> Thị trường điện cạnh tranh: 5 năm hay 17 năm?
> Khó nói chuyện tăng giá điện
Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, ông Trần Viết Ngãi. |
EVN không kham nổi
VEA kiến nghị tách các tổng công ty phát điện (Genco) ra khỏi EVN. Điều này sẽ có lợi và hại như thế nào, theo ông?
Các Genco hiện thuộc EVN, để ở lại trong EVN bất lợi nhìn thấy rõ là thị phần về các nhà máy điện trong EVN cao rất nhiều, nên việc cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoài ngành là không công bằng.
EVN là đơn vị đang có dư nợ vay ở các ngân hàng trong, ngoài nước rất lớn, trong khi một loạt dự án Chính phủ giao cho EVN thực hiện, kể cả dự án đường dây và trạm, đến nay không còn tiền để đầu tư. Đưa các Genco này ra giảm được gánh nặng đầu tư cho EVN.
Về Bộ Công Thương, nếu cần thiết thì Bộ, Chính phủ sẽ đứng ra bảo lãnh vay vốn, thay vì phải thông qua EVN nợ nần chồng chất như vậy.
Phải hiểu việc tách này không làm giảm sức mạnh của ngành điện mà còn giúp EVN có đủ tầm, đủ sức để quản lý phần tài sản còn lại của mình.
Để như hiện nay thì EVN quá sức và độc quyền trong tình trạng Nhà nước đổ lượng tiền khổng lồ vào nhưng làm ăn thua lỗ bê bết. Một tập đoàn làm ăn thua lỗ như vậy thì cần tái cơ cấu.
Việc đề xuất tách cả Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (Ao) và Tổng Cty Truyền tải điện quốc gia (NPC) ra khỏi EVN có cần thiết?
Cần tách ra vì hiện Tổng Cty truyền tải điện quốc gia không đầu tư được lưới do vẫn thuộc EVN, không vay vốn được. Tách ra thì đơn vị này hạch toán rất dễ, kinh phí hoạt động lấy từ công ty mua bán điện.
Còn Ao là đơn vị quyết định điều độ toàn bộ lưới quốc gia và quyết định việc cho ai lên lưới, phát mấy giờ, nếu để trong EVN thì sự gắn kết với Cty mua bán điện là thấy rõ và có thể ưu tiên mua điện của EVN trước.
Tổng công ty mua bán điện cũng phải tách ra khỏi EVN để lập 3 tổng công ty mua bán điện ở Trung - Nam - Bắc cạnh tranh trực tiếp với nhau về giá.
Sau khi tách các đơn vị nói trên, EVN sẽ chỉ quản lý các nhà máy đa mục tiêu, 5 tổng công ty điện lực và 62 đơn vị thành viên ở các tỉnh, thành phố để hạch toán bán lẻ. Khi đó, Nhà nước muốn kiểm tra việc bán buôn và bán lẻ cũng dễ, không có chuyện nhập nhằng giá bán buôn, bán lẻ.
Kéo dài độc quyền vì lợi ích nhóm
Hiệp hội kiến nghị lộ trình vận hành thị trường điện cạnh tranh chỉ cần 4 năm liệu có quá ngắn?
Việc đưa ra ba lộ trình để vận hành thị trường điện cạnh tranh với thời gian thực hiện kéo dài tới 17 (từ 2005 – 2022) năm là quá dài. Điều này thực ra là do người ta không muốn làm, muốn co kéo vì lợi ích nhóm, chứ không phải vì lợi ích toàn dân.
Theo tính toán của tôi chỉ cần 4 năm là đủ làm xong thị trường bán lẻ. Để thị trường này vận hành thì đơn giản là xóa EVN đi. Khi đó, công ty mua bán điện đóng vai trò bán điện trực tiếp cho các đơn vị thành viên, các tỉnh - thành là xong. Như vậy xóa được khâu trung gian, bộ máy cồng kềnh rất lớn.
Một tập đoàn được đầu tư nhiều, độc quyền tất cả nhưng vẫn bị thua lỗ thì phải xóa sổ, phải tái tạo thành tập đoàn khác mạnh hơn.
Dư luận rất bức xúc quanh việc giá điện thời gian qua chỉ có tăng, không có giảm, ông đánh giá thế nào?
Bộ Tài chính, Bộ Công Thương phải giám sát các đơn vị về giá thành, xem họ bán lên lưới là lỗ hay lãi. Khi đã biết giá bán buôn thì sẽ biết giá bán lẻ thế nào. Để một cục như hiện nay thì bị bỏ túi hết.
Hiện giá mua điện bình quân là 700 đồng/kWh, trong khi giá bán lên tới 1.506 đồng/kWh (đã có VAT) là quá lãi, kêu lỗ thì tiền chạy đi đâu? Tất cả do bộ máy cồng kềnh, lương trả quá cao.
Những khoản này ăn hàng trăm nghìn tỷ mỗi năm của nhà nước. Tại sao không phá vỡ những bất hợp lý đó đi?
Đáng lẽ năm nay phải giảm giá điện chứ không thể tăng giá điện do thủy điện vào nhiều, không chạy dầu nên đầu vào đâu có tăng. Nếu làm đúng những đề xuất của hiệp hội thì giá điện chắc chắn sẽ giảm chứ không thể tăng.
Cảm ơn ông.
Theo VEA, Chính phủ chỉ cần thực hiện hai cấp độ để tổ chức thị trường điện cạnh tranh. Cấp độ thứ nhất là thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh và bán buôn. Cấp độ thứ hai là thực hiện thị trường bán lẻ và nên triển khai, hoàn thành vào năm 2017. Với mô hình này, ở cấp độ thị trường phát điện cạnh tranh bán buôn, EVN sẽ không còn độc quyền, đồng thời giảm gánh nặng về đầu tư, xây dựng nguồn và lưới điện của EVN. |
Phạm Tuyên
Thực hiện