Dư luận đang đặt ra câu hỏi phải chăng chính việc kiểm soát chất lượng xăng dầu đang bị buông lỏng nên đã dẫn đến tình trạng trên?
Sơ đồ phân phối và kiểm soát chất lượng xăng dầu hiện nay.
Không quản nổi đại lý
Thực tế, các doanh nghiệp (DN) đầu mối hiện nay mới chỉ quản lý được khoảng 1/4 số cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Số còn lại vẫn diễn ra tình trạng mua nguồn xăng dầu trôi nổi, không hóa đơn chứng từ, chất lượng kém để tối ưu hóa lợi nhuận.
Theo các chuyên gia, đây là lý do khiến thị trường xăng dầu trở nên hỗn loạn và khó kiểm soát được chất lượng như hiện nay.
13.000 kiểm soát được 3.000?
Ông S., phụ trách kinh doanh xăng dầu một công ty thương mại tại TP.HCM, cho biết công ty chuyên bán sỉ xăng dầu và bán lẻ tại một số cây xăng trực thuộc. Cuối tuần trước, đơn vị này lấy 25.000 lít xăng A92 từ kho của DN đầu mối ở Tổng kho xăng dầu Nhà Bè.
Tại đây, công ty đầu mối cung cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng xăng dầu, tiến hành lấy mẫu xăng lưu, sau đó hàng được chuyển về hai cây xăng bán lẻ của đại lý trực thuộc.
Để đề phòng trường hợp trong quá trình vận chuyển khoảng một giờ từ kho của DN đầu mối về cây xăng bán lẻ tài xế rút ruột, pha thêm hóa chất, trước khi xăng được đổ vào bồn DN đầu mối tiếp tục lấy mẫu lưu.
Ông S. cho biết do có mẫu xăng lưu nên dễ dàng truy lại xăng dỏm từ khâu nào của công đoạn trên. Tuy nhiên, khi xăng đổ xuống bồn của đại lý thì không ai biết được đại lý làm gì. Trường hợp bể chứa của đại lý có dung tích 25.000 lít, nhưng đại lý chỉ lấy 15.000 lít, sau đó pha thêm methanol, acetone... khó ai kiểm soát được.
Từ xăng A92, đến khâu này hoàn toàn có thể biến thành hỗn hợp xăng A92 pha với methanol, acetone hay bất cứ dung môi hóa chất nào khác có thể hòa tan với xăng. Từ đây, DN đầu mối hay các tổng đại lý không thể kiểm soát được. Hơn nữa, với lượng 15.000-20.000 lít, một cây xăng chỉ bán trong một tuần là hết hàng. Do đó, việc kiểm soát càng khó khăn.
"Tôi không tin 100% cửa hàng, đại lý giữ được chất lượng như hàng công ty đã giao. Có thể hôm nay hàng đến cây xăng vẫn giữ đúng chất lượng, nhưng ngày mai thì không đảm bảo được" - Ông Nguyễn Xuân Sơn - Tổng giám đốc PV Oil. |
Ông Hoàng Lâm, phó giám đốc Trung tâm Tiêu chuẩn kỹ thuật đo lường chất lượng 3 (Quatest 3), cho biết trước khi xuất bán hàng ra thị trường, DN đầu mối buộc phải có giấy chứng nhận xăng dầu đạt chất lượng, phù hợp với tiêu chuẩn VN. Quatest 3 đã kiểm nghiệm cho rất nhiều lô hàng xăng dầu ở khu vực phía Nam. Đại đa số hàng đều đạt chất lượng.
Ông Lâm cho rằng về cơ bản, đầu vào xăng dầu và đầu ra từ tay DN đầu mối đến tổng đại lý hoặc đại lý rất chặt chẽ. Tuy nhiên, đến khâu đầu ra từ các đại lý đến người tiêu dùng lại quá nới lỏng, ít được kiểm tra, kiểm soát. Điều này dẫn đến người kinh doanh sẵn sàng pha thêm dung môi, hóa chất vào để kiếm lợi nhuận.
Theo tính toán, nếu pha 15-20% methanol vào xăng không chì A92, người bán xăng có thể lời được vài ngàn đồng/lít.
Theo Bộ Công thương, hiện cả nước có khoảng 13.000 đại lý bán lẻ xăng dầu. Trong đó, khoảng 3.000 cửa hàng trực thuộc hệ thống bán lẻ của các công ty đầu mối. Theo Petrolimex, đơn vị này có 2.000 cửa hàng trực thuộc. Tổng công ty Dầu VN (PV Oil), đơn vị đang chiếm 22% thị phần bán lẻ xăng dầu trong nước, cũng cho biết đang có 463 cửa hàng xăng dầu trực thuộc hệ thống...
Các DN đều cam kết thực hiện các bước quản chặt chất lượng xăng dầu trong hệ thống cửa hàng bán lẻ của mình. Tuy nhiên, khoảng 10.000 đại lý còn lại, DN làm không xuể. Ông Nguyễn Xuân Sơn, tổng giám đốc PV Oil, cho biết cửa hàng trong hệ thống PV Oil thì đảm bảo nhưng ngoài hệ thống thì rất khó.
Nạp nhiên liệu vào xe bồn tại tổng kho xăng dầu Nhà Bè, TP.HCM. Doanh nghiệp đầu mối chỉ bảo đảm chất lượng xăng dầu đối với các cửa hàng trực thuộc, còn các đại lý thì... chịu! - Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Cơ hội cho “xăng dầu đen”
Qua tìm hiểu của phóng viên, nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu thừa nhận việc phải pha trộn, bán xăng chất lượng kém do thời gian qua chiết khấu từ các công ty đầu mối, tổng đại lý cho DN bán lẻ rất bấp bênh. Có thời điểm chiết khấu xuống còn 150 đồng/lít, DN chịu chi phí vận chuyển nên thực tế chỉ còn 50 đồng/lít. Mức chiết khấu này khiến đại lý bị thua lỗ nặng.
Đại diện một DN bán lẻ xăng dầu ở Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết DN phải đầu tư chi phí mặt bằng, trang thiết bị, trả lương nhân viên, chi phí điện kinh doanh, lãi vay ngân hàng... Nhiều thời điểm mức chiết khấu không đủ để DN trang trải các khoản trên.
Chính vì vậy để đảm bảo không lỗ, bên cạnh việc tiếp tục duy trì hợp đồng dài hạn với tổng đại lý hoặc công ty đầu mối, nhiều đại lý lấy nguồn hàng trôi nổi, không rõ chất lượng từ xe bồn rút ruột, thậm chí từ những tổng đại lý có nguồn xăng dầu pha. Ở những nguồn hàng này, DN được nhận mức chiết khấu tối thiểu 500 đồng/lít, có thời điểm lên đến hơn 1.000 đồng/lít.
“Bản thân đại lý cũng không biết xăng pha gì. Chỉ biết rẻ, lời nhiều là mua. Hàng mua không có hợp đồng, không hóa đơn chứng từ. DN muốn lấy khi nào cũng có, chỉ cần điện thoại thương lượng giá cả, chiết khấu là xong” - đại diện DN này nói.
Trong khi đó, theo quy định tại nghị định 84, mỗi đại lý chỉ được lấy hàng từ một tổng đại lý hoặc một công ty đầu mối. Tương tự, mỗi tổng đại lý chỉ được lấy hàng từ một công ty đầu mối. Tuy nhiên, giới kinh doanh xăng dầu cho biết quy định chỉ là quy định, và trên thực tế thời gian qua không có nhiều DN tuân thủ điều này.
Chủ tịch hội đồng thành viên PV Oil Lê Như Linh bức xúc nói: “Tình trạng đại lý xăng dầu “kết hôn” với một công ty đầu mối nhưng lại “ngoại tình” với những nguồn bán hàng trôi nổi khác khá phổ biến, khiến DN không thể nào kiểm soát được chất lượng hàng”.
Mới đây 18 DN bán lẻ xăng dầu ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã có đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, trong đó khẳng định do không có cạnh tranh chiết khấu nên đại lý mới phải mua nguồn hàng chui, không đảm bảo chất lượng.
Các DN này kiến nghị được chủ động lựa chọn đơn vị cung cấp giá tốt trong từng thời điểm, tạo sự cạnh tranh về chiết khấu dưới mức giá trần do Bộ Tài chính quy định. Khi đó, đại lý đảm bảo chi phí kinh doanh, có lợi nhuận nên sẽ không cần phải lấy hàng trôi nổi và gian lận thương mại phổ biến như hiện nay.
Tuy nhiên, các DN đầu mối và các tổng đại lý xăng dầu lại cho rằng làm như vậy sẽ càng khó quản chặt chất lượng xăng dầu.
Đại diện Công ty cổ phần thương mại xuất nhập khẩu Thủ Đức - một tổng đại lý xăng dầu lớn tại TP.HCM - cho biết thông thường mỗi đại lý xăng dầu chỉ có một bồn chứa. Nếu cho đại lý lấy hàng từ nhiều nguồn khác nhau, khi hàng đưa về cây xăng sẽ phải đổ chung bồn. Trường hợp lấy phải hàng kém chất lượng, hay chính đại lý pha trộn các dung môi hóa chất rẻ hơn xăng vào để kiếm lời sẽ rất khó kiếm soát. Vì khi đó sẽ không biết ai là thủ phạm “làm bậy” để quy trách nhiệm, xử lý, chế tài.
Doanh nghiệp đầu mối sẽ bị phạt nếu bán ngoài hệ thống Theo điều 17 nghị định 84 quy định: tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng làm tổng đại lý cho một thương nhân đầu mối; đại lý chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ cho một tổng đại lý, hoặc một thương nhân đầu mối; cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân đầu mối chịu sự kiểm soát của thương nhân đó, chỉ được mua bán xăng dầu với thương nhân trong hệ thống phân phối của mình. Trường hợp phát hiện tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu có hành vi lấy hàng từ nhiều nguồn khác nhau sẽ bị xử phạt 20-30 triệu đồng. DN đầu mối bán xăng dầu cho các đại lý ngoài hệ thống phân phối của mình cũng bị xử phạt 30-40 triệu đồng. Một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết trong các đợt kiểm tra về đo lường, chất lượng xăng dầu, cơ quan này vẫn luôn kiểm tra song song về hóa đơn chứng từ để xem xét nguồn đầu vào của các cây xăng. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra chỉ phát hiện một vài trường hợp cây xăng lấy hàng từ nhiều nguồn, còn lại phần lớn các đại lý lấy xăng dỏm từ nguồn hàng trôi nổi nên không thể hiện trên hóa đơn chứng từ. |
Theo Bạch Hoàn
Tuổi Trẻ