Vàng SJC của công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn tại thành phố Hồ Chí Minh mở cửa mua vào 47,27 triệu đồng/lượng, bán ra 47,47 triệu đồng/lượng, giảm 30.000 đồng/lượng trên cả giá mua và bán so với cuối tuần trước.
Vàng miếng hiệu Phượng Hoàng PNJ-DAB của công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận, lúc 08 giờ 42, mua bán tương ứng 47,35 – 47,46 triệu đồng/lượng. Tại hệ thống Sacombank, vàng miếng SBJ giảm còn 47,11 – 47,49 triệu đồng/lượng.
Tỷ giá bình quân liên ngân hàng do ngân hàng nhà nước công bố ổn định ở mức 20.628, trong khi giá USD giao dịch tại ngân hàng thương mại cũng không đổi: mua vào 20.830, bán ra 20.834. |
Giá vàng thế giới trong phiên giao dịch đầu tuần mới tại châu Á tiếp tục hạ, sau khi đồng USD phục hồi mạnh so với euro. Vàng giao ngay mở cửa phiên sáng nay giảm 4,21USD, còn 1.852,95USD/Oz, trong khi vàng giao sau giao dịch tại Mỹ hạ 3,3USD, còn 1.856,2USD/Oz.
Theo hãng tin Reuters, nhu cầu vàng trên thế giới trong quý hai năm nay giảm, nhưng được dự đoán sẽ tăng trở lại trong quý hai, do nhu cầu mua sắm vàng nữ trang tại Trung Quốc và Ấn Độ tăng mạnh.
Hôm qua, chính phủ Hy Lạp công bố một loại thuế mới đánh vào thị trường bất động sản nước này, để bù đắp thâm hụt ngân sách khổng lồ của năm 2011, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của các công ty cho vay quốc tế, làm dấy lên những mối quan ngại về thực trạng nợ công tại khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Không chỉ trượt giá so với đồng bạc xanh, yen Nhật, euro cũng rơi xuống mức thấp nhất từ năm 2011. Trong khi đó, chỉ số đo lường sức mạnh USD so với sáu loại tiền tệ cơ bản khác đã tăng ngày thứ ba, lên mức cao nhất trong hơn sáu tháng. Tỷ giá EUR/USD sáng nay có lúc trượt về mức 1,3555, từ mức 1,3656 cuối tuần trước.
Đi kèm với đà tăng của USD là sự mất giá của nhiều hàng hóa khác: giá dầu thô ngọt nhẹ giảm 1USD. Trên thị trường chứng khoán, chỉ số Nikkei 225 của Nhật giảm nhẹ, chỉ số chứng khoán tương lai của Hoa Kỳ hạ, sau khi có tin một quan chức trong ban lãnh đạo của ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố từ chức.