Trầm lắng
Ngày 25-6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng hạn chế và chỉ phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng với khối lượng cần thiết để đáp ứng nhu cầu chi trả theo yêu cầu của khách hàng, khi số vàng thu nợ và tồn quỹ không đủ để chi trả.
Đồng thời, có lộ trình giảm lãi suất huy động chứng chỉ ngắn hạn vàng ở mức phù hợp để giảm lượng vàng huy động. Và việc huy động vàng phải chấm dứt vào ngày 25-11-2012.
Trên thị trường, nhiều ngân hàng (NH) đã ngừng huy động vàng. Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB cho biết, hiện ACB đã ngừng huy động vàng hoàn toàn, dù trước đó lãi suất gửi vàng lên tới 3%/năm.
Một nhân viên giao dịch NH Đông Á cho hay, đã nhận được lệnh không nhận gửi vàng. Nếu khách hàng có nhu cầu, chỉ giữ hộ và phải đóng phí giữ hộ 0,05%. Tại Eximbank, lãi suất gửi vàng kỳ hạn từ 1-3 tháng chỉ còn ở mức từ 0,8% - 1%/năm.
Trên thị trường vàng vật chất, ông Nguyễn Công Tường, Trưởng phòng kinh doanh Cty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cho hay, thời gian gần đây lượng vàng giao dịch giảm còn chưa tới 1/3 so với trước, chỉ khoảng vài trăm lượng/ngày.
Theo ông Tường, lượng giao dịch giảm ít nhiều do những tác động từ Nghị định 24 đang khiến nhà đầu tư vàng e ngại. Một DN vàng từng có lượng giao dịch vài ngàn lượng mỗi ngày cho biết, ngay cả với vàng SJC việc mua bán cũng giảm mạnh.
Nguyên nhân chính theo ông bởi thời điểm này giá vàng thế giới đang giảm mạnh (lình xình quanh ngưỡng 1.600 USD/Oz, giá trong nước dao động quanh ngưỡng 41- 42 triệu đồng/lượng), trong khi dự báo về đồng USD mạnh lên khiến tâm lý chung e ngại đầu tư vào vàng, vì giá có thể xuống tiếp.
Chia sẻ với Tiền Phong, thành viên HĐQT một sàn vàng khẳng định thời gian này DN đang nằm im không cựa quậy. Lý do chủ yếu là chờ thời hạn 25-11, Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng có hiệu lực, khi đó chỉ có một thương hiệu vàng SJC được lưu hành trên thị trường, và điều kiện kinh doanh vàng miếng cũng bị siết chặt.
Chuyển đổi vàng miếng phi SJC ra sao?
Theo một nguồn tin của Tiền Phong, nhiều khả năng trong tuần này, NHNN sẽ ban hành văn bản pháp lý liên quan đến phương thức sản xuất và chuyển đổi vàng miếng phi SJC.
Theo dự thảo, NHNN sẽ ký kết hợp đồng gia công với Cty SJC, thời điểm và nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất sẽ do NHNN quyết định, việc sản xuất vàng miếng SJC sẽ chịu sự giám sát của Tổ giám sát sản xuất vàng miếng thuộc NHNN.
Nguồn nguyên liệu sản xuất vàng sẽ lấy từ nguồn dự trữ của NHNN và vàng miếng của DN, tổ chức tín dụng được NHNN cho phép sản xuất trong từng thời kỳ. Loại vàng được NHNN đưa vào sản xuất là vàng miếng phải đảm bảo tiêu chuẩn có hàm lượng 999,9 của SJC.
Ngoài ra, những loại vàng phi SJC, hay không đủ trọng lượng, bị cắt, mài mòn, cong vênh, bị đóng thêm ký hiệu khác không phải ký hiệu của SJC được xem là nguyên liệu sản xuất nhưng phải có nguồn gốc rõ ràng, chứng từ hợp lệ.
Đối với việc gia công vàng miếng từ vàng nguyên liệu thuộc dự trữ ngoại hối của NHNN thì phải niêm phong, bảo quản khuôn vàng miếng...?
Thành viên HĐQT một DN vàng bạc phân tích: “Vàng SJC hiện nắm tới 90% thị phần, 7 thương hiệu vàng miếng khác chỉ nắm giữ chưa tới 1,5% thị phần, nhưng đa phần các thương hiệu vàng phi SJC đều đáp ứng chất lượng vàng 999,9 nên chi phí chuyển đổi sẽ không đáng kể".
Băn khoăn huy động vàng Tính toán sơ bộ, lượng vàng SJC nằm trong dân hiện đang có từ 400- 500 tấn. Hiện NHNN đang xây dựng Đề án huy động vàng. Tuy nhiên, theo một chuyên gia, băn khoăn lớn nhất từ phía cơ quan quản lý là huy động được rồi thì có bán đi để tạo vốn cho nền kinh tế? Nếu bán thì trường hợp giá vàng tăng cao lấy đâu bù lỗ? Nguồn nào sẽ trả lãi suất cho số vàng này. Chưa kể, NHNN sẽ quản lý thế nào với những "phôi" chứng chỉ phát ra từ các NHTM để đảm bảo không bị bán khống hay ai sẽ là người trả chi phí cho các NHTM. Huy động vàng để tăng dự trữ ngoại hối chỉ là một phần, cơ bản là sử dụng nó ra sao? |