Công văn do Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai ký nêu rõ, thuế suất thuế nhập khẩu các chủng loại xăng, dầu được giảm về mức 0% và giảm sử dụng Quỹ Bình ổn giá các chủng loại xăng dầu xuống còn 300 đồng/lít, kg.
Mặt hàng dầu hỏa điều chỉnh tăng 600 đồng/lít, lên mức 20.800 đồng/lít trong khi madut tăng 2.000 đồng/kg lên mức 18.800 đồng/kg.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu tính đủ thuế theo barem thuế thì giá bán xăng dầu trong nước phải điều chỉnh tăng khoảng từ 4.200 đồng/lít đến 6.500 đồng/lít tuỳ theo từng chủng loại xăng dầu. Mức điều chỉnh trên đây mới chỉ bằng từ 12,56% đên 40,95% mức đáng ra phải điều chỉnh theo quy định.
Tổng số tiền giảm thu ngân sáchnNhà nước do thuế suất thuế nhập khẩu thấp hơn so với barem quy định để giữ bình ổn giá xăng dầu trong năm 2011 ước khoảng 20.000 tỷ đồng. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2012 ước khoảng 3.900 tỷ đồng.
Về quyết định tăng giá, theo Bộ Tài chính, xăng dầu tiêu dùng trong nước hiện nay chủ yếu phải nhập khẩu, giá trong nước phụ thuộc vào sự biến động của giá thị trường thế giới. Những ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3 giá đã tăng mạnh và tăng lên mức cao nhất trong 9 tháng gần đây.
Đến nay giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng, tạo ra chênh lệch giữa giá cơ sở cao hơn giá bán trong nước hiện hành, nếu không điều chỉnh giá bán xăng dầu, kinh doanh xăng dầu sẽ gặp nhiều khó khăn, đồng thời tạo chênh lệch giữa giá xăng dầu trong nước với các nước lân cận (Trung Quốc, Lào, Campuchia) khoảng từ 4.313 đồng/lít đến 8.387 đồng/lít tuỳ theo từng mặt hàng và từng nước khiến tình trạng buôn lậu xăng dầu ở khu vực các tỉnh phía Nam diễn ra rất phức tạp.
Để giải quyết tình hình trên, trong khi các giải pháp tài chính khác không còn: thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng xăng, dầu đã ở mức 0%, một số mặt hàng còn lại thuế suất thấp (3%) và Quỹ Bình ổn giá đã sử dụng hết. Vì vậy, cần thiết phải tiếp tục điều chỉnh giá.