Bắt đầu từ cuối năm 2008, khi lúa-tôm bén rễ trên vùng đất bao đời bạc phếch, 12 xã viên HTX Lúa-Tôm Hòa Lời ở ấp Hòa Lời, xã Ngọc Đông, hùn nhau 21 ha làm lúa thơm theo tiêu chuẩn Global GAP. Đến tháng 7-2011, thêm 19 hộ nữa tham gia, nâng tổng diện tích lên 61 ha. Có lợi ích cụ thể, người nông dân tiếp thu cái mới thật nhanh.
Liên minh
Để được chứng nhận Global GAP, nông dân phải học và tuân thủ hơn 200 qui định khắt khe. Chủ nhiệm HTX Lúa-Tôm Hòa Lời Mai Văn Chánh tâm sự, phải từ bỏ nhiều thói quen trong canh tác và sinh hoạt. Ông Chánh kể, chẳng hạn các hộ phải có nhà vệ sinh tự hoại, túi biogas, sân phơi được bao lưới ngăn chặn gà vịt và kho bảo quản đúng chuẩn. Tuy nhiên, trên đất nuôi tôm mỗi năm chỉ làm một vụ lúa, làm lúa thơm mới cho hiệu quả kinh tế cao và theo tiêu chuẩn Global GAP thì hiệu quả càng cao.
Ban đầu, ngành NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ vốn đầu tư và giống lúa ST5 thích hợp với vùng đất lợ. Cty Cổ phần Gentraco từ Cần Thơ xuống hỗ trợ thêm kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 15% đến 25%, tùy theo tỷ lệ hạt gạo bị gãy. Liên kết bốn nhà trên các diễn đàn trở thành hiện thực sinh động nơi đây.
Chỉ năm đầu tiên, năm 2009 so với năm 2008, sản lượng lúa tăng 10,5%; lợi nhuận của nông dân tăng xấp xỉ 66%; lợi nhuận của Gentraco tăng 135%. Ông Nguyễn Văn Tùng chỉ có một héc-ta, cho biết, “làm một vụ mà lãi hơn 27 triệu đồng, trước kia nằm mơ cũng không thấy”.
Tháng 7-2011, mối liên kết đi tới thành lập “Liên minh sản xuất, chế biến và tiêu thụ gạo thơm Ngọc Việt-Hòa Lời”. Vẫn nền tảng liên kết bốn nhà nhưng có Ban quản lý Liên minh để điều phối chung, nhằm phát huy mặt tốt, hạn chế mặt yếu. GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng Quách Văn Nam nói, từ đây các hỗ trợ của nhà nước cho nông dân và nông nghiệp, không qua cơ quan hành chính kiểu phong trào nữa mà qua Liên minh để có lúa gạo hàng hóa chất lượng cao. Cũng từ đó, nông dân tiên tiến, nông trang hiện đại, nông thôn mới hiện hình.
Liên minh có 31 hộ, tổng diện tích thực hiện Global GAP 61 ha. Để duy trì sản phẩm an toàn cho người lao động, người tiêu dùng và môi trường, phải đầu tư gần 15 tỷ đồng từ sản xuất đến bảo quản chế biến. Trong đó, HTX đầu tư gần 1,8 tỷ, doanh nghiệp 11,5 tỷ, còn lại dự án của nhà nước hỗ trợ. Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty Cổ phần Gentraco Nguyễn Trung Kiên cho biết, đầu tư của doanh nghiệp chủ yếu về nhà máy chế biến và tiếp thị mở rộng thị trường.
Ngày 11-7-2011 ra đời “Liên minh sản xuất, chế biến và tiêu thụ gạo thơm Ngọc Việt-Hòa Lời”. |
Phát triển
Ông Trầm Tấn Thành, phụ trách dự án lúa chất lượng cao của Cty Cổ phần Gentraco, trực tiếp làm việc với HTX Lúa-Tôm Hòa Lời cho biết, tháng 9 thu hoạch xong vụ tôm nuôi, nông dân xuống giống lúa và gần Tết sẽ thu hoạch, năm nay sản lượng dự kiến hơn 330 tấn lúa, doanh nghiệp bao tiêu hết. Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Nguyễn Trung Kiên cho biết thêm, Gentraco đã có mạng lưới phân phối trong cả nước và xuất khẩu mỗi năm hơn 300.000 tấn gạo, mục tiêu lâu dài là mỗi năm có thêm 1.500 tấn gạo thơm Ngọc Đồng để đưa vào siêu thị châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ.
Đi từ cuộc sống, gắn với thị trường, đòi hỏi đổi mới thường xuyên và do đó khoa học kỹ thuật luôn được coi trọng, trước hết là giống lúa. Mới ba năm trước, giống ST5 cho kết quả tốt khai thác đất lợ nuôi tôm, nay đã có giống ST13 với ưu điểm vượt trội. Nói đến lúa thơm, các nhà khoa học thường nói đến bệnh đạo ôn. Để trừ bệnh, phải phun thuốc bảo vệ trước và sau khi lúa trổ bông nhưng như thế dễ lưu tồn thuốc trên hạt gạo, sẽ mất an toàn thực phẩm.
Kỹ sư Hồ Quang Cua, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng với các chuyên viên kỹ thuật thuộc Sở đã lai ngẫu nhiên giữa ST1 (mẹ) và ST3 (bố) cho ra ST13 chống được bệnh đạo ôn. Năm 2010, HTX Lúa-tôm Hòa Lời xuống giống ST13, vì ít bệnh nên hạt gạo trắng đẹp, xay được nhiều hạt gạo nguyên, dài đến 7,4 mm. Gạo thơm Ngọc Đồng, hạt ngọc từ cánh đồng nhiễm mặn nghìn đời xưa heo hút, đang cho cơm ngày càng thơm dẻo, hương tỏa, lan xa.