> Tiền đâu mua lại nợ ngân hàng?
Tuy nhiên hình hài và cách thức hoạt động của công ty này sẽ ra sao vẫn là ẩn số. Việc mua nợ này để cứu ai?
Mua nợ có thời hạn
Từ 3,6% hồi cuối năm 2011, nợ xấu của các ngân hàng thương mại (NHTM) vừa được Thống đốc Nguyễn Văn Bình công bố, đã tăng lên tới 10%. Thực tế, theo các chuyên gia, nợ xấu của các NHTM có thể còn lớn gấp rưỡi con số trên.
Nợ xấu lớn đang làm cho chi phí vốn của các ngân hàng tăng lên rất cao. Từ đó khiến nhiều NHTM không muốn giãn nợ và điều chỉnh giảm lãi suất do sợ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Đại diện một số ngân hàng thừa nhận đang “ôm” một khoản nợ xấu nên phải giữ lãi suất cho vay cao hơn thị trường khoảng 2-3%.
Mục đích của việc có một đơn vị đứng ra giải quyết cục nợ này từng được NHNN khẳng định nhằm lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản của các NHTM và doanh nghiệp, qua đó sẽ đẩy mạnh tín dụng vào nền kinh tế, tháo gỡ sự ngưng trệ lưu chuyển dòng vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp theo nguyên tắc bảo toàn vốn, tạo thanh khoản nhất định cho các tổ chức tín dụng, trên cơ sở đó có lượng vốn cần thiết để cho vay.
Chia sẻ với Tiền Phong, một cán bộ NHNN cho biết, việc thành lập công ty mua nợ này thực sự là cần thiết. Không nên nghĩ tiêu cực là việc lập công ty này phục vụ lợi ích nhóm.
Thực chất, nếu công ty này ra đời cùng lúc giải quyết được hai việc, vừa tăng tính thanh khoản, có lợi cho ngân hàng vừa giải quyết vốn cho doanh nghiệp.
Trước những băn khoăn về việc sở dĩ có cục nợ to như vậy là bởi không ít ngân hàng và nhiều ông chủ, một thời gian dài chạy theo lợi nhuận lớn, giải ngân những khoản khổng lồ tại hai lĩnh vực là chứng khoán và bất động sản.
Việc lập công ty mua bán nợ xấu sẽ giúp làm sạch sổ sách ngân hàng, nhưng doanh nghiệp có vay được vốn hay không thì vẫn còn bỏ ngỏ. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Nếu mua nợ, vô hình trung Chính phủ, Nhà nước đang đi gánh lại nợ xấu? Vị cán bộ NHNN phân tích: “Phải bóc tách và xem kỹ vấn đề lãi ngân hàng là lãi thực hay là lãi giả. Còn về cách thức mua nợ sau này, phải rõ ràng theo nguyên tắc khoản nợ xấu, lỗ nào xuất phát từ lỗi “chủ quan” thì ngân hàng phải chịu. Trường hợp nếu mua lại, NHNN có thể sử dụng hình thức mua nợ có thời hạn (một vài năm). Nếu hết thời hạn mua, mà con nợ không trả được thì ngân hàng đó phải chia sẻ tỷ lệ cổ tức (lợi nhuận) cho công ty mua nợ và phải tăng trích lập dự phòng rủi ro cho khoản nợ này. Như thế nhà nước không sợ mất vốn”.
Tuy nhiên, theo ông, việc mua bán nợ này phải có tiêu chí rõ ràng, được công khai, minh bạch, nếu không dễ phát sinh tiêu cực.
Nguồn tiền và cách thức mua bán
Vấn đề đặt ra là nguồn vốn để xử lý nợ xấu sẽ lấy từ đâu và triển khai thực hiện như thế nào? Đại diện NHNN cho biết, ý tưởng lập công ty mua nợ xấu mới trong giai đoạn chuẩn bị.
Tuy nhiên, theo tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin của phóng viên, để có tới 100 nghìn tỷ đồng, chắc chắn Chính phủ sẽ phải dựa chủ yếu vào việc phát hành trái phiếu.
Theo chuyên gia Fiachra Mac Cana, Giám đốc Nghiên cứu của Cty Chứng khoán TPHCM (HSC), nhiều khả năng Chính phủ sẽ huy động vốn dài hạn có thể thông qua phát hành trái phiếu kỳ hạn 5 - 10 năm để huy động vốn.
Về nguồn tiền, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng NHNN có thể huy động từ các NHTM đang thừa vốn bằng bảo lãnh phát hành trái phiếu khoảng 100.000-120.000 tỷ đồng, tương đương 5-6 tỷ USD, để bóc được phần lớn nợ xấu ra khỏi bảng cân đối tài sản của NHTM.
Khi đó doanh nghiệp mới trở lại đủ điều kiện đạt chuẩn tín dụng, để có thể vay mới.
TS Nguyễn Đại Lai, Phó giám đốc Trung tâm thông tin tín dụng CIC thuộc NHNN, đề xuất, để được phân loại và mua bán nợ, các doanh nghiệp có nợ quá hạn từ nhóm 3 trở lên mang hồ sơ đến cơ quan đã cấp phép hoạt động cho mình, để chứng minh bằng văn bản rằng nếu Chính phủ mua nợ xấu cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ phát triển được.
Theo các chuyên gia ngân hàng, trong đợt “xóa nợ” xấu ngân hàng giai đoạn 2001 - 2004, Nhà nước từng thành lập hội đồng liên ngành gồm các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và NHNN kiểm tra từng trường hợp; lập hồ sơ xóa nợ và phải có 4 chữ ký đi kèm gồm: giám đốc NHNN chi nhánh địa phương, tổng giám đốc ngân hàng thương mại là chủ nợ, trưởng ban xử lý nợ của NHNN trình lên Chính phủ và phải thông qua mới được xóa. Đề án mua bán nợ xấu tới đây cần phải đảm bảo những nguyên tắc tối thiểu này.
Công ty mua bán nợ sẽ dựa vào phương pháp định giá nào khi mua nợ xấu từ các ngân hàng và quy trình định giá nợ xấu sẽ được thực hiện như thế nào?
Từ kinh nghiệm nhiều năm đi mua bán nợ, giám đốc một công ty mua bán nợ bật mí: Giả sử giá trị tài sản thế chấp của các khoản nợ đã giảm mạnh (ví dụ giá bất động sản đã giảm khoảng 30 - 40%) thì có khả năng công ty mua bán nợ sẽ mua lại nợ với giá thấp hơn đáng kể so với mệnh giá các khoản nợ.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận mắc nhất là lúc đàm phán bởi các ngân hàng, vì họ ít khi chịu phần thiệt và chỉ chấp nhận bán những khoản nợ ít tiềm năng thu lại được.
Lãi lớn sao lại bắt Nhà nước gánh nợ? Năm 2011, dù các doanh nghiệp khó khăn nhưng các ngân hàng phần lớn đều công bố lãi hàng ngàn tỷ đồng, đặc biệt là các NHTM của nhà nước như: Vietinbank, BIDV, Vietcombank... Hiện nay, bản thân các NHTM cũng đang trả thù lao, lương cho lãnh đạo ngân hàng hàng tỷ đồng, thậm chí cả triệu USD mỗi năm. Trao đổi với Tiền Phong, một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, các ngân hàng công bố lãi lớn đó cần tự dùng chính lợi nhuận khủng của mình để xử lý nợ xấu trước, còn với các NHTM khó khăn, thì bản thân lãnh đạo ngân hàng không được phép hưởng thù lao, lương cao. “Việc phải mua bán nợ xấu, để khơi thông dòng tiền cho nền kinh tế là đúng, nhưng không thể để tình trạng lãi thì ngân hàng hưởng, còn nợ xấu thì Nhà nước gánh. Vì thế việc lập công ty mua bán nợ xấu phải có tiêu chí rất rõ ràng, minh bạch, nếu không, thì cứ vài năm Nhà nước lại phải mua lại nợ xấu cho NHTM” , ông nói. |