Giới đầu tư đã hết 'cọc' để bám?
> Phố Wall bùng nổ giao dịch
> Sốc vì tương lai u ám của chứng khoán
"Các nhà đầu tư đang đầu hàng bởi không tìm được điểm tựa nào ở phía trước cả", chiến lược gia thị trường Milton Ezrati thuộc hãng Lord Abbett Co ở bang New Jersey (Mỹ) nhận định.
"Các nhà đầu tư đang đầu hàng bởi không tìm được điểm tựa nào ở phía trước cả", chiến lược gia thị trường Milton Ezrati nhận định. |
Phiên giao dịch đêm qua, các chỉ số chứng khoán Mỹ đổ dốc mạnh. Đà bán tháo lan rộng trên khắp các thị trường, đẩy khối lượng giao dịch lên mức đỉnh điểm trong hơn một năm qua. Tuy nhiên, giới phân tích dự báo thị trường còn giảm mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Cụ thể, các chỉ số Dow Jones và S&P trượt hơn 4%, trong khi chỉ số Nasdaq giảm tới 5%. Khối lượng giao dịch toàn thị trường lên gần 14 tỷ cổ phiếu. Chỉ số bất ổn Phố Wall nhảy vọt 35,4% lên mức cao nhất kể từ tháng 7-2010.
Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 9 giảm 5,3 USD xuống còn 86,63 USD/thùng. Đây là phiên thứ 5 liên tiếp, giá dầu kỳ hạn này sụt giảm. Tại sàn vàng, giá vàng giao tháng 12 cũng giảm 7,3 USD, tương ứng 0,4%, xuống 1.659 USD/oz.
Hôm qua, yếu tố ảnh hưởng nặng nề nhất tới tâm lý nhà đầu tư trên các thị trường hàng hóa là những lo sợ về khả năng Mỹ đang bắt đầu bước vào một cuộc suy thoái khác và nguy cơ khủng hoảng nợ công châu Âu đang tràn vào hai trong số các nền kinh tế lớn nhất châu lục này.
Hàng loạt số liệu được công bố gần đây cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tăng trưởng mỗi lúc một chậm hơn và có nhiều dấu hiệu bất ổn. Hôm 4-8, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney thừa nhận kinh tế đang vật lộn với tác động từ giá năng lượng cao và một số thách thức khác.
Ông Carney nói: “Nền kinh tế sẽ đối mặt với nhiều trở ngại trong năm nay”. Dẫu vậy, Nhà Trắng vẫn tin tưởng kinh tế Mỹ không có nguy cơ rơi vào suy thoái kép, ngược hẳn với những phân tích của giới chuyên gia cũng như những số liệu thực tế vừa công bố.
Bill Gross, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới PIMCO và Peter Fisher, trưởng bộ phận thu nhập cố định của hãng quản lý tài sản BlackRock cho rằng, kinh tế Mỹ đang bước vào giai đoạn trì trệ, và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chuẩn bị ra tay ngăn chặn đà suy giảm.
“Suy thoái chưa xuất hiện nhưng đang ở thời điểm bùng phát. Chúng ta đang ở trong giai đoạn trì trệ khi lợi nhuận doanh nghiệp không tăng trưởng và các công ty cũng không tuyển thêm nhân viên”, Giám đốc điều hành PIMCO trả lời trên kênh truyền hình Bloomberg. Theo ông, FED sẽ tung ra QE3.
Trong khi đó, chuyên gia Fisher cho biết, kinh tế Mỹ sắp rơi vào giai đoạn tăng trưởng trì trệ và FED có thể cam kết giữ nguyên mức lãi suất siêu thấp lâu hơn. Ông tin tưởng FED đang chuẩn bị các kế hoạch đối phó nếu nền kinh tế không cải thiện.
Theo ước tính của hãng tin Bloomberg, số người thất nghiệp lần đầu tại Mỹ trong tuần qua tăng 7.000 người, lên 405.500. Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục ở mức cao 9,2%. Hiện thị trường đang ngóng chờ bản báo cáo chính thức từ Bộ Lao động sẽ được công bố trong ngày hôm nay.
Những thông tin bất lợi trước đó còn có chỉ số quản lý mua của ngành chế tạo Mỹ trong tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7-2009; Kinh tế quý 2 tăng trưởng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng quý 1 sau điều chỉnh chỉ còn 0,4%. Cả hai con số này đều thấp hơn nhiều so với dự đoán.
Ngoài ra, hôm 3/8, Bộ Tài chính Mỹ cho biết nợ công của nước này đã vượt 100% GDP, ngay khi lưỡng viện Quốc hội thông qua dự luật nâng trần nợ. Cụ thể, nợ liên bang của Mỹ tính đến ngày 2/8 đã vượt mức 238 tỷ USD/ngày, đạt 14.580,7 tỷ USD, vượt GDP năm 2010 (14.526,5 tỷ USD).
Tuy rằng, theo những đánh giá gần đây của Chính phủ Mỹ, GDP của nước này trong năm 2011 hiện cao hơn con số này, cụ thể giá trị sản lượng của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý 2/2011 tương ứng với mức tăng trưởng hàng năm là 15.003,8 tỷ USD.
Song, căn cứ vào các dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), với số liệu trên, Mỹ đã gia nhập lại nhóm các nước có nợ công cao hơn GDP, gồm Nhật Bản (229%), Hy Lạp (152%), Jamaica (137%), Liban (134%), Italy (120%), Ireland (114%) và cả Iceland (103%).
Cả 3 hãng xếp hạng tín dụng quốc tế gồm Standard & Poor's, Moody's và Fitch Ratings đã giữ nguyên mức xếp hạng tín nhiệm uy tín AAA của Mỹ, nhưng cảnh báo Mỹ có thể vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị đánh tụt hạng tín dụng nếu kỷ luật ngân sách không được siết chặt và tăng trưởng kinh tế tiếp tục xấu đi.
Bên cạnh yếu tố kinh tế Mỹ, nhà đầu tư còn hoảng loạn trước nguy cơ khủng hoảng nợ châu Âu đang lan rộng sang hai trong số các nền kinh tế hàng đầu ở lục địa này, là Tây Ban Nha và Italy.
Hôm 3/8, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR), tổ chức cung cấp thông tin kinh tế độc lập cho các cá nhân, chính phủ và khu vực thứ ba, đã nhận định rằng, Italy có thể vỡ nợ công, nhưng Tây Ban Nha có cơ thoát khỏi tình thế nguy hiểm này.
CEBR cho biết đã phân tích 2 kịch bản theo hướng sáng sủa và ảm đạm đối với các nền kinh tế của Italy và Tây Ban Nha và thấy rằng Italy khó có thể chống đỡ được với khối nợ công hiện nay cho dù lãi suất vay mượn giảm, trừ phi kinh tế của quốc gia này tăng trưởng đột biến.
Theo tính toán của CEBR, nợ công của Italy sẽ tăng từ 128% lên 150% GDP vào năm 2017, nếu lãi suất trái phiếu chính phủ vẫn dừng ở mức trên 6% hiện nay và kinh tế vẫn duy trì mức tăng trưởng 0,1% trong quý 1/2011.
Nếu chi phí vay mượn giảm xuống 0,4%, nhưng kinh tế không thoát khỏi tình trạng tăng trưởng ì ạch thì nợ công của Italy vẫn ở mức 123% trong năm 2018, cao hơn gấp đôi mức qui định của Liên minh châu Âu (EU).
Đối với Tây Ban Nha, tình hình có phần khả quan hơn do nợ công của nước này thấp hơn nhiều, trong trường hợp xấu nhất cũng không vượt quá 75% GDP. CEBR nhận định Tây Ban Nha thực sự có khả năng tránh được nguy cơ vỡ nợ công hoặc cơ cấu lại nợ.
Một động thái khác tác động không nhỏ tới thị trường là việc ngày 4-8, Nhật Bản ra tay can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm chặn đà tăng giá của đồng Yên thông qua nghiệp vụ bán Yên, mua USD. Ngay sau hành động này, tỷ giá giữa đồng Yên và USD đã tăng từ mức 76 Yên/USD lên 78 Yên/USD.
Trước đó, đồng Yên đã tăng giá liên tục so với USD. Tỷ giá giữa hai đồng tiền này có lúc đã giảm xuống gần mức 76,25 Yên/USD, mức thấp kỷ lục kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai tới nay, do những quan ngại về cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và Mỹ, cũng như các quan ngại kinh tế khác.
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu là đầu tàu của nền kinh tế Nhật Bản như các hãng ôtô và điện tử hiện đang gặp nhiều khó khăn. Nếu giá đồng Yên tiếp tục ở mức siêu cao như hiện nay, các doanh nghiệp Nhật Bản khó có thể đối phó chỉ bằng nỗ lực của họ.
Cùng ngày, Hội đồng chính sách Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ bằng cách mở rộng quy mô của chương trình mua tài sản từ 40.000 tỷ Yên hiện nay lên 50.000 tỷ Yên.
Theo đó, BoJ sẽ tăng quy mô của quỹ mua tài sản tài chính từ 10.000 Yên lên 15.000 tỷ Yên, đồng thời tăng quy mô của hoạt động cho vay vốn trên cơ sở tài sản ký quỹ với lãi suất cố định từ 30.000 tỷ Yên lên 35.000 tỷ Yên. BOJ sẽ sử dụng số tiền này để mua các tài sản tài chính.
Chương trình này sẽ tác động trực tiếp tới lãi suất dài hạn và phí bảo hiểm rủi ro mà các công ty phải trả khi vay vốn. Cùng với quyết định trên, Hội đồng chính sách BoJ đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức cực thấp từ 0 - 0,1%.
Theo Diệp Anh
VnEconomy