> Kiểm soát chặt việc chuyển giá trong đầu tư, kinh doanh
Khoảng cách giàu nghèo lớn hơn sau khi VN gia nhập WTO. Ảnh: P.A. |
Lỗ, lãi đều chuyển giá
Bộ KH&ĐT cho biết, số liệu từ Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), trong năm 2010, đã thanh kiểm tra thuế tại các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè tại Lâm Đồng... truy thu hơn 133 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 1.400 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2010, ngành Thuế đã thanh tra 575 doanh nghiệp FDI (lỗ trong các năm từ 2005-2009), kết quả giảm lỗ hơn 4.000 tỷ đồng và truy thu thuế hơn 212 tỷ đồng. Trong đó, phát hiện 43 doanh nghiệp FDI quan hệ giao dịch liên kết có dấu hiệu chuyển giá, xử phạt 37 doanh nghiệp, giảm lỗ 887 tỷ đồng, truy thu thuế và phạt 27 tỷ đồng.
Trong năm 2011, 1.267 doanh nghiệp có vốn FDI thuộc diện phải kiểm tra việc chuyển giá, trốn thuế. Tính đến tháng 9-2011, toàn ngành đã thực hiện thanh tra 585 doanh nghiệp lỗ, trong đó có 76 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá. Ngành Thuế đã kết luận thanh tra và quyết định xử lý 494 doanh nghiệp lỗ. Kết quả, đã giảm lỗ 3.754 tỷ đồng, truy thu thuế hơn 978 tỷ đồng, giảm khấu trừ 86,9 tỷ, xử phạt 272 tỷ.
Cũng theo Bộ KH&ĐT, chuyển giá xảy ra không chỉ ở doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ mà còn xảy ra ở cả doanh nghiệp có lãi và hoà vốn với mức độ khác nhau. Dấu hiệu nghi ngờ doanh nghiệp chuyển giá được nhìn nhận qua đặc điểm: Doanh nghiệp lỗ mất vốn chủ sở hữu và doanh nghiệp liên tục lỗ trong nhiều năm, nhưng vẫn tiếp tục mở rộng quy mô.
Theo kết quả điều tra của Bộ Tài chính, tại TPHCM, có 460/3.890 doanh nghiệp có vốn FDI điều tra mức báo lỗ quá vốn chủ sở hữu; con số này tại Bình Dương, Đồng Nai lần lượt là 200/1.490 và 72/987. Trong khi đó, riêng năm 2010, tỷ lệ doanh nghiệp kê khai lỗ tại TP HCM là 47%; Bình Dương 50,6%, Đồng Nai 43,2%.
Các chiêu chuyển giá
Doanh nghiệp FDI thường thực hiện hoạt động chuyển giá qua 2 hình thức là chuyển giá lãi và chuyển giá lỗ. Về hình thức chuyển giá lãi, thời gian qua, một số doanh nghiệp FDI xin chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Trong quá trình đó, nhiều doanh nghiệp đã định giá không xác thực tài sản, làm tăng lợi nhuận để niêm yết sàn giao dịch chứng khoán, đồng thời làm cho trị giá cổ phiếu cao khi niêm yết; lợi dụng việc chuyển đổi để bán bớt cổ phần, thậm chí chuyển toàn bộ vốn ra khỏi Việt Nam; làm gia tăng lượng cung, gây mất cân đối nghiêm trọng về cung-cầu trên thị trường chứng khoán, ảnh hưởng đến cán cân thanh toán, đặc biệt là dòng vốn FDI thực vào.
Về chuyển giá lỗ, có các biểu hiện: Thông qua nâng cao giá trị tài sản góp vốn; mua bán nguyên vật liệu, bán thành phẩm với công ty mẹ ở nước ngoài hoặc các công ty liên kết; qua cung cấp dịch vụ, phí quản lý, phí bản quyền, phí hỗ trợ kỹ thuật; qua nâng chi phí cho vay, bảo lãnh; qua trả lương, đào tạo, chi phí quảng cáo, bán hàng; qua việc điều phối thu nhập giữa các bên liên kết; chuyển giá thông qua các nhà thầu.
Theo quy định, nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn bằng máy móc, thiết bị, công nghệ, nhưng do hạn chế về năng lực và trình độ thẩm định giá, thiếu thông tin, cơ sở dữ liệu để so sánh nên trong quá trình định giá, những máy móc thiết bị và công nghệ thường bị đẩy cao hơn so với giá trị thực.
Bên cạnh đó, với doanh nghiệp liên doanh, ngoài các hệ luỵ trên, việc tăng ảo tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến việc quản trị, điều hành trong hội đồng quản trị và cuối cùng là phân chia lợi nhuận, tài sản khi kết thúc hợp đồng.
Trong khi đó, mục đích của việc chuyển giá thông qua mua bán nguyên vật liệu, bán thành phẩm với công ty mẹ ở nước ngoài hoặc các công ty liên kết nhằm giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, thậm chí gây ra tình trạng lỗ giả, lãi thật, không phải thực hiện nghĩa vụ thuế.
Ví dụ như các công ty chè tại Lâm Đồng, đã thực hiện nâng giá hàng hoá, tài sản nhập khẩu từ Đài Loan vào Việt Nam để tăng chi phí, giá trị đầu tư; trong khi đó lại tìm mọi cách hạ giá sản phẩm chè xuất khẩu từ Việt Nam về công ty mẹ ở bản quốc, dẫn đến doanh nghiệp có vốn FDI tại Lâm Đồng thua lỗ liên miên.
5 thách thức chống chuyển giá Theo Bộ KH&ĐT, để thực hiện thành công quy tắc chuyển giá, Việt Nam đang đối mặt với 5 thách thức lớn: Khung pháp lý về chuyển giá chưa hoàn thiện; thiếu thông tin; chưa có chế tài xử phạt mang tính răn đe đối với hoạt động chuyển giá, làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước; sự phối kết hợp giữa các cơ quan trong việc chia sẻ thông tin còn yếu; thiếu nguồn nhân lực đủ trình độ và hiểu biết về chuyển giá để đối phó với vấn đề này. |