Ngân hàng bơm vốn mới cứu được Bianfishco

Ngân hàng bơm vốn mới cứu được Bianfishco
TP - Theo ông Phạm Thanh Quang, Tổng giám đốc Cty mua bán nợ (DATC-Bộ Tài chính), để giải quyết khó khăn cho Bianfishco, cần bán bớt những tài sản không cần thiết và thuyết phục ngân hàng phải cho vay vốn trở lại.

> Cty Mua bán nợ của Bộ Tài chính làm việc với Bianfishco

Nhà máy của Bianfishco
Nhà máy của Bianfishco.

Ngày 9-4, trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Thanh Quang, Tổng giám đốc Cty mua bán nợ (DATC-Bộ Tài chính), đơn vị được giao giúp Cty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) tìm hướng tháo gỡ khó khăn thoát khỏi nợ nần kéo dài nhiều tháng qua cho hay: Hiện DATC đã làm việc với một số chủ nợ và DN để xem tài sản và hướng cơ cấu lại thế nào.

Hiện tổng số nợ của DN khoảng 1.500 tỷ đồng, trong đó nợ ngân hàng hơn 1.000 tỷ đồng. Đầu tuần tới, các ngân hàng chủ nợ đã đặt lịch làm việc với DATC.

Theo ông Quang, để giải quyết khó khăn cho Bianfishco, đầu tiên là cần bán bớt những tài sản không cần thiết. Sau đó là thuyết phục để các ngân hàng phải cho vay vốn trở lại thì DN mới hoạt động được. Tuy nhiên DATC không thể bảo lãnh khoản vay vì không có chức năng.

Ông Quang cho biết các khoản lỗ của Bianfishco được cộng dồn từ nhiều năm nay chứ không phải bây giờ mới lỗ. Một trong những nguyên nhân gây lỗ là vay nhiều, chi phí vay tính cả chênh lệch tỷ giá lên tới 150 – 170 tỷ đồng tiền lãi/năm.

Có thể hình dung DN sản xuất vẫn có lợi nhuận nhưng không đủ bù đắp chi phí, do lãi vay cao và lỗ do quản trị và đầu tư vốn nhiều, nên cứ hoạt động là lỗ và nợ.

Và khi không còn tiền, không vay được nữa thì khựng lại. Năm ngoái khi các ngân hàng rút khoảng 400 tỷ đồng, không cho vay lại nữa, nên DN không còn dòng tiền quay vòng.

“Chúng tôi có tiền nhưng không thể cho DN vay được mà chỉ có thể sắp xếp với các chủ nợ để ngân hàng cùng vào cho vay và giám sát.”- Ông Quang nói.

Liệu DATC có mua lại nợ của Cty Bianfishco để trở thành một cổ đông lớn không? Theo ông Quang điều này còn phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề, dù về cơ bản DATC được giao nhiệm vụ chính là giúp DN này tái cơ cấu lại. Vấn đề đặt ra là tìm cách nào để DN tăng vốn, có tìm được cổ đông mới ở lĩnh vực thủy sản.

Nhận xét chung về khả năng của Bianfishco ông Quang cho rằng DN này có nền tảng tốt về nhà máy, năng lực, thương hiệu, đầu ra xuất khẩu tốt, được ưu đãi thuế…

“Họ có nhà máy đẹp, bài bản, có phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu đủ tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ, Nhật, được “code” xuất khẩu hàng đi Mỹ với thuế suất bằng 0%. Bản thân khách nước ngoài đến nhà máy cũng rất ưng. Mấy ngày nay khi DN trở lại hoạt động giá cá tra đã lên mấy giá”.

Theo ông Quang, hiện tại để đưa ra được một bức tranh tổng thể về DN, phải chờ kết quả kiểm toán từ Cty kiểm toán Deloitte (1 trong 4 công ty kiểm toán lớn trên thế giới) do chính Bianfishco thuê. Hiện phải kiểm toán lại, trong khi số liệu thì vẫn biến động.

Tài sản cũng phải đánh giá lại... Theo ông Quang, sau ít ngày vào tìm hiểu DATC thấy một số bất cập cần kiến nghị.

Đơn cử như vòng quay nuôi cá rất dài, lên tới gần 5,5 tháng trong khi lúa gạo thì được ngân hàng cho vay tiền mua dự trữ với lãi suất thấp, còn cá của nông dân cũng là một sản phẩm nông nghiệp lại chưa được ưu đãi gì. Có lẽ cũng đến lúc ngân hàng nên xem xét lại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG