Cầu La Ngà (Đồng Nai) sẽ rất nguy hiểm nếu xe trọng tải lớn đi qua. Ảnh: Đức Minh. |
Do việc tranh cãi giữa xe 25 tấn với xe 40 tấn chở bô-xít khiến tuyến tỉnh lộ bị hỏng giữa địa phương và Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng Việt Nam (Vinacomin), Tổng Cục Đường bộ Việt Nam đã đưa ra 2 phương án cho 3 tuyến đường vận chuyển. Thế nhưng, cả Bộ GTVT, Vinacomin lại thống nhất đề xuất Chính phủ phương án vận chuyển bằng xe 25 tấn và đưa ra các phương án để so sánh.
Theo đó, với tuyến tỉnh lộ ĐT 725 (đoạn từ Tân Rai đến Bảo Lộc dài 18,5 Km) nếu dùng cho xe trọng tải 40 tấn sẽ thiết kế mở rộng nền đường, tăng cường kết cấu áo đường thảm bê tông nhựa tối thiểu dày 7cm để đảm bảo cường độ (mặt đường), cải tạo, các đoạn đường cong bán kính nhỏ, độ dốc lớn. Tổng kinh phí ước tính 334 tỷ đồng.
Trường hợp dùng xe tải 25 tấn, cơ bản giữ nguyên bề rộng nền, mặt đường hiện tại; tăng cường kết cấu áo đường thảm bê tông nhựa tối thiểu dày 7cm để đảm bảo cường độ mặt đường...Tổng kinh phí 179 tỷ đồng.
Tuyến đường tỉnh lộ ĐT 769 (từ Dầu Giây tới Long Thành dài 33,5 Km), nếu chạy xe tải 40 tấn, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị kiểm định lại 3 cầu Cái Hảo, An Viễn và Bình Sơn 2 để sửa chữa tăng cường phục vụ vận chuyển ngay, với kinh phí khoảng 12 tỷ đồng.
Ngoài ra, đề nghị mở rộng nền đường, tăng cường kết cấu áo đường thảm bê tông nhựa tối thiểu 7 cm...với tổng kinh phí 647 tỷ đồng. Trường hợp chạy xe tải 25 tấn, kiểm định lại cầu An Viễn với kinh phí 6 tỷ đồng, ngoài ra cơ bản giữ nguyên bề rộng nền, mặt đường hiện tại. Kinh phí tăng cường kết cấu áo đường thảm bê tông ước tính 304 tỷ đồng.
Với quốc lộ 20 (từ Bảo Lộc đến Dầu Giây dài 123 Km) đã nằm trong dự án khôi phục và cải tạo để nối tỉnh Đồng Nai đến Lâm Đồng. Tuy nhiên, trong trường hợp việc triển khai dự án này theo hình thức BT có thể bị chậm thủ tục và lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hiện hành, dự kiến cuối năm 2012 mới khởi công, hoàn thành đầu năm 2014, riêng cầu La Ngà và Gia Đức cuối năm 2014 mới hoàn thành.
Tổng Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị lập thành tiểu dự án (sử dụng nguồn vốn sửa chữa đường bộ do Chính phủ cấp bổ sung) đảm bảo giao thông theo 2 phương án. Theo đó, phương án xe tải 40 tấn cần phải kiểm định và sửa chữa cải tạo 2 cầu La Ngà, Gia Đức với kinh phí khoảng 35 tỷ đồng.
Tổng kinh phí cả tuyến đường và cầu ước tính 603 tỷ đồng. Phương án xe 25 tấn lưu thông, sửa chữa mặt đường theo hiện trạng, tổng kinh phí khoảng 553 tỷ đồng.
Như vậy, bằng phép tính cộng đơn giản, với 3 tuyến đường vận chuyển bô-xít, nếu dùng xe tải 40 tấn kinh phí sẽ khoảng 1.584 tỷ đồng, xe 25 tấn hết khoảng 1.026 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ GTVT và Vinacomin thống nhất đề xuất Chính phủ phương án vận chuyển bằng xe 25 tấn.
Theo kế hoạch, cuối năm 2011, dự án tổ hợp bô-xít - Nhôm Tân Rai (Lâm Đồng) sẽ đi vào hoạt động với khối lượng vận chuyển 2 chiều dự tính đến năm 2013 sẽ đạt 1.335.000 tấn/năm. Trong khi chưa có cảng Kê Gà (dự kiến phải cuối năm 2015 mới hoàn thành), bô-xít từ Nhà máy Tân Rai được vận chuyển bằng ô tô qua tỉnh lộ 725 (Lâm Đồng), theo quốc lộ 20 về Dầu Giây rồi đi dọc tỉnh lộ 769 ra quốc lộ 51 để đến cảng Gò Dầu (Đồng Nai).