Vậy DN, nhất là các DN ngấp nghé phá sản đang cần gì?
Viện phó Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế T.Ư, ông Võ Trí Thành, đề xuất 4 giải pháp chính: Một là hỗ trợ trực tiếp DN thông qua tiếp cận tín dụng, khoanh nợ, cơ cấu lại nợ, bảo lãnh tín dụng;
Hai là mở rộng hỗ trợ trực tiếp như giảm thuế thu nhập DN, có thể giảm xuống 23% (thay vì 25% như hiện nay), giảm thuế VAT;
Ba là mở van tín dụng tiêu dùng, hỗ trợ chương trình nông nghiệp nông thôn như đã làm năm 2009; Bốn là hỗ trợ DN xúc tiến thương mại.
Ông Thành cũng cho rằng, rủi ro lớn nhất hiện nay là hệ thống ngân hàng. Theo báo cáo, riêng nợ xấu ngân hàng là 3,6%. Các tổ chức quốc tế thì cho rằng con số này chiếm tới 12-13% tổng dư nợ. Tính trung bình số nợ cực xấu lên tới hàng tỷ USD.
Việc cần làm hiện nay là hạ lãi suất thấp hơn nữa. Nhiều ý kiến cho rằng lãi suất hiện nay không thể hạ được nhiều do ngân hàng thiếu vốn.
Nhưng phải hiểu trong cơ cấu dòng tiền của một ngân hàng luôn có khoảng 30% lượng tiền hầu như ngân hàng không phải chịu lãi suất hoặc lãi suất rất thấp do gửi không kỳ hạn... Nếu quản trị dòng tiền tốt thì ngân hàng hoàn toàn có thể hạ lãi suất.
Ông Thành cũng cho rằng, trong điều kiện hiện nay không cần có gói kích thích kinh tế lớn và toàn diện như năm 2009, vì Chính phủ không đủ nguồn lực, do phải chi phí thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế.
Tuy nhiên, sẽ có những nhóm giải pháp hỗ trợ được công bố trong tháng 5 này. Trong bối cảnh hiện nay, không thể cứu hết tất cả các doanh nghiệp mà phải chọn lọc hỗ trợ, chấp nhận một số DN quá yếu sẽ phải cho phá sản, giải thể.
Cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cũng cho rằng, phải giảm thuế cho DN để hỗ trợ đầu ra.
Hiện các DN vừa và nhỏ khó tiếp cận vốn ngân hàng, nên Chính phủ phải có quỹ bảo hiểm tín dụng để DN dễ tiếp cận vốn.
Cũng có thể không cần đưa ra gói kích cầu như năm 2009 nhưng phải thay vào đó là biện pháp hỗ trợ thị trường, mới có thể đảm bảo tăng trưởng GDP năm 2012 là 5,5% hoặc 6%.