Gom mua - Trả nợ hay đầu cơ?

Vàng đang là tâm điểm của dư luận Ảnh: Hồng Vĩnh
Vàng đang là tâm điểm của dư luận Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Hôm qua 23-8, bước sang ngày thứ hai giá vàng lên trên ngưỡng 48 triệu đồng/lượng. Hơn 9h sáng, vừa mở cửa mà nhân viên quầy thu ngân ở Ruby Plaza (44, Lê Ngọc Hân, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã bận rộn vì hàng chục lượt người đến chờ... giao dịch.

> Giá vàng trong nước lùi xuống mức 48,50 triệu đồng

Vàng đang là tâm điểm của dư luận Ảnh: Hồng Vĩnh
Vàng đang là tâm điểm của dư luận. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Chị Nguyễn Thị Hạnh, 38 tuổi (quận Hai Bà Trưng- Hà Nội) vừa hớt hải kể: “Nếu đến muộn chẳng biết bao giờ mới đến lượt”- Vì sao phải mua vàng vào lúc giá cao này? Chị Hạnh cho hay do nợ một người bạn 5 chỉ vàng từ cách đây vài tháng khi giá vàng mở ở mức 3,8 triệu đồng/chỉ.

“Bạn cho vay đến hết năm, tôi cũng hy vọng giá hạ nhưng giờ thấy không còn cơ hội nên mua trả luôn”. Chị Hạnh nhẩm tính mới có vài tháng, mà số tiền chênh lệch cho 5 chỉ vàng chị phải bỏ ra đã lên ngót chục triệu đồng.

Tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu, 23 Trần Nhân Tông- Hà Nội, hơn 10h sáng không khí mua bán “xôm” và căng như bữa trước. Do số người mua quá đông, nên cửa hàng này đành ứng phó bằng cách khách mua số lượng lớn phải ghi giấy hẹn chờ 2 ngày nữa mới được nhận hàng.

Ôm cả bọc tiền to trong túi ni lông in tên một ngân hàng thương mại lớn, anh Nguyễn Văn Hùng (Ba Đình- Hà Nội) cho hay cũng có người mang vàng đến muốn bán ngay nhưng tôi quyết định lấy phiếu hẹn vì mua trực tiếp sẽ không có giấy tờ đảm bảo”.

Theo một nhân viên ở đây, thời điểm này, số khách mua trả nợ không nhiều mà đa phần là mua để chờ khi giá vàng tăng hơn nữa thì đem bán. “Khách toàn đòi mua vàng cây vì sợ nhẫn và vàng trang sức bán sẽ mất giá.”- Nhân viên này nói.

Người dân mua vàng, có cả trả nợ lẫn tích cóp, đầu cơ. Ảnh: Xuân Phú
Người dân mua vàng, có cả trả nợ lẫn tích cóp, đầu cơ.
Ảnh: Xuân Phú.
 

TP Hồ Chí Minh, việc mua bán vàng tại các cửa hàng dù không “láo nháo” như Hà Nội nhưng cũng sốt theo giá và nhu cầu. Có hay không việc người dân và ngân hàng lo mua trả nợ? Ông Đỗ Minh Phú, Tổng giám đốc Doji cho hay, những ngày qua không thấy xuất hiện “lệnh” mua lớn nào nên nhiều khả năng không có sự tham gia của các ngân hàng mà chủ yếu toàn người dân với sức mua từ vài cho đến vài chục lượng với nhu cầu tích cóp hoặc đầu cơ chờ có lời lớn sẽ bán ra.

Ông Trương Văn Phước-Tổng giám đốc ngân hàng Eximbank cho hay: Hiện số lượng vàng huy động và cho vay của các ngân hàng là khá lớn. Eximbank tuy không nhiều nhưng tính đến nay số lượng vàng huy động xấp xỉ 10 tấn và số lượng cho vay khoảng 3-4 tấn.

“Có nhiều đối tượng vay vàng, nhưng phần lớn là những người để sử dụng vào mục đích mua nhà. Các hợp đồng vay vàng thường có thời hạn rất dài, từ 5 đến 10 năm. Số lượng vàng cho vay cao nhất là 1.000 lượng/khách hàng, nhưng số khách hàng vay nhiều như kể trên là rất ít. Mức vay nhiều phổ biến nhất là từ 2 đến 3 trăm lượng/khách hàng”- Ông Phước cho biết.

Đối với các hợp đồng cho vay vàng thực hiện trước thời điểm 1-5, theo ông Phước, về nguyên tắc đến thời gian đáo hạn hợp đồng mới thanh lý chứ không “phá ngang”.

Có hay không lo ngại các ngân hàng và khách hàng sẽ gặp khó khăn trong việc trả vàng khi giá vàng tăng mạnh như hiện tại, ông Phước cho rằng không đáng ngại. Vì rằng, khi cho vay các ngân hàng phải tính đến giải pháp phân tán rủi ro, cho vay với liều lượng vừa phải, không tập trung cho vay với một số lượng lớn. Còn tỷ lệ cho vay so với tài sản đảm bảo thấp; nói cách khác, giá trị vay chỉ chiếm 50-60% trị giá tài sản đảm bảo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG