Quyết tâm giữ lạm phát 18%

Quyết tâm giữ lạm phát 18%
TPO - Hôm qua (1-9), tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8- 2011, trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về nguyên nhân tiền tệ khiến lạm phát tăng cao, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, lạm phát có nguyên nhân từ tiền tệ.

* Một số dự án xi măng khó có khả năng trả nợ

Thực phẩm ở một số chợ đầu mối tại Hà Nội giá đã giảm. Ảnh: PV
Thực phẩm ở một số chợ đầu mối tại Hà Nội giá đã giảm. Ảnh: PV.

Trước đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã nhìn thẳng vào những yếu kém hiện nay và thấy có nhiều vấn đề cần giải quyết. “Chính phủ đặt vấn đề tại sao lạm phát cao như vậy? Lý do ở chính sách tài khóa hay tiền tệ, ở cơ cấu kinh tế hay cái gì? Nhiều người nói trước đây lạm phát không phải do tiền tệ, nhưng giờ này Chính phủ nhìn nhận có một nguyên nhân quan trọng là tiền tệ. Chính phủ đã giao cho các bộ ngành nghiên cứu kỹ để phiên họp tháng 9 tới sẽ bàn rất sâu về lạm phát”.

Ông Đam cho biết, năm 2011 lạm phát cố giữ thì cũng phải tăng 18%. Năm 2012 quyết tâm kéo lạm phát xuống một con số.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lạm phát cơ bản (trừ giá thực phẩm và năng lượng) tăng 8,5% trong 8 tháng đầu năm và tăng 13% so với cùng kỳ. Mà lạm phát cơ bản là do yếu tố tiền tệ.

Trong những tháng cuối năm, Chính phủ sẽ kiên quyết thực hiện Nghị quyết 11. Tăng trưởng tín dụng kiểm soát dưới 20%, tuy nhiên, việc điều hành thực tế sẽ linh hoạt. Ông Đam cho biết, từ đầu năm tăng trưởng tín dụng là tương đối thấp, dư địa còn lại trong những tháng cuối năm còn nhiều. Song Chính phủ chỉ đạo không nhất thiết phải dùng hết dư địa đó, mà sử dụng vốn vào những địa chỉ có hiệu quả, kích thích sản xuất. Chính sách tài chính tiền tệ chặt chẽ nhưng vẫn phải duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý cố gắng duy trì GDP 6%.

Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, dư địa tăng tín dung cũng không còn nhiều. “Tăng trưởng tín dụng 8 tháng đã đạt 11,7%, tương đương 70% mục tiêu đề ra cho cả năm, vì vậy dư địa còn lại cho những tháng cuối năm không quá lớn”- Ông Bình nói.

Nhà nước sẽ giữ vàng cho dân

Trả lời câu hỏi của PV về thị trường vàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, nếu giá vàng trong nước chênh với giá thế giới khoảng 400.000 đồng thì sẽ xuất hiện yếu tố làm giá, đầu cơ. Ông Bình cho rằng quyền nắm giữ và đầu tư vàng của người dân là chính đáng, tuy nhiên, cần thận trọng khi thị trường có những diễn biến bất thường. Trước đó, từ tháng 4 đến tháng 7-2011 người dân bán vàng ra, đây là yếu tố tích cực cho nền kinh tế.

Nhà nước sẽ giữ vàng cho dân để tránh sốt vàng. Ảnh: Văn Việt
Nhà nước sẽ giữ vàng cho dân để tránh sốt vàng. Ảnh: Văn Việt.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 8 khi giá vàng tăng thì người có vàng dừng không bán, người mua vàng tăng. Đây cũng là dịp giới đầu cơ làm giá trục lợi. Trước tình hình này, Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép nhập 15 tấn vàng nhưng đến nay các doanh nghiệp mới nhập 7 tấn.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã trình dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng. Theo đó, Nhà nước sẽ huy động vàng trong dân thông qua các tổ chức tín dụng. “Nhà nước giữ vàng cho dân sẽ an toàn hơn”- Ông Bình nói.

Chính phủ bão lãnh vay 1,365 tỷ USD cho dự án xi măng

Trả lời câu hỏi của PV về tình hình bảo lãnh vay cho một số dự án xi măng, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ cho biết, tính đến ngày 31- 8, tổng mức bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án xi măng là 1.365 triệu USD với 16 dự án. Trong đó, hiện 4 dự án xi măng được bảo lãnh đang lâm vào tình trạng khó khăn, khó có khả năng trả nợ. Cụ thể: Xi măng Đồng Bành vay 45 triệu USD (cấp bảo lãnh năm 2008) ; Xi măng Thái Nguyên 59 triệu USD (năm 2005); Xi măng Tam Điệp 133 triệu USD (năm 2000); Xi măng Hoàng Mai 145 triệu USD (năm 1998).

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, nợ Chính phủ bảo lãnh được coi là nghĩa vụ dự phòng, nếu doanh nghiệp hoàn toàn mất khả năng thanh toán và Chính phủ phải trả thay, thì lúc đó nợ dự phòng trở thành nghĩa vụ trả nợ thực tế của Chính phủ. Theo quy định hiện nay, đối với những khoản Chính phủ bảo lãnh nếu doanh nghiệp không trả được nợ, Bộ Tài chính sẽ ứng để trả nợ thay nhiều nhất 3 kỳ.

Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả các dự án được nêu ở trên chưa đến mức quá 3 kỳ không trả được nợ. Trường hợp sau 3 kỳ mà doanh nghiệp chưa thể trả được nợ thì sẽ thực hiện theo Luật Quản lý nợ công là bán thanh lý tài sản thế chấp để thu hồi trả nợ.

Ngày 27-7, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Chính phủ, đề nghị yêu cầu tất cả các địa phương rà soát lại quy hoạch, đặc biệt là các dự án xi măng, tập trung đầu tư để đưa các dự án này đi vào sử dụng. Với những dự án đã đi vào hoạt động thì sẽ được tháo gỡ tất cả những khó khăn đang vướng mắc để có thể hoạt động với công suất cao nhất, đạt hiệu quả cao nhất, từ đó có lãi và trả được nợ.

Bộ cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng rà soát lại các quy hoạch về phát triển ngành xi măng. “Trong khi chờ quy hoạch mới, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng tạm thời ngừng cấp bảo lãnh đối với tất cả các dự án xi măng cho đến khi có chủ trương mới”- Ông Huệ nói.

Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết, đã yêu cầu Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại có báo cáo tổng hợp, phân tích đánh giá nợ công của Việt Nam trong thời gian từ 2006 đến 2010 để phục vụ điều hành chiến lược nợ công từ 2011- 2020.

Hà Nhân

Theo Viết
MỚI - NÓNG