu Cà Mau, ông Lý Văn Thuận, cho biết: “Tôm cỡ nhỏ rớt giá mạnh hơn. Tôm cỡ lớn không rớt giá nhưng khó bán cho nước ngoài vì suy thoái kinh tế nên người ta tiết kiệm chi tiêu”.
Trở lại trồng lúa
Hai bên bờ sông Mỹ Thanh (Sóc Trăng), chục năm trước vang tiếng máy đào vuông tôm thì nay lại vang tiếng máy ủi phá vuông tôm để trồng lúa.
Ông Huỳnh Lài Hiếu, Trưởng ấp Giồng Chát, xã Liêu Tú (Trần Đề, Sóc Trăng), cho biết: “Hiện tại có 27 ha vuông tôm được người dân thuê máy ủi san bằng ra trồng lúa rồi. Cả ấp có đến 31 hộ có nhu cầu phá vuông tôm với tổng diện tích trên 45 ha. Bà con làm đơn tập thể, xin trồng lúa vì nuôi tôm chết, mang nợ không còn chịu nổi”.
Ông Lâm Tấn Bửu, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Liêu Tú, người đầu tiên nuôi tôm công nghiệp ở xã, đã chia tay hơn 7 ha ao nuôi tôm sú. “Bây giờ nhớ lại 10 năm nuôi tôm, gần như không ngủ được. Tôm lớn thì thức trắng đêm canh giữ, vốn liếng bạc tỷ nằm dưới nước. Nuôi tôm trúng được 3 năm đầu, rồi liên tiếp thất bại, nợ nần ngập đầu, ngập cổ, ra đường không dám nhìn ai”, ông Bửu nói.
Năm trước, ông Bửu chuyển hơn 2 ha nuôi tôm sang trồng lúa. Năm nay, ông chuyển hết 7 ha ao sang trồng lúa. “Đất nuôi tôm đã nhiễm mặn nên mấy năm đầu trồng lúa, huề là được. Từ năm thứ 4 trở đi sẽ trồng 2 vụ/năm, lãi không nhiều nhưng còn sống được. Bây giờ, sản xuất, kinh doanh mà 4 năm thu hồi vốn, rồi sau đó lời mãi thì trồng lúa cho chắc ăn, ngủ ngon”, ông nhận định.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) Nguyễn Văn Nhiệm, nuôi tôm manh mún, nhỏ lẻ không thể tồn tại. Phó giám đốc Sở NN- PTNT Sóc Trăng Nguyễn Văn Khởi nói: “Phải có cơ chế tích tụ đất đai, quy hoạch thủy lợi để sản xuất quy mô lớn. Doanh nghiệp cùng với người nuôi tôm tham gia chuỗi sản phẩm từ sản xuất giống, thả nuôi đến chế biến xuất khẩu”.
Đâu là bí quyết nuôi tôm? Nhiều nông dân cho rằng, vẫn có một số trang trại nuôi tôm làm ăn có lãi, đang mở rộng diện tích, nhưng chủ trang trại không cho khách vào thăm, không tiết lộ bí quyết nuôi tôm. Phó giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng Nguyễn Văn Khởi cho biết: Có Cty có nguồn tôm giống sạch bệnh, sản xuất chế phẩm sinh học, hợp đồng mua thức ăn với nhà sản xuất lớn, giá rẻ để nuôi tôm nên chi phí thấp. Vừa nuôi tôm vừa hùn vốn với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. |